Tướng lĩnh Trung Quốc bị trị tội tham nhũng nhiều hơn số chết trong chiến tranh

VietTimes - Truyền thông Trung Quốc đưa thông tin hơn 100 tướng lĩnh quân đội đã bị trừng trị vì tội nhận hối lộ, con số trên nhiều hơn cả số lượng tướng hy sinh trong thời kỳ chiến tranh lập quốc tại đất nước này.
Tướng lĩnh Trung Quốc bị trị tội tham nhũng nhiều hơn số chết trong chiến tranh ảnh 1

Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình được giới truyền thông ca ngợi vì cuộc chiến chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" của ông đã hạ gục nhiều tướng lĩnh hơn cả số lượng tướng hy sinh trong thời kỳ chiến tranh lập quốc tại đất nước này.

Cuối tuần qua. Tân Hoa Xã đăng tiểu sử dài về ông Tập Cận Bình trong đó có đoạn "Kể từ đại hội 18 (2012), hơn 100 sĩ quan quân đội và cấp cao hơn bao gồm cả 2 cựu phó chủ tịch quân ủy trung ương đã bị điều tra và trừng trị... Số lượng này còn lớn hơn số tướng lĩnh quân đội chết trên chiến trường trong chiến tranh lập quốc". Hầu hết các tướng lĩnh bị kết tội vì tham nhũng hoặc không trung với đảng. Theo Tân Hoa Xã, ông Tập cũng ra lệnh cho quân đội từ bỏ mọi hoạt động kinh doanh dù điều này đụng chạm tới quyền lợi của rất nhiều nhóm lợi ích. 

Cuộc chiến chống tham nhũng trong quân đội là một trong những nỗ lực của ông Tập Cận Bình để tái cơ cấu lại lực lượng quân đội và tăng năng lực chiến đấu của quân đội Trung Quốc. Vào đầu năm 2012, khi ông Tập bước lên vị trí quyền lực nhất của đảng cộng sản Trung Quốc, ông đã chỉ trích quân đội thiếu năng lực trong chiến tranh hiện đại. 
Tướng lĩnh Trung Quốc bị trị tội tham nhũng nhiều hơn số chết trong chiến tranh ảnh 2

Trong bài phát biểu tại đại hội đảng cộng sản Trung Quốc mới đây, ông Tập Cận Bình đặt tham vọng sẽ hiện đại hóa quân đội cho tới năm 2035 và đưa lực lượng này trở thành một đội quân tầm cỡ thế giới vào giữa thế kỷ. Nhưng ông Tập Cận Bình vẫn chưa đề cập đến tiêu chuẩn riêng của ông về đội quân này. Từ những bài học lịch sử, ông Tập cũng đặc biệt lưu ý về tính cơ động của quân đội Trung Quốc. "Tôi cực kỳ đau đớn mỗi khi nghĩ tới thời kỳ chúng ta bị rơi vào cuộc chiến tranh xâm lược", ông Tập nói.

Trong 5 năm vừa qua, Bắc Kinh đã nỗ lực thúc đẩy tinh thần yêu nước thông qua việc đề cập tới những vấn đề lịch sử bao gồm cả những sự kiện như nhà Thanh bị chia cắt bởi các đế quốc Anh, Pháp và cuộc xâm lược của phát xít Nhật. Năm 2014, Trung Quốc tổ chức ngày tưởng niệm toàn quốc về các nạn nhân trong vụ thảm sát tại Nam Kinh mà Bắc Kinh thông tin có tới hơn 300 nghìn lính cùng thường dân bị giết trong 6 tuần năm 1937. Bắc Kinh cũng tổ chức cuộc duyệt binh lớn vào năm 2015 để kỷ niệm sự kết thúc của thế chiến 2. 

Tiểu sử hơn 10 nghìn chữ của ông Tập Cận Bình trên Tân Hoa Xã được phát hành một tháng sau khi ông Tập được xác nhận sẽ tiếp tục lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ 2. Ngoài vấn đề chống tham nhũng, cơ cấu lại quân đội, bản tiểu sử này cũng đề cập tới chính sách khẩn cấp của Bắc Kinh với đặc khu hành chính Hongkong vào năm 2014 là một bước nhìn xa của ông Tập.