Chất lượng tăng trưởng đằng sau các con số
Theo chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, nền kinh tế Việt Nam năm 2018 đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực, tiếp nối đà phục hồi, tăng trưởng từ năm 2017. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08%, một trong số các chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng, được đánh giá là “đỉnh”, là “nhất” trong nhiều năm trở lại đây.
Không chỉ dừng lại ở các con số, vị chuyên gia dành nhiều thời gian để chia sẻ về câu chuyện chất lượng tăng trưởng, chuyển biến của “bức tranh” nền kinh tế Việt Nam qua từng giai đoạn kể từ năm 2007 đến nay.
Điểm lại các thời kỳ, TS. Võ Trí Thành cho biết giai đoạn từ năm 2007 - 2011, cả nền kinh tế gắn liền với chữ “đầu cơ” và bất ổn vĩ mô. Hệ quả là nền kinh tế Việt Nam phải trả giá đắt trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015. Giai đoạn sau năm 2015, nền kinh tế mới bắt đầu lấy lại sự ổn định vĩ mô và có dấu hiệu hồi phục rõ ràng.
Tuy nhiên, năm 2016, tăng trưởng GDP có sự giảm sút khi chỉ đạt con số 6,2% do ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo TS. Võ Trí Thành, hiện nay, nông nghiệp có thể đóng góp tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam khoảng 0,4 - 0,5% GDP nếu như đạt tốc độ tăng trưởng từ 3,7 - 3,8%. Nhưng cũng cần lưu ý, tốc độ phát triển ngành nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào những yếu tố khó kiểm soát như: nền kinh tế thế giới (liên quan tới hoạt động xuất khẩu), thời tiết và khí hậu.
Ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), điển hình là Samsung và Formosa, vẫn chiếm vai trò quan trọng và chi phối hoạt động xuất khẩu. Trong năm 2018, cả Samsung và Formosa đều có kết quả hoạt động tốt. Năm 2017, Samsung xuất khẩu 53 - 54 tỷ USD, năm 2018 là trên 60 tỷ USD (tăng trưởng 12%) và chiếm 1/4 tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Dù vẫn còn phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI, theo ông Thành, điểm tích cực là tốc tộ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam đã cao hơn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2018.
Nguyên nhân là do lĩnh vực nông sản, dệt may và da giày của Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực của kinh tế thế giới (đến giữa năm 2018) và hưởng lợi (trong ngắn hạn) từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Sự chuyển biến này có thể thấy trong ngành dệt may và da giày của Việt Nam khi giá trị xuất khẩu đạt 36 tỷ USD năm 2018 và đặt mục tiêu lên tới 40 tỷ USD vào năm 2019.
Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào cũng ghi nhận “màu hồng”, vẫn có những “gam màu xám” được TS. Võ Trí Thành chỉ rõ.
“Lần đầu tiên sau nhiều năm, tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ (7,03%) thấp hơn tốc độ tăng trưởng của GDP (7,08%). Điều đó có nghĩa công nghiệp chế biến, dịch vụ vẫn đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng, nhưng đóng góp vào phần tăng trưởng cao hơn thì dịch vụ không còn nữa” - TS. Võ Trí Thành chỉ ra một “gam màu xám” của nền kinh tế năm 2018.
Phân tích chi tiết, ông Thành cho biết chỉ có một số lĩnh vực cao hơn tăng trưởng GDP chung, ví dụ như: logistic, du lịch và tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, ngay cả du lịch cũng bắt đầu chững lại, tốc độ tăng trưởng bắt đầu giảm từ cuối quý III/2018 (trừ du khách từ Hàn Quốc). Bên cạnh đó, ngành tài chính ngân hàng cũng được dự báo suy giảm lợi nhuận trong năm 2019.
Nhìn chung, TS. Võ Trí Thành cho rằng tăng trưởng của nền kinh tế thể hiện rất tích cực qua các con số, song tiềm ẩn trong đó là những vấn đề “không quá để lạc quan”.
Chiều cuối năm 2018, TS. Võ Trí Thành chia sẻ với các thành viên CLB Cafe số về triển vọng kinh tế Việt Nam 2019. (Ảnh: Hoàng Nguyên)
|
Gam màu nào sẽ là chủ đạo trong năm 2019?
Theo TS. Võ Trí Thành, nền kinh tế Việt Nam “rất mở”, do đó, sẽ chịu nhiều tác động của nền kinh tế thế giới. Ở trong nước, Việt Nam cũng gặp những thách thức riêng trong việc tạo dựng nền tảng cho phát triển.
Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019, do đó, được TS. Võ Trí Thành ví như là “bức tranh pha trộn những sắc màu” mà trước hết là những “vùng màu xám” đáng chú ý.
“Tất cả các dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới cho hai năm tới, được công bố trong một tháng gần đây, đều thấp hơn những dự báo từ trước đó sáu tháng từ 0,1- 0,3%. Tức là nền kinh tế thế giới được dự báo chững lại và thậm chí là giảm đôi chút. Cùng với đó, thương mại thế giới cũng có nguy cơ giảm sút” - TS. Võ Trí Thành đề cập tới “vùng màu xám” thứ nhất.
