|
Quân cảng Cam Ranh của Việt Nam |
Cựu trung tướng hồi hưu Viktor Aistov đang làm việc trong chính quyền thủ đô Matxcơva, nhưng ông từng nhiều năm chỉ đạo công tác xây dựng căn cứ hải quân Xô viết Cam Ranh. Câu chuyện giữa họ nói về điều gì?
Tìm hiểu về lịch sử quân đội Xô viết, nhà văn Vladimir Galaiko thuộc Hội các nhà văn Nga đã có cuộc nói chuyện với tướng Aistov về Cam Ranh
Thưa ông Viktor Fiodovich, như mọi người đều biết, nước Nga gắn việc nâng cao cấp độ bảo vệ các đường ranh giới vùng Viễn đông trước hết với công trình xây dựng đảo Matua nằm ở cụm đảo trung tâm thuộc quần đảo Kurin lớn. Nhưng tại đó tổng diện tích chỉ 52 km2. Hơn nữa hòn đảo ở khá xa các khu vực dân cư của Xakhalin và Kamchatka, không có người sinh sống. Ông có so sánh gì với căn cứ quân sự Cam Ranh?
- Là một người lính tôi cho rằng, không bao giờ có chuyện dư thừa khả năng phòng thủ. Đầu tư tiền của để làm cho vùng đất quốc gia, dù xa xôi nhưng yên bình, nói theo cách nói của các nhà quân sự kinh điển, đều có hiệu quả tốt.
Nói về Cam Ranh, căn cứ này nhờ có những điều kiện tự nhiên độc đáo, đã hình thành một trong những cảng nước sâu tốt nhất thế giới. Bán đảo từ phía Bắc xuống phía Nam được vây bọc bởi vô số đảo nhỏ với cửa biển hẹp. Một pháo đài quân sự tự nhiên. Tổng diện tích mặt nước vịnh Cam Ranh – gần 100 km2 , độ sâu xấp xỉ 32 m. Toàn bộ các yếu tố này cho phép cùng một lúc neo đậu 40 chiến hạm và tàu chở hàng lớn.
Vào tháng 8/1886, hải phòng hạm “Tráng sỹ” của Hải quân Nga Sa hoàng dưới quyền chỉ huy đại tá Stepan Osipovich Makarov trong chuyến hải hành vòng quanh thế giới đã ghé thăm cảng Cam Ranh (thời đó thuộc Phan Rang). Các vị tư lệnh hải quân nước Nga lập tức nhận ra những giá trị quan trọng của cảng và trong nhiều năm những hạm tàu Nga không ít lần thả neo tại đây.
Chính quyền thực dân Pháp đã xây dựng căn cứ hải quân tại vịnh này vào thập niên 1930. Do hậu quả của các cuộc chiến tranh, người Nhật, sau đó lại là người Pháp đã chiếm giữ căn cứ này. Sau khi họ rút đi người Mỹ đã nhảy vào miền Nam Việt Nam. Mỹ can thiệp trực tiếp vào các hoạt đông quân sự, chính trị ở Việt Nam. Cuộc chiến tranh đầy đau thương, mất mát và chủ nghĩa anh hùng cách mạng kéo dài 20 năm kết thúc bằng thắng lợi của nhân dân Việt Nam.
Căn cứ Cam Ranh được giải phóng ngày 26/4/1975. Phải nói rằng, người Mỹ rất dày công kiến thiết nó. Tại đây có một sân bay với đường băng cất – hạ cánh khá tốt dài 3,5 km, có khả năng tiếp nhận tất cả các loại máy bay, kể cả máy bay ném bom chiến lược. Khu doanh trại dành cho các phi công, hệ thống kho tàng lưu giữ bom đạn, vũ khí trang thiết bị, hệ thống thiết bị y tế đã ra đời. Tại vịnh Bình Ba đã xây dựng xưởng sửa chữa tàu biển, trong căn cứ có hệ thống đường giao thông tốt.
Mặc dù đây là căn cứ hậu cần – kỹ thuật, nhưng hệ thống phòng thủ được kiên cố hóa vững chắc từ hướng biển. Vành đai căn cứ là các lô cốt liên kết thành một hệ thống hỏa lực dưới sự chỉ huy thống nhất. Lối vào vịnh có các khẩu đội pháo bờ biển được bố trí trên những điểm cao khống chế mặt nước. Tất nhiên, người Mỹ rất quan tâm tới cả công tác phòng thủ chống đặc nhiệm – các mục tiêu được bao quanh bằng những bãi mìn lớn và hệ thống lưới, hàng rào vật cản.
