UAV Trung Quốc - diều hâu trên Biển Đông

Gần đây, Trung Quốc phát triển mạnh mẽ máy bay không người lái trên mọi lĩnh vực, nhưng tập trung sâu vào ứng dụng quân sự. Những UAV Trung Quốc thật sự trở thành mối đe dọa hòa bình, an ninh khu vực biển Đông, biển Hoa Đông.
Các drones trong trường huấn luyện bay UAV Trung Quốc
Các drones trong trường huấn luyện bay UAV Trung Quốc

Từ năm 2009 , UAV Trung Quốc phát triển với tốc độ không thể tưởng tượng, hàng loạt hãng truyền thông phương Tây đăng tải các bài viết về sự phát triển công nghiệp chế tạo máy bay không người lái Trung Quốc. Tiêu đề của các bài viết cũng gây shock đối với người đọc: “UAV chiếm vị trí chủ đạo trong cuộc chạy đua vũ trang Trung – Nhật”, “Nguy cơ UAV Trung Quốc – vòng xoáy mới cuộc chạy đua vũ trang thế giới”, “Bầy UAV Trung Quốc thách thức sức mạnh quân sự Mỹ”

Tất nhiên hiện nay, Trung Quốc đang đẩy mạnh chế tạo và sử dụng máy bay không người lái trong quân sự, nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn để đạt được trình độ công nghệ và khả năng ứng dụng của Mỹ và Israel. Nhưng chủ đề UAV Trung Quốc hiện vẫn đang đốt cháy truyền thông, thu hút sự quan tâm đặc biệt của chính giới và các chuyên gia quân sự thế giới.

Thời gian gần đây, Trung Quốc sử dụng UAV để kiểm soát biên giới với Bắc Triều Tiên, tuần thám quần đảo và các đảo có tranh chấp ở biển Đông và Hoa Đông, Bắc Kinh cũng tuyên bố vào năm 2012 về khả năng sử dụng UAV để tiêu diệt kẻ thù ngoài biên giới (như Mỹ đã làm), đặc biệt là ở Miến Điện và Lào.

Đó là nhiệm vụ tiêu diệt những kẻ buôn thuốc phiện và tội phạm lần trốn ở nước ngoài, ví dụ như kế hoạch tiêu diệt tên cướp và buôn lậu ma túy Như Kham, đứng đầu nhóm tội phạm đã giết 13 ngư thủy Trung Quốc trên sông Mê Công khi những người này từ chối không nộp tiền mãi lộ. Tên Kham đã bị bắt trong một chiến dịch đặc biệt mà người Trung Hoa đánh giá như chiến dịch tiêu diệt Bin Laden ở Pakistan. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sử dụng UAV để kiểm soát các đường ống dẫn khí gas ở Miến Điện.

UAV Trung Quốc - diều hâu trên Biển Đông ảnh 1
UAV Trung Quốc - diều hâu trên Biển Đông ảnh 2
Trực thăng UAV V750 của Trung Quốc

Các căn cứ UAV của không quân Trung Quốc có mặt ở Phúc Châu, Phúc Kiến và Quảng Đông và đang xây dựng hai căn cứ UAV ven biển ở Liêu Ninh. Hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu (16 vệ tinh) cho phép Trung Quốc mở rộng khả năng sử dụng các UAV của mình trên biển và ngoài biên giới. Cục quản lý hải dương Trung Quốc cũng phát triển các UAV của mình và dự kiến xây dựng 11 căn cứ UAV ven biển và trên hải đảo.

Hiện nay, các kỹ sư hàng không Trung Quốc đang phát triển 25 nguyên mẫu UAV, bao gồm cả máy bay mang vũ khí tấn công, 1/3 số đó đã đưa vào sản xuất hàng loạt theo kế hoạch biên chế 1500 UAV cho quân đội. Số lượng UAV của Trung Quốc mỗi năm tăng gấp đôi, thị trường UAV nội địa được đánh giá có tiềm năng nhiều tỷ nhân dân tệ. Trung Quốc không có dự kiến giới hạn sản xuất UAV chỉ cho nhu cầu trong nước.

