TS. Võ Trí Thành: 'Chuyển đổi số vẫn mang tính phong trào'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo TS. Võ Trí Thành, dù nhận thức về chuyển đổi số đã có nhiều chuyển biến nhưng hành động vẫn mang tính phong trào, bước đầu chỉ có chút khởi sắc.

Toàn cảnh tọa đàm “Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022”
Toàn cảnh tọa đàm “Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022”

Quan điểm này được TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh - chia sẻ tại buổi toạ đàm “Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022”, diễn ra vào sáng nay (11/1).

Theo TS. Võ Trí Thành, thuật ngữ chuyển đổi số tại Việt Nam bắt đầu được sử dụng rộng rãi từ năm 2019. Mặc dù đến nay nhận thức đã có nhiều chuyển biến nhưng hành động vẫn mang tính phong trào, bước đầu chỉ có chút khởi sắc.

Vị chuyên gia này cho hay, mục tiêu 30.000 doanh nghiệp chuyển đổi số mỗi năm so với 800.000 doanh nghiệp là khá khiêm tốn, trong khi con số đạt được chỉ là 16.000 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mục tiêu 1.000 doanh nghiệp công nghệ số lớn vào năm 2025 còn quá xa vời, do đó Việt Nam vẫn là nước trung bình về chuyển đổi số trong khối ASEAN.

"Hiện nay, chỉ 30-40% doanh nghiệp chuyển đổi số thành công", TS. Võ Trí Thành đánh giá.

Ông Thành cho rằng, để thành công, quá trình chuyển đổi số phải gắn với chiến lược kinh doanh thực, nghĩ lớn nhưng làm từng bước nhỏ và phải có ý nghĩa lan tỏa đối với doanh nghiệp, kết nối đối tác với khách hàng và sản phẩm.

Bên cạnh đó, theo TS. Võ Trí Thành, để doanh nghiệp chuyển đổi số tốt cần đảm bảo 5 yếu tố, bao gồm: tư duy nhận thức của người đứng đầu, cuộc cách mạng về thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng và tinh thần doanh nghiệp sáng tạo.

Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV - cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số không phải là tài chính, mà là thể chế pháp lý còn thiếu.

Kiến nghị tại tọa đàm, vị chuyên gia này cho rằng cơ quan nhà nước cần sớm sửa đổi Luật giao dịch điện tử; hoàn thiện khung pháp lý (gồm cả sandbox) cho các hoạt động kinh doanh số, tài sản số; chuẩn hóa về quản lý dữ liệu và chia sẻ thông tin.

Bên cạnh đó, ông Lực còn kiến nghị thêm các quy định, chính sách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính; tăng cường đầu tư hạ tầng số, nguồn nhân lực số, đầu tư AI, R&D, an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao và tài chính số...

Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như phát triển kênh bán hàng, mở rộng tập khách hàng và phân phối đến các thị trường tiềm năng.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, cho phép thực hiện mô hình kinh doanh không tiếp xúc, hay tối ưu hóa chi phí vận hành.

Tuy nhiên, theo bà Thủy, các doanh nghiệp hiện nay vẫn gặp phải một số rào cản, khó khăn trong quá trình chuyển đổi số như chi phí đầu tư và ứng dụng công nghệ lớn, thiếu nhân sự có năng lực về công nghệ thông tin để hỗ trợ chuyển đổi, đặc biệt là khung pháp lý chưa được hoàn thiện./.