Tổng thống Mỹ Lindon Johnson đích thân thanh sát căn cứ hậu cần kỹ thuật Cam Ranh 2 lần: ngày 26/10/1966 và 23/12/1967 cho thấy tầm quan trọng chiến lược của căn cứ này…
Vậy bằng cách nào mà các chiến hạm của Liên Xô đã đến Cam Ranh?
- Liên Xô và các nước XHCN khác cảm thông và hiểu sâu sắc cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam, tận tình viện trợ giúp đỡ về kinh tế và quân sự. Liên Xô và các đồng minh thuộc Hiệp ước Warsaw viện trợ 5.600 khẩu pháo chống tăng, 316 máy bay chiến đấu, 23 tổ hợp tên lửa phòng không S-75M, 2 trung đoàn tên lửa S-125, gần 700 xe tăng, trên 70 chiến hạm và tàu vận tải cùng với các vũ khí, trang bị kỹ thuật khác. Trong những thời điểm đặc biệt khó khăn với các bạn Việt Nam, chính phủ Liên Xô điều động các tàu ngầm nguyên tử và chiến hạm nổi tới Biển Đông, thực hiện nhiệm vụ răn đe quân xâm lược.
Ngay sau Mỹ rút đi, Liên Xô đã quan tâm tới Cam Ranh. Người lính thủy đầu tiên đặt chân lên căn cứ này là chuẩn đô đốc Valentin Kozlov, Chủ nhiệm Cục hợp tác kỹ thuật – quân sự quốc tế của Hải quân Liên Xô. Tháng 12.1978, trong chuyến công tác tại Việt Nam cùng với một nhóm sỹ quan, ông nhận chỉ thị tìm hiểu kỹ tình hình Cam Ranh từ Tổng tư lệnh Lực lượng Hải quân Liên Xô - đô đốc Sergey Gorshkov.
Ông Kozlov cũng được giao nhiệm vụ trao đổi với phía Việt Nam về nguyện vọng sử dụng quân cảng này như một trạm hậu cần kỹ thuật cho các chiến hạm Xô viết đang hoạt động trên vùng nước Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đô đốc Kozlov nhớ lại, căn cứ gây ấn tượng mạnh bởi những công trình trải dài gần 100 km. Người Mỹ có tất cả mọi thứ: xưởng sửa chữa tàu biển được trang bị tốt, các bến tàu và thành bến, sân bay với 2 đường băng cất - hạ cánh, đường giao thông vận tải đều được bê tông hóa.
Ngày 2/5/1979 sau cuộc chiến tranh chống bành trướng phía bắc, Liên Xô và Việt Nam đã ký kết hiệp định về việc sử dụng chung căn cứ tại Cam Ranh. Văn kiện dự kiến khoảng thời gian ¼ thế kỷ, tới năm 2004, với cơ chế gia hạn tự động 10 năm mỗi lần. Tháng 4/1979, hải đội tàu Xô viết đầu tiên dưới quyền chỉ huy của đại tá Cherghivatưi gồm chiến hạm chống ngầm hạng nặng Vasily Chapaev, tuần hạm SKR-4 và tàu quét mìn đã ghé vào Cam Ranh.
Nhưng đây có phải là Trạm bảo đảm vật chất – kỹ thuật đặt căn cứ tại đó không, thưa ông?
- Đúng, đó là Trạm bảo đảm vật chất – kỹ thuật 922, mà trong biên chế của nó có các tổ chức không mang tính chất chiến đấu nhưng cần thiết và bắt buộc phải có. Đó là những ngành: thực phẩm, vật dụng, tài chính, xăng dầu, kỹ thuật hàng hải cấp tiểu ban , đơn vị xây dựng doanh trại, đại đội ô tô, trung đội cứu hỏa, bệnh viện hải quân, phòng khám đa khoa, cơ quan ngân hàng nhà nước trung ương dã ngoại, chi nhánh thương mại quân đội.
