Tự ý mang laptop chứa tài liệu mật tới Trung Quốc, kỹ sư gốc Hoa hãng Raytheon nhận án 38 tháng tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Một kỹ sư người Mỹ gốc Hoa ở Raytheon, nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ, vi phạm luật liên bang khi mang máy tính xách tay của công ty đến Trung Quốc. Bộ Tư pháp Mỹ hôm 18/11 thông báo ông ta bị Tòa án bang Arizona kết án 38 tháng tù giam.

Raytheon là hãng nghiên cứu chế tạo nhiều loại tên lửa tối tân của Mỹ, Tôn Vĩ phải nhận án 38 tháng tù vì vi phạm các quy định bảo mật khi tự ý mang máy tính chứa tài liệu mật tới Trung Quốc (Ảnh: Dongfang).
Raytheon là hãng nghiên cứu chế tạo nhiều loại tên lửa tối tân của Mỹ, Tôn Vĩ phải nhận án 38 tháng tù vì vi phạm các quy định bảo mật khi tự ý mang máy tính chứa tài liệu mật tới Trung Quốc (Ảnh: Dongfang).

Trang tin Hồng Kông Dongfang ngày 19/11 đưa tin, Tôn Vĩ (Sun Wei), 48 tuổi, sinh ra ở Trung Quốc và sau đó nhập quốc tịch Mỹ. Ông ta đã làm việc cho Raytheon trong 10 năm và làm kỹ sư điện trong bộ phận chế tạo tên lửa và sản phẩm quốc phòng của Raytheon. Tôn Vĩ có quyền truy cập vào các thông tin công nghệ liên quan đến quốc phòng, bao gồm cả "các sản phẩm quốc phòng". Theo Đạo luật Kiểm soát xuất khẩu vũ khí (AECA) và Quy định giao dịch vũ khí quốc tế (ITAR), các mặt hàng nêu trên đều sẽ bị quản chế và cấm xuất khẩu nếu không có giấy phép.

Bộ Tư pháp Mỹ nói, Tôn Vĩ, 49 tuổi, là một công dân Mỹ nhập tịch, sinh ra ở Trung Quốc. Anh đã làm việc cho Raytheon, nhà thầu quốc phòng lớn thứ tư của Mỹ trong mười năm và đã vượt qua các cuộc kiểm tra an ninh mật để tham gia vào các dự án tên lửa rất nhạy cảm của Hoa Kỳ.

Khi đi công tác nước ngoài từ tháng 12/2018 đến tháng 1/2019, Tôn Vĩ đã phớt lờ lời can ngăn của các đồng nghiệp trong công ty, nhất quyết mang theo chiếc máy tính xách tay HP EliteBook 840 do công ty trang bị chứa một lượng lớn dữ liệu mật.

Tôn Vĩ bị các nhân viên FBI bắt do vi phạm các quy định về bảo mật liên quan đến công nghệ quốc phòng (Ảnh: Sohu).

Tôn Vĩ bị các nhân viên FBI bắt do vi phạm các quy định về bảo mật liên quan đến công nghệ quốc phòng (Ảnh: Sohu).

Khi ở nước ngoài, Tôn Vĩ đã kết nối máy tính xách tay của mình với mạng nội bộ của Raytheon. Sau khi trở về Mỹ, ông ta trình báo với các quan chức an ninh của Raytheon rằng mình chỉ đến Singapore và Philippines, nhưng cuối cùng phải thừa nhận rằng anh ta đã mang máy tính xách tay đến Trung Quốc.

Một luật sư của Raytheon đã kiểm tra chiếc máy tính và xác nhận rằng trong máy tính có chứa các tài liệu kỹ thuật bị cấm xuất khẩu theo Quy định giao dịch vũ khí quốc tế (ITAR) và các phần mềm bí mật chịu sự quản chế xuất khẩu và chỉ được mang ra bên ngoài lãnh thổ Mỹ khi có giấy phép đặc biệt.

Văn phòng Viện công tố Hoa Kỳ cho biết từ tháng 12 năm 2018 đến tháng 1 năm 2019, Sun Wei đã từ Mỹ đến Trung Quốc để đi du lịch cá nhân. Một số thông tin công nghệ quốc phòng mà ông ta đưa ra khỏi nước Mỹ thuộc loại "mặt hàng quốc phòng", vi phạm Đạo luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí (AECA) và Quy định giao dịch vũ khí quốc tế (ITAR).

Ông John C. Demers, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp cho biết: “Tôn Vĩ là một kỹ sư lành nghề, đã nắm vững công nghệ tên lửa nhạy cảm, ông ta biết rõ rằng mình không thể chuyển bất hợp pháp các thông tin nhạy cảm cho một quốc gia thù địch. "Mặc dù vậy, ông ta đã chuyển giao những công nghệ này cho Trung Quốc. Bản án hôm nay là để cảnh báo những người khác không nên để bị dụ dỗ khiến an ninh quốc gia gặp nguy hiểm”.

Sau khi FBI bắt giữ Tôn Vĩ và cáo buộc ông ta tội làm rò rỉ bí mật của công ty ra bên ngoài nước Mỹ, báo điện tử Sohu của Trung Quốc cho rằng cáo buộc của phía Mỹ đối với Tôn Vĩ làm rò rỉ bí mật là “mơ hồ và đầy mâu thuẫn, sơ hở”.

