Báo chí Thái Lan nhận định đây là hành động làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực đồng thời kêu gọi Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đoàn kết hành động không để tình hình trở nên phức tạp hơn.
Tờ Bangkok Post đăng bài xã luận với tựa đề "Các nguy cơ hàng không không cần thiết" trong đó nhấn mạnh đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông với "các bằng chứng lịch sử đáng ngờ" là "không thể chấp nhận được." Bài báo nhấn mạnh: "Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì đã tạo ra và kéo dài các nguy cơ xung đột không cần thiết và thực sự hết sức nguy hiểm."
Theo báo trên, vấn đề bắt nguồn từ việc Trung Quốc bồi đắp các bãi đá ngầm tạo ra các đảo nhân tạo trong khu vực quần đảo Trường Sa và chỉ rõ nguy cơ lớn hiện nay là việc Trung Quốc thực hiện các chuyến bay đến khu vực nước này chiếm đóng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa.
Bài báo khẳng định cảnh báo hôm 9/1 vừa qua của Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam (CAAV) là hoàn toàn đúng đắn khi tuyên bố rằng các chuyến bay không thông báo của Trung Quốc "đe dọa an toàn của tất cả các chuyến bay trong khu vực" bởi các chuyến bay của Trung Quốc sẽ đi qua vùng trời đang được khai thác bởi rất nhiều hãng hàng không quốc tế. Mỗi máy bay bay qua khu vực này mà không thông báo sẽ khiến tất cả các máy bay khác đối mặt nguy hiểm. Bài xã luận khẳng định "đó là một quyết định sai lầm và nên chấm dứt ngay lập tức." Để giải quyết vấn đề, nhật báo tiếng Anh trên chỉ rõ Trung Quốc cần có "các hành động biết điều và biết quan tâm đến cảm xúc của nước khác."
Nhật báo này nhấn mạnh ASEAN phải tiếp cận Trung Quốc với vị thế là một nhóm các quốc gia, yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn hàng không và đây cũng là "tình thế mà Cộng đồng ASEAN mới ra đời phải chứng tỏ khát vọng và khả năng hành động."
Cũng khẳng định vai trò của ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, xã luận của tờ The Nation số ra cùng ngày kêu gọi ASEAN đóng vai trò tích cực hơn trong việc tìm kiếm một giải pháp giúp duy trì hòa bình ổn định trong khu vực.
ASEAN đã thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp hàng hải, bao gồm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ký với Trung Quốc vào năm 2002. Tuy nhiên, văn kiện đó không mang tính ràng buộc. Hiện các thành viên ASEAN đang đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc hơn.
Báo trên khẳng định các bên tranh chấp phải nỗ lực để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, tránh nguy cơ các tranh chấp trong khu vực leo thang thành xung đột vũ trang.
Ngày 2/1 và 6/1, Trung Quốc đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm ra sân bay mà nước này xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Phản ứng trước hành động trên của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: "Hành động của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002; ảnh hưởng hòa bình, ổn định ở Biển Đông; giảm sự tin cậy chính trị giữa hai nước; tác động tiêu cực đến quan hệ láng giềng và tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Việt Nam kiên quyết phản đối hành động trên của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự; và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông".
Theo VietNam+