Khi đó việc bảo đảm điện năng (lắp đặt các trạm phát điện diesel), nước uống (việc này đã khá căng thẳng),sản xuất bánh mì mới được quan tâm đầu tiên. Hậu cần xây dựng một lò sản xuất bánh mỳ rất tốt, mùi thơm của nó lôi kéo cả những người Việt không bận rộn vì phục vụ và công việc cũng tới lò để xem bánh mỳ Nga.
Thủy thủ đoàn các chiến hạm của Hải quân cập cảng có thể nhận được tại đây tất cả các cơ số dự trữ cần thiết, thực hiện bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa trang bị kỹ thuật. Bộ đội được nghỉ ngơi trong doanh trại trên những bãi tắm tuyệt vời trong khu vực. Các thủy thủ và phi công, phục vụ trong điều kiện nhiệt đới cần phải nhanh chóng khôi phục sức lực, tại quân cảng có thể thực hiện nhiệm vụ này hoàn hảo nhất.
Việc trực chiến thực sự bắt đầu sau khi hải đoàn tác chiến số 17 được thành lập vào năm 1982. Cụm binh lực hải quân này có căn cứ chủ yếu tại Cam Ranh. Sự kiện này ngay lập tức đã biến Cam Ranh thành một căn cứ hải quân.
Phải chăng, việc thành lập các hải đoàn tác chiến – chiến thuật của chúng ta khi đó là hậu quả sự nóng lên của cuộc chiến tranh lạnh, thưa ông?
- Đúng thế, đó là biện pháp đáp trả bắt buộc. Xác suất những đòn tiến công hạt nhân bất ngờ nhằm vào Liên Xô từ các tàu sân bay và tàu ngầm nguyên tử rất lớn buộc Bộ máy lãnh đạo và Các lực lượng vũ trang Liên Xô triển khai trên vùng nước đại dương thế giới những cụm binh lực hùng hậu nhất của Hải quân Xô viết, đủ sức ngăn chặn bất kỳ khả năng “tiến công bất ngờ” nào. Nhiệm vụ được giao cho các hải đoàn tác chiến.
Các hải đoàn đặc nhiệm tiến hành các hoạt động quan sát và theo dõi những cụm tàu sân bay, tên lửa, và những lực lượng khác của đối tượng tác chiến tiềm năng, sẵn sàng tiêu diệt các cụm binh lực này khi chiến sự bùng nổ. Ngoài ra, Bô tư lệnh lực lượng Hải quân đặt sự quan tâm lớn cho công tác trinh sát tình báo mặt nước và phương tiện chiến tranh chống ngầm, phát hiện những hoạt động tương tự của đối phương. Nhiệm vụ quan trọng nhất vào thời điểm đó là bảo đảm an toàn các tuyến đường của máy bay và tàu dân sự Liên Xô trong khu vực do hải đoàn đảm nhiệm.
Hải đoàn tác chiến số 5 được thành lập, có căn cứ tại Địa Trung Hải, sau đó là hải đoàn tác chiến số 8 hoạt động ở Ấn Độ Dương. Còn Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương là địa bàn hoạt động của các chiến hạm thuộc hải đoàn tác chiến số 7. Hải quân Liên Xô từng bước kiểm soát được tình hình trên đại dương thế giới. Năm 1976 có tới 38 tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo, 30 tàu ngầm nguyên tử đa nhiệm, 60 tàu ngầm diesel ngư lôi và 111 chiến hạm hạng nặng làm nhiệm vụ trực chiến. Đây là một lực lượng quân sự khổng lồ! Không quân Hải quân, thì chỉ tính riêng năm 1985, chi tính riêng một trong số các hạm đội đã thực hiện trên 4.500 lần xuất kích trên vùng nước đại dương.
Hải đoàn tác chiến số 17 đóng căn cứ tại Cam Ranh chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh Thái Bình Dương. Trong biên chế của cụm binh lực này có các chiến hạm của sư đoàn tàu ngầm số 38, lữ đoàn hạm nổi số 119, tiểu đoàn hậu cần kỹ thuật số 255, tiểu đoàn tàu bảo vệ mặt nước số 300, trung đoàn không quân hỗn hợp độc lập số 169, lực lượng đặc nhiệm chống biệt kích và phương tiện phá hoại ngầm, Trạm thông tin trung tâm số 1073, các đơn vị và tổ chức khác.
