Khi ấy, ông Kiên tỏ ra ủng hộ việc tách bạch vai trò chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp với chức năng quản lý nhà nước của các Bộ chủ quản.
Trước nhiều mô hình đề xuất lúc bấy giờ, trong đó không ít quan điểm thiên về ý tưởng nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), thì ông Kiên lại thể hiện rõ: “cơ quan quản lý vốn nhà nước phải lập mới”.
“Nếu theo mô hình SCIC nâng cấp lên cũng chỉ là bình mới rượu cũ, không giải quyết được vấn đề gì”, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói cách đây gần 2 năm.
Và chiều 30/9/2018 vừa rồi, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đã chính thức ra mắt.
Như mong muốn của ông Kiên, CMSC là một cơ quan được “lập mới”. Nó không được phát triển, nâng cấp từ bất kỳ đơn vị, cơ quan sẵn có nào. SCIC cũng chỉ là 1 trong số 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước được chuyển về trực thuộc CMSC.
Vậy lần này, TS. Nguyễn Đức Kiên đánh giá sao về CMSC (?).
Lễ ra mắt CMSC. |
CMSC đã ra mắt và tôi có thấy ông tham dự buổi lễ. Vậy đây đã phải là ủy ban quản lý vốn nhà nước mà ông kỳ vọng?
- Phải nói rằng việc CMSC ra đời đã đánh dấu một bước tiến quan trọng của chúng ta, trong nỗ lực tách bạch vai trò chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chức năng quản lý Nhà nước của các Bộ chủ quản.
CMSC là kết quả bước đầu của việc hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên để nói rằng đã như kỳ vọng hay chưa thì vẫn còn nhiều điều cần bàn.
Tôi cho rằng, Nghị định số 131/2018/NĐ-CP (quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của CMSC) mới chỉ thực hiện chuyển một cách “cơ học” phần vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước về CMSC, để tách ra khỏi các Bộ.
Ông có thể nói rõ hơn?
- Vấn đề không nằm ở tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp thế nào. Mà điều cốt lõi là số tiền của nhà nước và hiệu quả của nguồn tiền đó tại doanh nghiệp ra sao.
Phải thiết lập một cơ chế, trong đó quy định rõ, mỗi năm, CMSC sẽ phải nộp về cho ngân sách nhà nước (NSNN) bao nhiêu – căn cứ trên phần vốn mà nó quản lý. Phải quy định một tỷ suất sinh lời cụ thể cho CMSC, gắn với từng thời kỳ. Mức này có thể thấp hơn so với lãi suất cho vay ngân hàng, nhưng phải cụ thể.
Trong trường hợp số tiền mang về vượt mức đề ra thì hội đồng lãnh đạo của Ủy ban được quyền quyết định đầu tư phần “dôi” ra này. Nhưng phải có trách nhiệm xây dựng phương án bảo toàn và phát triển nguồn vốn đó.
Xét riêng từng lĩnh vực, doanh nghiệp có thể lỗ lãi tùy từng năm, nhưng về mặt tổng thể số tiền nộp về cho NSNN phải thực hiện đều đặn.
Bên cạnh đó, khi ra quyết định hành chính, Nhà nước cũng phải chấp nhận “trả giá”, chịu tổn thất theo cơ chế thị trường, tách bạch công việc kinh doanh và quản lý.
Ví dụ, nếu Chính phủ ra quyết định không tăng giá điện thì phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), rộng hơn kế hoạch lợi nhuận của CMSC.
Hạch toán như vậy mới tạo được sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp có thành phần kinh tế khác. Đó là cái đích mà chúng ta muốn hướng đến khi thành lập Ủy ban này.
Chúng ta đã từng dẫn chứng rất nhiều về các mô hình Ủy ban quản lý vốn của các nước, trong đó có lẽ nhiều nhất là Temasek Holdings (một cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của chính phủ Singapore) hay SASAC (Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước của Trung Quốc). Vậy CMSC của chúng ta hiện nay thiên về mô hình nào, thưa ông?
