Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14/3 ra lệnh rút quân và tuyên bố giảm hiện diện quân sự tại Syria. Sau hơn 5 năm nội chiến khiến ít nhất 300.000 người thiệt mạng, 11 triệu người dân mất nhà cửa, sự thành công của cuộc hòa đàm giữa chính quyền cai trị Tổng thống Assad và các phe nổi dậy đối lập hiện quan trọng hơn bao giờ hết. Vậy quyết định đột ngột rút quân của Tổng thống Nga có ý nghĩa gì với cuộc hòa đàm Geneva và ảnh hưởng như thế nào tới tương lai của Syria?
Theo James Gelvin - giáo sư sử học tại trường Đại học California Los Angeles nhận xét nếu như tiếp tục ở lại Syria, lợi ích của Nga trong thời điểm này đã không còn mang tính chất đột phá như trước. Ông Putin không thể mong sẽ giành lại tất cả vùng lãnh thổ rơi vào tay tổ chức khủng bố IS và các nhóm phiến quân khác tại Syria, nhưng những gì Nga làm được cũng góp phần quan trọng mở đường cho quân đội chính phủ. Gelvin giải thích “Nga tới Syria đúng lúc chính quyền ông Assad đang thua trận và ở trong thế phòng ngự. Nga đã lật ngược thế cờ và quân đội chính phủ giành lại sức mạnh, vị trí mà ông Putin mong muốn. Quyết định rút quân của ông Putin buộc Tổng thống Assad phải nhận thức tự cáng đáng quyết định của mình và ngồi xuống đàm phán”.
Phóng viên Matthew Chance của kênh CNN tại Moskva cho biết ông Putin đã rất khôn ngoan khi tuyên bố chiến thắng và rút lui trước khi mọi chuyện trở nên rối loạn. “Người Nga muốn chứng minh hành động can thiệp quân sự của họ là đúng đắn, họ có thể tự hào nói rằng đã đạt được các mục tiêu quân sự đề ra, đưa các phe ngồi vào bàn đàm phán, ủng hộ đồng minh Bashar Al Assad mà tốn khá ít công sức”.
Sergei Markov – cựu nghị sĩ Hạ viện Nga cho biết tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện đang ở thế bất lợi. “Cơ sở vật chất về cả kinh tế lẫn quân sự của IS đều bị thiệt hại nặng nề sau các đợt không kích của Nga. Chính phủ Syria sẽ giành lại quyền kiểm soát Palmyria trong vài tuần tới. Thậm chí giả dụ không có sự can thiệp hỗ trợ từ phía không quân Nga, đến giữa năm là quân đội Syria có thể tiêu diệt gọn phiến quân”. Các cuộc không kích từ trước đến nay của Nga tại Syria luôn bị phương Tây và Mỹ lên án cho rằng cố tình dội bom xuống khu vực của các nhóm nổi dậy ôn hòa – những người phản đối chính quyền Assad mặc cho nhiều lần phía Nga bác bỏ. Nếu quá trình đàm phán hòa bình diễn ra thuận lợi, thì Nga sẽ tập trung vào “đúng mục tiêu” hơn trong chiến dịch chống IS.
Với câu hỏi Syria sẽ ra sao trong trường hợp Tổng thống Assad bị phế truất, Francona – một chuyên gia phân tích quân sự của CNN nhận xét Syria và Nga rất có thể sẽ phải dựa vào Iran – một đồng minh quan trọng khác để duy trì bảo đảm an ninh cần thiết, nhằm tránh khỏi tình trạng “khoảng trống quyền lực” mà Mỹ đã phải nếm trải tại Iraq. Tuy nhiên, bất kì sự chuyển dịch quyền lực nào cũng cần thời gian. Rất nhiều người Syria hi vọng sẽ có hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử công khai, tự do trong năm tới để có thể chọn ra người lãnh đạo hợp lòng dân, cáng đáng nhiệm vụ hồi sinh đất nước. Song việc hạ bệ chính quyền của ông Assad cũng chỉ mới là bước đầu. Syria không có cách nào khác ngoài giải pháp chính trị, tiến trình hòa giải, tư pháp chuyển đổi và nỗ lực rất lớn để có thể bắt đầu xây dựng lại thành phố, cơ sở vật chất, hệ thống bệnh viện, trường học bị tàn phá trong chiến tranh.
Theo Tin tức