|
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. |
Tập trận 3 ngày ở đông nam đảo Hải Nam
Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 18/7 dẫn thông tin từ Cục Hải sự Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ tiến hành diễn tập quân sự (tập trận) ở vùng biển kết nối 4 điểm tọa độ gồm 19-20N/110-33E, 18-40N/110-25E, 18-40N/111-04E, 19-20N/111-04E.
Cuộc diễn tập này diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 19 đến ngày 21/7/2016). Trong thời gian diễn tập, Trung Quốc tuyên bố cấm tàu thuyền đi lại ở khu vực này.
BBC ngày 18/7 cho rằng, thông báo về tọa độ khu vực diễn tập của Cục Hải sự Trung Quốc cho thấy, vùng biển diễn tập lần này là vùng biển phía đông nam đảo Hải Nam, nằm giữa cảng Bác Ngao và vịnh Nhật Nguyệt. Vùng biển này sẽ bị phong tỏa trong 3 ngày để phục vụ cho cuộc tập trận.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố tiến hành huấn luyện diễn tập trên biển sau khi Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc ở The Hague, Hà Lan đưa ra phán quyết về vụ kiện trọng tài Biển Đông của Philippines, phủ định chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chinatimes cũng cho rằng, Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc ngày 12/7 đưa ra phán quyết về vụ kiện trọng tài Biển Đông của Philippines đã khiến cho Trung Quốc vô cùng tức giận.
Có chuyên gia cho rằng cuộc tập trận lần này ở Biển Đông là để ứng phó với kết quả phán quyết của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc đối với vụ kiện Trung Quốc của Philippines.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết đây là cuộc diễn tập thường lệ tiến hành theo kế hoạch năm của Hải quân Trung Quốc. Số lượng tàu chiến được điều động tương đối nhiều, có trên 100 tàu, tính năng tương đối tiên tiến.
Ngày tiếp theo, Lễ biên chế tàu khu trục tên lửa Ngân Xuyên sẽ được tổ chức ở một quân cảng tại Tam Á, trở thành tàu khu trục Type 052D thứ tư chính thức biên chế cho Hải quân Trung Quốc (Hạm đội Nam Hải). Ba tàu Type 052D trước đó gồm tàu Côn Minh, Trường Sa và Hợp Phì cũng đã được bố trí ở phía bắc Biển Đông.
Không quân Trung Quốc tuần tra phi pháp ở Biển Đông
Ngoài cuộc tập trận hải quân, ngày 18/7, người phát ngôn Không quân Trung Quốc, Đại tá Thân Tiến Khoa còn cho biết, gần đây, Không quân Trung Quốc đã tổ chức "tuần tra chiến đấu" ở Biển Đông, đã điều động các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu.
Thân Tiến Khoa cho hay trong cuộc tuần tra này, Không quân Trung Quốc điều máy bay ném bom H-6K đến vùng trời các đảo, đá như bãi cạn Scarborough (Trung Quốc cướp từ tay Philippines vào năm 2012) để tiến hành “tuần tra”.
Ngoài ra, còn có các máy bay tiêm kích, máy bay trinh sát, máy bay tiếp dầu trên không thực hiện "nhiệm vụ tuần tra chiến đấu", triển khai hành động bằng hình thức chính là trinh sát trên không, không chiến đối kháng, tuần tra đảo đá, đã đạt mục đích "tuần tra chiến đấu".
Thân Tiến Khoa cho biết, lực lượng đường không của Không quân Trung Quốc đến Biển Đông "tuần tra chiến đấu" nhằm thúc đẩy phát triển sâu sắc huấn luyện chiến đấu thực tế trên hướng biển, nâng cao năng lực chiến đấu thực tế "ứng phó các loại mối đe dọa an ninh, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia".
Ông ta nhấn mạnh, căn cứ vào nhu cầu thực hiện có hiệu quả "nhiệm vụ, sứ mệnh" của không quân, hoạt động "tuần tra chiến đấu" của lực lượng đường không không quân sẽ tiếp tục tiến hành thường xuyên.
Thân Tiến Khoa lại giở giọng tuyên bố cái gọi là "chủ quyền có từ thời cổ đại”ở Biển Đông, đồng thời đe dọa "chủ quyền và quyền lợi (bất hợp pháp -PV) của Trung Quốc ở Biển Đông không được xâm phạm". "Không quân Trung Quốc kiên định bảo vệ chủ quyền, an ninh và quyền lợi (bất hợp pháp - PV) biển quốc gia, kiên quyết bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực, ứng phó các loại thách thức mối đe dọa".
Tôn Kiến Quốc: “Trung Quốc phải tăng cường năng lực tác chiến”
BBC ngày 18/7 cho biết Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích Mỹ đứng sau "xúi giục, thao túng" vụ kiện trọng tài Biển Đông.
Theo tiết lộ của một nguồn tin từ Bắc Kinh, một viên tướng của Quân đội Trung Quốc đã đưa ra cảnh cáo mới nhất rằng hành động "tự do đi lại" của Mỹ ở Biển Đông sẽ gây ra "thảm họa".
Hãng tin Reuters Anh ngày 18/7 cho biết căn cứ vào một bản ghi chép diễn tập của báo này, trong một diễn đàn kín, Tôn Kiến Quốc, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp, Quân ủy Trung ương Trung Quốc từng nói rằng tự do đi lại ở Biển Đông chưa từng bị ảnh hưởng.
Viên Thượng tướng này cho rằng "tự do đi lại quân sự" tạo ra mối đe dọa quân sự, "thách thức và không tôn trọng luật pháp quốc tế" (Trung Quốc có tôn trọng và tuân thủ phán quyết Biển Đông hay không?). "Tự do đi lại quân sự như vậy phá hoại tự do đi lại của Biển Đông, thậm chí có thể gây ra hậu quả thảm họa".
Khi tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào đầu tháng 6/2016, Tôn Kiến Quốc đã chỉ trích "một số nước đang ngang nhiên khoe vũ lực".
Trong bài phát biểu ngày 16/7, ông này nói rằng Trung Quốc phải tăng cường năng lực tác chiến trong thời điểm hiện nay (sau khi Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc ở The Hague đưa ra phán quyết Biển Đông), "khi kẻ thù đến xâm phạm, phát huy vai trò mang tính quyết định trong việc bảo vệ cái gọi là "chủ quyền và lợi ích quốc gia của Trung Quốc".
Khi tham dự phiên điều trần ở Quốc hội Mỹ vào tuần trước, cựu Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hải quân Mỹ, Đô đốc Blair đề xuất, Mỹ cần mạnh dạn sử dụng vũ lực phản đối các hoạt động bành trướng quân sự của Trung Quốc.
Trước khi Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc ở The Hague công bố phán quyết ngày 12/7, Hải quân Trung Quốc cũng đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn bất hợp pháp kéo dài 7 ngày ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam). Trung Quốc đã tập trung tuyên truyền rộng rãi về cuộc tập trận này, mục đích là khoe vũ lực răn đe các nước ven Biển Đông và Mỹ.