- Tôi cho rằng, không nên dập khuôn hình mẫu cụ thể của bất kỳ quốc gia nào. Mỗi nước có một mô hình đặc thù, phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước ấy, trong giai đoạn ấy.
CMSC là cơ quan được thành lập phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam. Trong đó, mục tiêu của CMSC gần giống với SASAC là tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, CMSC cũng giống với Temasek về vai trò quản lý đầu tư vốn nhà nước.
Không có mô hình nào là tuyệt đối đúng. Vấn đề của chúng ta là cần phải làm rõ là Nhà nước có muốn thực hiện các hoạt động đầu tư – chẳng hạn như Temasek của Singapore - hay không.
Có thể xem CMSC hiện nay như một bước “quá độ”
Với quy mô vốn lớn và mối quan hệ chồng chéo giữa các Bộ với 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước nhưng theo Quyết định 131/2018/NĐ-CP, thời gian chuyển giao tối đa chỉ là 45 ngày. Có gấp quá không, thưa ông?
- Tôi nghĩ là không!
Các doanh nghiệp này đều có sổ kế toán cả. Mình chuyển theo sổ sách thôi, không có vấn đề gì.
Vậy việc chuyển quyền sở hữu vốn nhà nước từ các Bộ, ngành sang CMSC. Nó đâu chỉ là chuyển giao sổ sách kế toán. Còn con người, chiến lược, rồi nhiều thứ khác nữa. Chúng ta nên hình dung thế nào, thưa ông?
- Như đã nói, theo Quyết định 131/2018/NĐ-CP, việc chuyển giao chủ yếu là mới chuyển đổi cơ học các doanh nghiệp, để tách các doanh nghiệp ra khỏi các Bộ. Và các Bộ sẽ vẫn giữ công tác quản lý nhà nước.
Để việc chuyển giao mang ý nghĩa thực chất hơn, toàn diện hơn, chúng ta còn nhiều việc phải làm. Kể cả việc sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Tôi lấy ví dụ, theo Luật Dầu khí năm 2008 sửa đổi, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có vai trò là doanh nghiệp khai thác, vừa có trách nhiệm - thay mặt nhà nước - đi đàm phán các hợp đồng. Điều này tới đây phải khác. Chúng ta sẽ chỉ thực hiện giao các lô (mỏ dầu khí) cho PVN thực hiện, và PVN sẽ phải thực hiện mọi nghĩa vụ như các nhà đầu tư khác – kể cả thu xếp nguồn vốn. Tính toán tách bạch các nghĩa vụ, chi phí và PVN sẽ phải phân chia lợi nhuận lại cho Nhà nước. Bởi vì, nguồn tài nguyên đó là tài sản quốc gia.
Hay như Tập đoàn dệt may (Vinatex). Hiện tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vinatex đã về dưới 50%, vậy phải coi tập đoàn này giống như các doanh nghiệp khác. Các hoạt động huy động vốn phải theo nguyên tắc thị trường.
Có thể xem CMSC hiện nay như một bước “quá độ”, để thay đổi các quan điểm cũ, thói quen cũ. Ở đó, chúng ta đang thực hiện bước đầu tiên là chuyển vốn từ các Bộ về.
Chắc phải thêm một thời gian nữa thì việc chuyển đổi mới có thể đạt mức độ như mong muốn. Đặt mục tiêu lớn quá cho thời điểm hiện tại, tôi nghĩ rằng, cũng rất áp lực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo không được để xảy ra "khoảng trống" trong quá trình chuyển giao vốn về CMSC. |
Cảnh báo "khoảng trống"
Trong buổi lễ ra mắt CMSC, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chỉ đạo và cũng cảnh báo rằng không được để xảy ra “khoảng trống”, tiêu cực trong quá trình chuyển giao vốn. Vậy nên hiểu thế nào về lưu ý này của Thủ tướng, thưa ông?
- Như tôi hiểu thì ý Thủ tướng là chúng ta sẽ thực hiện chuyển toàn bộ, bao gồm: cả lỗ cả lãi, các khoản đầu tư và cả các doanh nghiệp con vào đó. Chứ không có để phần này lại, phần kia chuyển và không lồng lợi ích của Bộ là như thế.