Đã có nhận định rằng, nhờ địa thế thuận lợi của căn cứ Cam Ranh, hải đoàn tác chiến Nga có thể “tóm được yết hầu” hạm đội Thái Bình Dương Mỹ , mặc dù có quân số ít hơn nhiều lần so với hạm đội này, nhưng có thể vô hiệu hóa được các nguy cơ đe dọa sự bất ổn trên Thái Bình Dương.
- Tôi nghĩ đến một cách nói khác: khẩu súng lục kề vào thái dương đối thủ. Pháo đài quân sự tự nhiên Cam Ranh nằm ở vị trí vô cùng tiện lợi và cho phép phản ứng linh hoạt trước tất cả mọi động thái của đối tượng tác chiến tiềm năng, trước mắt trên vùng nước Biển Đông.
Trong khi đó tại Philippines có nhiều vị trí của Mỹ: các căn cứ, trong đó có những căn cứ mạnh của hải quân trên vịnh Subic và không quân Clark, các sân bay, thao trường, bãi tập cách Việt Nam trên 1.000 km. Số tàu chiến, máy bay và lực lượng tác chiến Mỹ vượt trội hơn hải quân Liên Xô, nhưng quyết định không phải số lượng, mà là chất lượng. Kỹ năng tác chiến tại Cam Ranh cho phép phát triển đến trình độ rất cao.
Có một cậu chuyện như sau. Tại trung đoàn không quân hỗn hợp số 169 độc lập chỉ có các phi đội chống hạm mang tên lửa, trinh sát – chỉ thị mục tiêu trên biển và đội trực thăng chống ngầm. Không có các máy bay tiêm kích, phi công Mỹ biết rất rõ điều này và tỏ ra khá ngạo mạn. Máy bay Mỹ thường xuyên cắt ngang mũi máy bay Liên Xô ở rất gần căn cứ: cơ động nguy hiểm, thể hiện những cử chỉ thô bỉ, trưng ra những con búp bê tình dục bằng cao su. Cần phải chấm dứt sự láo xược này.
Ban đầu các phi công, sau đó những chiếc máy bay tiêm kích (ở dạng tháo rời) được đưa từ Liên Xô tới trên những con tàu. Máy bay, dĩ nhiên được lắp ráp và thử nghiệm bí mật đối với người Mỹ. Đối phương bị đánh lừa bằng hệ thống phát tín hiệu vô tuyến giả, được chế tạo đặc biệt để sử dụng cho những trường hợp tương tự, hoạt động chiến đấu của các máy bay tiêm kích Mỹ được thông báo qua điện thoại hữu tuyến, không thể nghe trộm. “Những người bạn từ bên kia đại dương” thậm chí không hề nghi ngờ, điều gì đang chờ đợi họ.
Khi có thông tin phát hiện một chiếc tiêm kích Mỹ ở cự ly 100 km được báo về sở chỉ huy trung đoàn không quân số 169. Phi đội trưởng, trung tá Semerov được lệnh cất cánh bay đánh chặn. Ban đầu máy bay ở xa Phantom, theo dẫn đường của đài radar bờ biển, ở độ cao siêu thấp, máy bay tiêm kích Liên Xô tiếp cận mục tiêu công kích. Từ phía mặt trời, phi công Sermerov bật tăng tốc, lấy độ cao và tiến vào cự ly công kích.
Tại vị trí dự tính, phi công Liên Xô bật radar ngắm bắn, giả tạo chuẩn bị công kích bằng tên lửa. Phi công Mỹ không thấy máy bay tiêm kích, nhưng ngay lập tức nhận được hoạt động của radar dẫn đạn. Anh ta bật tăng lực ở vận tốc tối đa, thực hiện cú cơ động nhào tránh tên lửa và mất hút về phía đại dương. Các phi công Liên Xô áp dụng thêm vài lần biện pháp như vậy – mọi việc được giải quyết. Không một máy bay Mỹ nào muốn chặn các máy bay Xô viết trên vùng trời căn cứ thêm nữa.
Theo ông, những thứ mà người Mỹ để lại có giúp ích được việc gì không?