Các UAV quân sự được xuất sang Pakistan và Nam Phi, Kazakhstan cũng quan tâm đến các UAV của Trung Quốc. Các UAV giá rẻ cho phép Trung Quốc tấn công vào thị trường khu vực các nước nghèo, ngân sách quốc phòng không cho phép mua các UAV của Mỹ hoặc của Israel hoặc không được phép mua UAV do các biện pháp trừng phạt chính trị.

Như vậy, các chuyên gia quân sự phương Tây thấy được sự đe dọa của UAV của Bắc Kinh không phải chỉ nhằm vào hệ thống quân sự Mỹ hoặc Nhật Bản, mà còn là sự tràn ngập thị trường thế giới thứ 3 của các UAV Trung Quốc đa chủng loại với số lượng lớn.

UAV Trung Quốc - diều hâu trên Biển Đông ảnh 3
Mẫu UAV phát triển thử nghiệm (Thanh Kiếm) của Trung Quốc tương tự X-47
UAV Trung Quốc - diều hâu trên Biển Đông ảnh 4
UAV Trung Quốc F50

UAV F50.Được giới thiệu trong triển lãm các phương tiện bay không người lái AUVSI΄S Unmanned System NA 2011, diễn ra từ 16 đến 19 tháng 8 ở Washington. Chiếc mini UAV F-50 có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng, là sản phẩm đầu tay của tập đoàn công nghệ Shenzhen AEE Technology co., Ltd.

Mặc dù có kích thước nhỏ và tầm bay không rộng, F50 được trang trang bị video có độ phân giải cao, video quang ảnh nhiệt và các thiết bị nghe nhìn mini khác. Trong an ninh, quân sự, chiếc F50 có thể được sử dụng như một bộ khí tài trinh sát mini dành cho các lực lượng tiềm nhập, luồn sâu hoặc trinh sát chiến trường.

UAV Trung Quốc - diều hâu trên Biển Đông ảnh 5
UAVAnJian "Kiếm đen"
UAV Trung Quốc - diều hâu trên Biển Đông ảnh 6
UAVAnJian

UAV AnJian – “Kiếm đen” là phương tiện bay không người lái đang phát triển của Trung Quốc. Phiên bản đầu tiên của drone AnJian được giới thiệu vào năm 2008 tại triển lãm hàng không và vũ trụ tại Bắc Kinh. Yêu cầu nhiệm vụ của Anjian là đột phá tuyến phòng không đối phương. Hiện Anjian đang được tiếp tục phát triển.

UAV Trung Quốc - diều hâu trên Biển Đông ảnh 7
UAV Tianyi V
UAV Trung Quốc - diều hâu trên Biển Đông ảnh 8
UAV Tianyi V - trực thăng không người lái đang hoạt động
UAV Trung Quốc - diều hâu trên Biển Đông ảnh 9
UAV Tianyi V, được chào hàng xuất khẩu nước ngoài vào mục đích dân sự

UAV Tianyi V – Phiên bản drone hạng nhẹ đa năng, cất hạ cánh thẳng đứng, được phát triển bởi công ty XinYing.

Tianyi V được trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu, phiên bản xuất khẩu có lắp hệ thống dẫn đường GPS, hoạt động song song theo hai phương án, điều khiển hoặc lập trình hoạt động, bao gồm từ chế độ: cất cánh, lựa chọn độ cao, bay theo lộ trình và hạ cánh. Trong tổ hợp của drone bao gồm cả thiết bị điều khiển.