Chẳng hạn, tại nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như dệt may, gang thép, hóa chất, họ thường đầu tư các dự án, nhà máy quy mô lớn, gồm nhiều hạng mục công trình, thậm chí như một khu liên hợp.
Đi kèm với các dự án này, không chỉ có nhà máy, công xưởng, mà còn có cả nhà trẻ, trường học... Nhưng các tài sản này (nhà trẻ, trường học) thì phải bàn giao lại cho địa phương. Vậy khi bàn giao, các Bộ không được “gửi lỗ” vào đó.
Định giá tài sản là 10 đồng thì phải thực hiện chuyển hết, không được chuyển về cho CMSC chỉ có 9 đồng.
Tôi nghĩ, Thủ tướng cảnh báo về những “khoảng trống” như vậy.
Trước đây, khi còn thuộc các Bộ, thì người đại diện vốn nhà nước, người đứng đầu tại các tập đoàn, tổng công ty thường là “người của Bộ”. Nói cách khác, họ đều là những công chức, viên chức của Bộ chủ quản. Vậy bây giờ, khi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước này được bàn giao về CMSC, thì những công chức, viên chức này sẽ ra sao?
- Chúng ta đang hướng tới hình thành thị trường lao động của đội ngũ quản trị doanh nghiệp.
Cụ thể, các cán bộ khi đồng ý làm việc tại các doanh nghiệp thì phải chấp nhận việc ký kết các hợp đồng lao động, chẳng hạn là trong 2 năm. Nếu trong vòng 2 năm đó, nhân sự này có thể đáp ứng các mục tiêu đề ra thì sẽ được hưởng mức lương thỏa thuận, tương xứng với năng lực đóng góp của họ.
Các nhân sự sẽ phải lựa chọn giữa việc làm công chức hoặc trở thành những người quản trị (ký kết hợp đồng rõ ràng). Nếu muốn lựa chọn làm công chức thì sẽ quay trở về Bộ, nếu muốn chuyển sang làm doanh nghiệp thì sẽ ký kết hợp đồng lao động với chủ sở hữu tại doanh nghiệp đó.
Để chuyển đổi từ công chức thành người quản trị có ký kết hợp đồng, chúng ta cũng sẽ phải thay đổi cách tính lương hưu, các chế độ bảo hiểm xã hội cho phù hợp với tình hình mới.
Người đứng đầu CMSC
Trước đây ông từng nói rằng, người đứng đầu Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải là một nhà chính trị, còn người trực tiếp điều hành, đại diện vốn tại các doanh nghiệp là những nhà kỹ trị. Bộ máy lãnh đạo CMSC, như đã công bố, đã khiến ông hài lòng?
- Đúng vậy, theo quan điểm của tôi, người đứng đầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp phải là một nhà chính trị.
Thậm chí, để Ủy ban này hoạt động và phát huy tốt nhất được vai trò của mình, đạt được mục đích kỳ vọng, người đứng đầu Ủy ban không thể là một Ủy viên Trung ương có chức vụ ngang cấp Bộ trưởng.
Mà tôi cho rằng, đứng đầu Ủy ban phải là Thủ tướng Chính phủ - với vai trò là người đại diện theo pháp luật. Khi đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hiệu quả hoạt động của Ủy ban.
Ta nên thống nhất rằng, Ủy ban quản lý vốn nhà nước là cơ quan hoạt động theo luật, không tương đương, không thuộc, không gắn vào bất kể một cơ quan nào. Ủy ban được Chính phủ giao nhiệm vụ, Quốc hội giám sát, nhưng không phải là thành viên của Chính phủ, không phải hàng tháng báo cáo Chính phủ đầu tư gì, không đầu tư gì mới được phép thực hiện. Chúng ta phải quy định rõ việc đó.
Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, chúng ta chưa thể thực hiện ngay mục tiêu này và cần những bước “quá độ” như đã nêu. CMSC khi này là một mô hình phù hợp và chấp nhận được.
Chân thành cảm ơn ông!