- Nói chung là không nhiều. Họ đã rút hết sau khi hoàn thiện đường băng cất – hạ cánh. Những gì còn lại sau khi họ rút đi, là những công trình mặt tiền, cầu tàu và vùng biển, một trong 2 bến đã bị một vụ nổ làm hỏng, buộc phải sửa chữa. Các con đường giao thông cũng buộc phải sửa chữa lại hầu hết –trải nhựa, xây dựng các công trình hạ tầng.
Liên Xô đã xây dựng một căn cứ hoàn toàn mới. Đa phần các hạng mục công trình đều được xây dựng từ con số 0. Đây là một vài số liệu: riêng năm 1987, đây là năm tôi có mặt tại căn cứ này, đưa vào khai thác sử dụng 440 tòa nhà và công trình. Trong năm tiếp theo, 1988 – 28, năm 1989 – 131 hạng mục công trình hạ tầng.
Trong công tác xây dựng hạ tầng căn cứ, Liên Xô đã tiến xa hơn rất nhiều so với Pháp và Mỹ. Mỹ đã vất vả hết sức với việc bảo đảm nước ngọt cho căn cứ và không giải quyết được vấn đề, không quân hải quân Mỹ chuyên chở “từ nước ngoài” nước sạch bằng các tàu chở dầu. Các kỹ sư Liên Xô và Việt Nam tìm được trên bán đảo hồ nước phù hợp, làm sạch nó và lắp đặt các đường ống dẫn nước, xây dựng các giếng khoan phun.
Hàng trăm tòa nhà có công năng sử dụng rất khác nhau đã được xây dựng. 7 khu doanh trại, lực lượng của Trạm bảo đảm vật chất – kỹ thuật và thủy thủ đoàn của các chiến hạm cập cảng được bố trí ăn nghỉ tại đó, 2 nhà ăn với tổng số 500 chỗ ngồi. Bảo đảm bố trí nơi làm việc và sinh hoạt cần thiết cho lực lượng không quân của căn cứ (cơ quan, các trạm kỹ thuật, các đài thông tin, doanh trại). 1 bệnh viện hải quân với 100 giường bệnh, Nhà hữu nghị quốc tế (trung tâm văn hóa) với hội trường 400 chỗ ngồi, rạp chiếu bóng dành cho cán bộ, chiến sỹ Trạm bảo đảm vật chất – kỹ thuật, 2 khu thể thao, trường trung học phổ thông số 183 cho 120 học sinh, 16 nhà ở với 700 căn hộ.
Có thể hình dung quy mô của công tác xây dựng, nhưng đó mới chỉ là một phần nhỏ bé. Bởi vì ngoài những hạng mục công trình phục vụ công tác bảo đảm và hậu cần thì một căn cứ bảo đảm vật chất – kỹ thuật thuộc loại hiện đại nhất vào thời gian đó được xây dựng, cho phép giải quyết các nhiệm vụ, mà chúng ta hiện diện tại Cam Ranh để thực hiện điều này. Những công trình lớn được xây dựng gồm: sở chỉ huy của hải đoàn, tổng trạm thông tin, khu kho bảo quản và bảo trì bảo dưỡng tên lửa, kho chứa tên lửa, bom mìn của trung đoàn không quân, cất giữ nhiên liệu lỏng (12 bồn và kho chứa), hệ thống cung cấp năng lượng - trạm phát điện diesel công suất 24.000 kW, đường dây tải điện cao thế đến các trạm biến áp, khu kho hậu cần kỹ thuật - 2 kho thực phẩm, 2 kho quân trang, 3 kho vật tư kỹ thuật, cùng với 2 kho lạnh dung tích 270 m3.
Các hạng mục công trình nêu trên được xây dựng theo những công nghệ tiên tiến nhất. Chẳng hạn, kho bảo quản tên lửa hành trình được xây dựng có tính toán yếu tố khai thác, sử dụng vũ khí trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Tất cả những kinh nghiệm được tích lũy trong lĩnh vực này đều được đưa vào thiết kế và ứng dụng. Có các công trình kiên cố (boong ke) lưu trữ tên lửa hành trình, thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát tình trạng vũ khí trang bị, các giá mô hình đủ loại phục vụ nghiên cứu huấn luyện. Ngay cả Hải quân Nga cũng chưa từng tích hợp một kho vũ khí như vậy. Sau khi Liên Xô tan rã công trình này vẫn chưa từng khởi động và đã được chuyển giao cho phía Việt Nam.