Bổ sung thêm, vị chuyên gia này cũng cho biết Mỹ và Trung Quốc - 2 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam - được dự báo có tăng trưởng kinh tế giảm tốc so với trước đó. Mặt khác, bất định và rủi ro của nền kinh tế thế giới đang gia tăng, xoay quanh các vấn đề chính là: địa chính trị; giá cả; hàng hóa và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Trong khi đó, “vùng màu xám” thứ hai được TS. Võ Trí Thành đề cập là các vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam.
Vị chuyên gia này liệt kê một loạt các vấn đề cho thấy có “sự đình trệ” trong bộ máy như: các hoạt động tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không đạt chỉ tiêu; hoạt động đầu tư công gần như không có dự án lớn được triển khai. Một phần nguyên nhân của thực trạng này là do Chính phủ thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa.
“Chúng ta vừa phải ứng xử với bức xúc xã hội, vừa muốn tăng trưởng kinh tế ổn định và cải tổ bộ máy. Làm sao tạo được sự cân bằng và tạo nền tảng cho phát triển?” - TS. Võ Trí Thành đặt vấn đề.
Về môi trường kinh doanh trong nước, vị chuyên gia kinh tế trích dẫn các thống kê về biến động số lượng doanh nghiệp thành lập và tạm dừng năm 2018.
Cụ thể, số liệu thống kê ghi nhận có tới 131.000 doanh nghiệp được thành lập mới, nhưng cùng với đó, số liệu cũng cho thấy có tới 91.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động theo nhiều lý do khác nhau (tăng gần 50% so với năm trước).
Nhận định về các con số này, ông Thành cho biết con số doanh nghiệp thành lập mới thể hiện điều kiện gia nhập thị trường ở Việt Nam đã “tốt lên rất nhiều”. Nhưng số lượng các doanh nghiệp dừng hoạt động (được các cơ quan quản lý cho biết là do Chính phủ thực hiện việc rà soát lại tình trạng các doanh nghiệp dù tồn tại trên danh nghĩa nhưng đã ngừng hoạt động từ lâu) tăng trưởng bất thường, phần nào thể hiện chất lượng quản lý, vấn đề cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực trong nước còn nhiều vấn đề.
Một vấn đề khác cũng được TS. Võ Trí Thành đề cập là các thách thức với thể chế và chính sách trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
"Cuộc cách mạng 4.0 phải cho phép chấp nhận sai lầm, song ở Việt Nam hiện nay liệu có dám sai lầm không cũng là điều đáng bàn" - ông Thành cho biết.
Vị chuyên gia này cho rằng, năm 2018 truyền thông và dư luận cũng đang lãng quên một điều kiện gắn liền với tăng trưởng và chất lượng thể chế. Đó là, nếu theo Tổ chức thương mại thế giới (WTO), “năm nay Việt Nam phải được công nhận là nền kinh tế thị trường”.
Về “gam màu hồng” của nền kinh tế, theo vị chuyên gia này, trước hết đến từ sự lạc quan của người dân Việt Nam.
Cụ thể, chỉ số tiêu dùng, bán lẻ của Việt Nam tăng trưởng 8 - 9% mỗi năm trong các năm gần đây, riêng năm 2018 đạt 9%. Hoạt động du lịch năm 2017 đạt 13 triệu khách, năm 2018 là 15 triệu khách nước ngoài. Nhưng khách du lịch trong nước thực tế còn cao hơn rất nhiều, đạt từ 65 - 70 triệu người.
“Trong suốt mười mấy năm qua, dù nền kinh tế có khó khăn, bất ổn, tăng trưởng và hồi phục, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam luôn đứng đầu khu vực” - TS. Võ Trí Thành nhận định.
“Gam màu hồng” thứ hai được đề cập là các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, Việt Nam - EU đang giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động.
Những nỗ lực từ phía Chính phủ trong việc theo đuổi mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển cũng được đánh giá sẽ đem lại nhiều chuyển biến tích cực.
Cũng theo vị chuyên gia này, Việt Nam có những cơ hội (trong ngắn hạn) từ việc chuyển hướng đầu tư của các doanh nghiệp do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, xét về mặt lâu dài, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ đem lại nhiều tác động tiêu cực hơn là tích cực.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ chính sách chiến lược của một số nước trong khu vực, như: Hàn Quốc với “Chính sách hướng Nam mới” mà trong đó Việt Nam là một trong những nước dành được nhiều sự quan tâm.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đa sắc màu và đầy biến động không những tiềm ẩn nhiều rủi ro mà còn mở ra cho Việt Nam những cơ hội phát triển mới, cần phải được nắm bắt kịp thời.
Vị chuyên gia kinh tế cũng nhận định mục tiêu tăng trưởng GDP được Quốc hội đặt ra trong năm 2019 là từ 6,6 - 6,8% là “vừa phải, đủ cẩn trọng” trong bối cảnh hiện nay./.