Tianyi V có khả năng bay treo tại chỗ, rất dễ dàng trong khai thác sử dụng. Trong trường hợp động cơ bị hỏng, máy bay vẫn có thể hạ cánh an toàn do rotor quay theo quán tính. Do tính đơn giản dễ sử dụng cũng như dễ dàng huấn luyện đào tạo bay, UAV Tianyi V có thể được áp dụng rộng rãi trong các lực lượng vũ trang, các cơ quan dân sự và dành cho xuất khẩu.

UAV Trung Quốc - diều hâu trên Biển Đông ảnh 10
UAV Tianyi III

UAV Tianyi III – nguyên mẫu UAV hạng nhẹ cất hạ cánh thẳng đứng, phát triển bởi công ty XinYing. Tương tự như phiên bản drone Tianyi V, máy bay không người lái có thể được sử dụng trong các mục đích dân sự và quân sự. Trong an ninh – quân sự, drone được sử dụng để trinh sát, quản lý biên giới, bờ biển và trên biển, chỉ thị mục tiêu và dẫn đường cho hỏa lực pháo binh, tên lửa các loại.

UAV Trung Quốc - diều hâu trên Biển Đông ảnh 11
Tianyi I-X8
UAV Trung Quốc - diều hâu trên Biển Đông ảnh 12
Không ảnh được chụp từ Tianyi I-X8

Tianyi I-X8 – phương tiện bay không người lái đa năng, cất hạ cánh thẳng đứng lớp “Quadrocopter”, được phát triển bởi công ty XinYing. Tianyi I-X8 được trang bị 8 động cơ điện và các loại trang thiết bị khác nhau phục vụ cho yêu cầu nhiệm vụ. Phương tiện bay khá đơn giản trong sửa chũa và thay thế. Máy bay sử dụng nguồn điện là bình ắc quy phóng nạp hai chế độ. Máy bay khá nhạy cảm với điều kiện thời tiết, môi trường phức tạp. Tianyi I-X8 được trang bị máy ảnh đơn sắc Star-class ánh sáng yếu, máy ảnh màu, camera hồng ngoại quan sát ban đêm, video DCE chế độ thời gian thực.

UAV Trung Quốc - diều hâu trên Biển Đông ảnh 13
UAV chiến thuật WZ-6 (BKK-6)

UAV chiến thuật WZ-6 (BKK-6), được biên chế rộng rãi trong các lực lượng tăng thiết giáp, pháo binh và bộ binh từ năm 2009. Chiếc UAV hạng nhẹ này được phát triển bởi Đại học Bách khoa Tây Bắc (Northwest Polytechnic University - NTU) Tây An. Trang bị động cơ xăng 4 kỳ và có thời gian bay đến 12 giờ, tầm bay đến 400 km. UAV được sử dụng để tiến hành các hoạt động trinh sát chiến dịch, chiến thuật cho các lực lượng bộ binh và lính thủy đánh bộ, gây nhiễu điện từ và truyền tải thông tin.

Đổ thêm dầu vào lửa là bản báo cáo của Viên nghiên cứu khu vực châu Á Thái Bình dương “Dự án 2049” có trụ sở tại Washington. Bản báo cáo chỉ rõ, trọng tâm vấn đề là trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ gây tổn thất nặng nề mang tính hủy diệt cho Hải quân Mỹ, đặc biệt là tàu sân bay và các căn cứ hải quân. Khi xảy ra chiến tranh, hàng loạt UAV Trung Quốc sẽ tấn công hết đợt này đến đợt khác, vô hiệu hóa hệ thống phòng không chiến trường và giáng những đòn mang tính hủy diệt bằng bom điều khiển và tên lửa xuống đầu quân đội Mỹ ở Thái Bình dương.

Theo ý kiến của tác giả bản báo cáo, Trung Quốc đang thực thi những chương trình phát triển các UAV lớn và toàn diện nhất trên thế giới, thực tế đã và đang đe dọa sức mạnh quân sự, vị thế chính trị nước Mỹ. Bản báo cáo cũng đề cập đến các trường đại học, các viện và các cơ sở nghiên cứu, các tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ, những nhà lãnh đạo và toàn bộ tiềm lực công nghiệp Trung Quốc hoàn toàn có thể tạo ra một bước đại nhảy vọt trong quá trình nghiên cứu, thiết kế, phát triển sản xuất và khai thác sử dụng UAVtrên mọi lĩnh vực, đặc biệt là quân sự.