Vậy ai đã xây dựng nó– người Nga hay người Việt Nam?
- Công trình này ban đầu do công binh quân sự của hạm đội Thái Bình Dương tiến hành. Sau đó là Công ty xây dựng kỹ thuật nước ngoài số 22 thuộc Bộ Quốc phòng Liên Xô tiếp nhận. Rất tiếc là không có nhiều thông tin về công ty này. Đó là một đơn vị công trình mạnh, tôi thậm chí muốn nói, một đơn vị hùng hậu, đã từng xây dựng tại nhiều nước trên thế giới những công trình quân sự có một không hai. Công ty xây dựng kỹ thuật ở nước ngoài số 22 đã thành lập đơn vị xây – lắp công trình Xô viết tại Cam Ranh, mà tôi có vinh dự được làm lãnh đạo.
Nga đã xây dựng cảng Cam Ranh cùng với Việt Nam. Trong giai đoạn hoạt động tăng cường (1987 – 1989) số công nhân người Nga trong đơn vị lên tới 2.400 – 2.500 người. Việt Nam đã lựa chọn lữ đoàn công binh 394 với quân số 4.500 – 5.000 người cho những công trình này.
Có xảy ra tổn thất về binh lực tại Cam Ranh không?
- Trong những năm căn cứ hoạt động, có 44 công dân/Xô Viết của chúng ta và một số người Việt Nam hy sinh trong công tác. Tất cả đều đau xót trước mỗi mất mát, tổn thất về nhân sự. Hiện nay trên bán đảo đã dựng một bia tưởng niệm có khắc tên những người đã hy sinh vì quân cảng. Trong số đó có tổ lái chiếc máy bay Tu – 95 hy sinh ngày 13/2/1985, phi hành đoàn và hành khách chiếc An – 12 gặp tai nạn ngày 8/7/1989 khi chuẩn bị hạ cánh, các phi công bay biểu diễn nổi tiếng “Tráng sỹ Nga” bị rơi gần Cam Ranh ngày 12/12/1995, và một số người khác.
Chiến tranh nói chung, dù là cuộc Chiến tranh lạnh, đều có tổn thất về con người. Chuẩn đô đôc Nikolai Machiushin đã thống kê, trong những năm chiến tranh lạnh Hải quân Nga mất một số tàu ngầm nhiều hơn các cuộc chiến tranh Nga – Nhật, Thế chiến I và chiến tranh Liên Xô – Phần Lan cộng lại.
Tại sao chúng ta rút khỏi Cam Ranh, thưa ông?
- Chúng ta đã rút khỏi đó trong những năm Hải quân Liên Xô trên thực tế chấm dứt hoạt động trên Thái Bình Dương. Theo ủy nhiệm của Tổng thống Nga thời điểm này, Hội đồng an ninh thành lập Ủy ban chuyên trách, ngay sau đó vội vã đưa ra kết luận: “Cam Ranh không cần thiết đối với Nga”.
Hiệp định ký kết vào năm 1979 không lường tới việc chấm dứt trước thời hạn, nên buộc phải gửi đi một công hàm đặc biệt. Quá trình rút khỏi Hiệp định được hoàn tất ngày 2/5/2002 bằng sự kiện ký kết biên bản tiếp nhận – chuyển giao các hạng mục công trình cho phía Việt Nam.
Việt Nam đã xây dựng lại đường băng cất – hạ cánh máy bay và sử dụng sân bay với sứ mệnh kinh tế: Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Liên bang Nga – là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam và “cần phải sử dụng tiềm năng hiện có để phát triển vì lợi ích của 2 nước”.
Những người Việt có hay tới thăm ông, các cuộc đàm đạo thường nói về chuyện gì?
- Hiện nay Việt Nam đang ngày càng phát triển thành một đất nước có nền kinh tế thị trường, kinh doanh thương mại, du lịch là một trong những hướng phát triển chủ yếu của nền kinh tế.
Việt Nam bảo vệ nền độc lập của mình bằng cuộc đấu tranh vũ trang nhiều thập kỷ. Tôi nghĩ rằng, họ sẽ cần tới kinh nghiệm của các nhà xây dựng quân sự, cũng như dân dụng của Nga trước mắt và trong tương lai.