Cắm đầu vào chứng khoán
Một cổ phiếu blue-chip tăng như tên lửa rồi bất ngờ lao xuống đất. Một phụ nữ trẻ đã tung một loạt các lời trăng trối trước khi tự vẫn trên mạng xã hội. Rất may, thảm kịch đã được cảnh sát ngăn chặn sau một vụ bắt giữ.
“Tôi đã đặt cược toàn bộ tiền của gia đình vào 1 cổ phiếu. Trong hai tháng, mỗi phút đều gắn với nỗi lo sợ và đau đớn. Ngày mai tôi sẽ ra đi, mang theo nỗi đau cả cuộc đời”, tờ FT dẫn lời chia sẻ của người phụ nữ trên mạng xã hội.
Trích dẫn tờ Guangzhou Daily, FT cho biết, người phụ nữ không may mắn nói trên đã đầu tư 105 ngàn USD tiền của gia đình và một con số gần như vậy từ tiền đi vay và mất 40% tổng số tiền đầu tư vào chứng khoán.
Trước đó, cũng chính người phụ nữ này đã chia sẻ trên mạng Weibo rằng, cổ phiếu mà chị đầu tư là niềm tự hào TQ khi tăng kịch trần 10% hôm 8/6. Cổ phiếu này đã tăng từ 6,4 NDT cuối năm ngoái lên 39,4 NDT vào ngày 20/4, trước khi trượt trở về dưới 20 NDT hồi cuối tháng 6.
Gần đây, theo tờ ThePochTimes, một người đàn ông tên Lưu tại tỉnh Giang Tây (Jiangxi) Trung Quốc đã giết vợ vì người vợ đã vay tiền từ bà con, họ hàng, bạn bè, trên thị trường tín dụng đen và thế chấp nhà cửa để đầu cơ trên TTCK nhưng đã thua lỗ nặng nề. Theo lời khai, người vợ đã ép ông Lưu tiếp tục vay tiền để đổ vào chảo lửa chứng khoán.
Nhiều vụ tự tử được cho là vì chứng khoán và những hình ảnh chết chóc rợn người tại một số trung tâm thương mại và tài chính lớn ở Trung Quốc đã được đăng tải trên các trang tin và mạng xã hội trong và ngoài nước. Đây có lẽ là kết quả của hành động bầy đàn đầu tư hứng khoán của nhiều NĐT non kinh nghiệm.
Báo cáo của Công ty Lưu ký Chứng khoán Trung Quốc hồi cuối tháng 6 cho biết, TTCK nước này ghi nhận có hơn 90 triệu NĐT cá nhân tham gia. Đây là con số kỷ lục trên TTCK nước này và cũng là cao nhất trong số tất cả các TTCK trên thế giới.
Số lượng NĐT chứng khoán cá nhân tại Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi so với trước đó 12 tháng, tương đương với hơn 40 triệu tài khoản mới đã được mở trong vòng một năm tính tới cuối tháng 6/2015. Nhiều người dân có trình độ học vấn ở mức thấp đã coi TTCK là kênh kiếm tiền số một, nhất là sau một thời kỳ dài gần 7 năm, TTCK nước này đã tích lũy và đi ngang.
Và kết quả của làn sóng người kéo người đầu tư vào các cổ phiếu trên sàn chứng khoán Thượng Hại và Thâm Quyến là các chỉ số chứng khoán tiếp tục tăng chóng mặt. Chỉ số Shanghai Composite Index và Shenzhen Composite Index đều đã tăng 2,5 cho tới 2,9 lần.
Bài học cho tay chơi Việt Nam
Cùng với sự bùng nổ của chứng khoán là nguy cơ nổ bong bóng. Chính phủ Trung Quốc trước đó nhiều tháng cũng đã cảm nhận được điều này và tìm kiếm những biện pháp kiềm chế lại tâm lý hừng hực lao của gần 100 triệu người dân nước này bằng việc hãm lại đà vay margin trên thị trường. Đây cũng chính là lúc thị trường vỡ bục. Chỉ số Shanghai Composite mất 32% trong vòng 3 tuần kể từ giữa tháng 6.
Địa chấn chứng khoán TQ cũng là bài học khá thiết thực đối với TTCK Việt Nam.
Theo báo cáo đánh giá của Công ty Cổ phần chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), nguyên nhân dẫn tới việc đổ vỡ của TTCK Trung Quốc là do thị trường này tăng trưởng bong bóng trong vòng một năm qua nhờ vào các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ (giảm lãi suất, dự trữ bắt buộc…); TTCK tăng trưởng không đi kèm với tăng trưởng kinh tế; chất lượng NĐT thấp do tỷ trọng NĐT nhỏ lẻ tham gia thị trường cao.
Dòng tiền đã được đưa quá đà vào TTCK, từ tiền kích thích kinh tế, từ ngoại tệ FDI quy đổi ra nội tệ, từ việc hạ giá đồng NDT và cho phép NĐT cá nhân và tổ chức dùng đòn bẩy tài chính tỷ lệ cao (vay margin), với mức margin/giá trị số cổ phiếu floating đạt gần 9%, cao gấp 5 lần so với mức trung bình ở hầu hết các thị trường phát triển.
Cũng theo BSC, TTCK Trung Quốc đổ vỡ là bài học giá trị cho các thị trường đang phát triển trong đó có Việt Nam. Mục tiêu chính sách nới lỏng tiền tệ của chính phủ Trung Quốc về cơ bản là nhắm vào việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những hiệu ứng phụ dẫn tới sự gia tăng quá mức của TTCK đã vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính phủ. Điều này cho thấy bất kỳ rủi ro nào cũng có thể xảy ra nếu thiếu sự chặt chẽ và đồng bộ trong điều hành kinh tế.
Ngoài ra, sự đổ vỡ của TTCK có một phần lớn nguyên nhân từ phong trào đầu tư mang tính chất dây chuyền của số đông lớp nhà đầu tư cá nhân,nhỏ lẻ với kiến thức hạn chế về kinh tế, tài chính.
Gần đây, Việt Nam cũng đã công bố lấy ý kiến về thông tư thay thế Thông tư 74, trong đó có nội dung mở đường cho hoạt động bán khống (bán khi chưa sở hữu cổ phiếu) ở mức độ thấp. Dự thảo đã được các NĐT chào đón nồng nhiệt bởi nó có thể giúp tăng tính thanh khoản và tái cấu trúc thị trường. Hoạt động cho vay ký quỹ (margin) cũng đã và đang được các CTCK thực hiện triệt để. Đây là những tín hiệu tốt cho TTCK.
Tuy nhiên, sự kiện TTCK sập sàn gắn liền với hoạt động cho vay, bán khống quá đà và tăng trưởng quá nóng là bài học về việc cân bằng giữa các giải pháp thúc đẩy thị trường và cơ chế giám sát, kiểm soát thích hợp.
Theo VietnamNet