Các UAV Trung Quốc trong tương lai sẽ xuất kích trong một không đoàn thống nhất, có thể tiếp dầu trên không, tự cất hạ cánh trên các căn cứ và tàu sân bay, tác chiến điện tử, dẫn đường tên lửa hành trình đồng thời chủ động tấn công bằng bom, tên lửa. Một trong những nguy cơ đối với người Mỹ là tiến trình nghiên cứu, thiết kế và phát triển các UAV có tầm bay xa và thời gian hoạt động dài của Bắc Kinh, những UAV này có thể giáng những đòn tấn công bất ngờ vào các căn cứ chiến lược của Mỹ ở Okinawa, Philipphines hoặc trên đảo Guam cũng như các căn cứ quân sự các nước láng giềng.

UAV Trung Quốc - diều hâu trên Biển Đông ảnh 14
UAV Trung Quốc - diều hâu trên Biển Đông ảnh 15
UAV Cánh Rồng "Dragon Wing" bản copy của MQ-1 Predator.

Năm 2011 các thống kê đánh giá số lượng UAV của Trung Quốc khoảng 280 chiếc, Nhưng đến nay, số lượng đó có thể tăng gấp vài lần. Các chuyên gia cũng không thể dự đoán được số lượng UAV hiện nay nhưng có thể khẳng định rằng chất lượng của một số UAV đang phát triển không kém gì MQ-1 Predator hay RQ-170 của Mỹ dựa trên những nguyên mẫu đã có. Dễ hiểu, tại sao Bắc Kinh cần đến những đường băng quân sự trên các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp, Trung Quốc đang mở rộng khả năng hiển diện của mình ở châu Á Thái Bình Dương đồng thời khẳng định vị thế thống trị trên biển Đông và biển Hoa Đông bằng việc sử dụng các UAV quân sự ngoài biên giới lãnh thổ.

UAV Trung Quốc - diều hâu trên Biển Đông ảnh 16
UAV Trung Quốc - diều hâu trên Biển Đông ảnh 17
UAV Lệ Giang- phiên bản copy của RQ-170 Sentinel Mỹ

Báo cáo cũng đề xuất các biện pháp nhằm ngăn chặn các nguy cơ đe dọa của UAV Trung Quốc như tăng cường hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa của Mỹ và đồng minh trong khu vực, tăng cường năng lực tác chiến, hiện đại hóa các đơn vị tác chiến điện tử và chiến tranh mạng, trên các căn cứ quân sự Mỹ các máy bay chiến đấu phải có hầm chứa ngầm, lực lương công binh phải có khả năng phục hồi nhanh các đường băng, phân tán lực lượng trên các đảo thuộc quyền ở Thái Bình Dương

Nhưng những đề xuất của người Mỹ cũng thể hiện rất rõ một điều, Washington đang thật sự bất an trước sự phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế tạo và sản xuất máy bay không người lái của Bắc Kinh. UAV Trung Quốc đang trực tiếp đe dọa lợi ích kinh tế - chính trị của Mỹ và đồng minh, làm lung lay vị thế và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình dương đồng thời chĩa mũi dùi trực tiếp vào hải quân Mỹ.

Khoảng cách công nghệ giữa Trung Quốc và phương Tây đang rút ngắn lại nhanh chóng. Trong tương lai, UAV quân sự sẽ là lực lượng chủ chốt của các cuộc xung đột cường độ thấp, vai trò của các UAV quân sự Trung Quốc trong đối ngoại chính trị và an ninh khu vực sẽ càng được tăng cường và phát triển.

Trịnh Thái Bằng theo InfoNet