Theo Sohu, Tôn Vĩ là công dân Mỹ, đã làm việc cho Raytheon hơn mười năm và đã tham gia nhiều dự án tên lửa có độ nhạy cảm cao do Lầu Năm Góc đặt mua. Theo nguồn tin của Raytheon, Tôn Vĩ đã tham gia vào nhiều dự án "liên quan đến các hệ thống hàng đầu của Mỹ", như dự án tên lửa "Stinger" và dự án tên lửa không đối không AMRAM AIM-120. Dự án tên lửa "Stinger" của Mỹ đã được biết đến rộng rãi; Tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 là loại tên lửa không đối không tiên tiến có khả năng tự nhận dạng, tấn công nhiều mục tiêu, có khả năng tiêu diệt mục tiêu đối phương ở các độ cao tầm thấp, tầm cao và tốc độ cao trong môi trường đối kháng điện tử. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 và F-22 đều có thể được trang bị hệ thống tên lửa này.

Tuy nhiên, công tố viên Mỹ phụ trách vụ Tôn Vĩ cho biết, công việc của ông tập trung nhiều hơn vào việc phát triển và chế tạo hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Tôn Vĩ bị bắt vì lưu giữ một lượng lớn dữ liệu bí mật của công ty trên máy tính, sau đó mang máy tính đến châu Á, khi trở về, ông ta đã rời bỏ Raytheon để ra nước ngoài tìm việc.

Cơ quan tư pháp Mỹ cho rằng Tôn Vĩ đã làm rò rỉ các tài liệu mật lưu trong máy tính của mình trong chuyến đi tới châu Á này. Có thông tin cho rằng các tài liệu mật trong máy tính của Tôn Vĩ có liên quan đến hệ thống tên lửa phòng không mà công ty Raytheon ông làm việc phát triển cho Lầu Năm Góc và các đồng minh của Mỹ.

Sohu cho rằng, thực ra, việc Mỹ đột ngột điều tra và bắt giữ các kỹ sư Trung Quốc không phải là chuyện lạ và đã trở nên thường xuyên hơn trong những năm gần đây. Tháng 1/2019, FBI cũng đã bắt giữ một kỹ sư gốc Trung Quốc làm việc ở công ty Apple. Ông ta chuẩn bị rời Mỹ trở về Trung Quốc, nhưng đã bị FBI bắt một ngày trước khi anh ta trở về và bị cáo buộc có ý đồ ăn cắp bí mật thương mại liên quan đến chương trình xe tự hành của Apple.

Các nhà khoa học Mỹ gốc Trung Quốc làm việc trong các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm đều bị FBI theo dõi chặt (Ảnh: Sohu).

Các nhà khoa học Mỹ gốc Trung Quốc làm việc trong các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm đều bị FBI theo dõi chặt (Ảnh: Sohu).

Phía Mỹ tiết lộ viên kỹ sư này sẽ đến làm việc cho một công ty ô tô tự lái của Trung Quốc, ngụ ý rằng người này sẽ mang thông tin bí mật thương mại của Apple về Trung Quốc, nhưng công ty có liên quan đã phủ nhận rằng họ đã nhận được bất kỳ hồ sơ xin việc nào từ người kỹ sư này. Trên thực tế, chỉ vài tháng trước khi người này rời khỏi Apple, hãng đã bắt đầu tổ chức lại dự án xe tự lái của họ. Có 200 nhân viên bị sa thải và những nhân viên khác chịu trách nhiệm về dự án đều bị chuyển sang các bộ phận khác.

Khi kỹ sư rời đi, dự án xe tự lái của Apple đã rơi vào tình trạng hỗn loạn và trong nội bộ Apple người ta tin rằng cuối cùng dự án này sẽ bị giải tán và Apple mua lại công ty khởi nghiệp xe tự lái Drive.ai, việc tiếp tục triển khai lĩnh vực lái xe tự hành vẫn chưa xảy ra. Vì vậy, việc viên kỹ sư từ chức là điều dễ hiểu.

Sohu nhận xét, rõ ràng là trong những năm gần đây, Mỹ đột nhiên trở nên thiếu tự tin, thường xuyên bắt giữ và buộc tội các kỹ sư Trung Quốc ăn cắp và làm rò rỉ thông tin công nghệ quan trọng của Mỹ. Điều này là do sự xuất hiện của các mô hình kinh tế và chính trị đa cực trên toàn cầu, cùng sự suy giảm về sức thu hút và lợi ích cá nhân của Mỹ trong các lĩnh vực nhân tài, công nghiệp và công nghệ. Mỹ không tự mình tìm lý do, thay vào đó, họ thẳng tay đàn áp các nhân viên khoa học kỹ thuật đang chuẩn bị rời Mỹ để đi đào vàng từ các khu vực khác, đồng thời thường xuyên cáo buộc Trung Quốc ăn cắp công nghệ của Mỹ. Sohu cho rằng, cách làm này của Mỹ sẽ chỉ tự bắn vào chân mình.