Trưởng Đại diện IMF: Việt Nam cần tránh tăng trưởng “giật cục”

Ông Sanjay Kalra cho rằng, Việt Nam không nên lặp lại những điều đã xảy ra trong năm 2010-2011 và cần quyết liệt phá vỡ được các chu kỳ “giật cục” (stop-and-go) của tăng trưởng và mất ổn định bằng cách thực hiện đến cùng các chính sách kinh tế vĩ mô.
Ông Sanjay Kalra.
Ông Sanjay Kalra.

Nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam, ông Sanjay Kalra - Đại diện thường trực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục và kiên định tập trung duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ngay cả khi Chính phủ theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao hơn.

Đồng thời, ông Sanjay Kalra cũng cho rằng, Việt Nam nên duy trì chính sách tiền tệ ổn định tỷ giá trong ngắn hạn sẽ giúp duy trì lòng tin vào VNĐ; củng cố tài khóa trong khi vẫn hỗ trợ tăng trưởng nhằm giảm tỷ lệ nợ công/GDP; cải cách cơ cấu trong lĩnh vực ngân hàng và DNNN cần được đẩy mạnh nhằm đạt được tăng trưởng bền vững thông qua nâng cao hiệu quả.

Theo đánh giá của Trưởng đại diện IMF, kể từ khi Nghị quyết 11 ra đời vào đầu năm 2011, Việt nam đã lấy lại được ổn định kinh tế vĩ mô và hiện đã có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng đang phục hồi.

Tăng trưởng GDP thực tăng dần, được hỗ trợ bởi xuất khẩu và đầu tư FDI tăng mạnh. Cầu trong nước cũng có dấu hiệu đang phục hồi với đầu tư cao hơn và tiêu dùng tăng nhẹ trở lại; nhiều dấu hiệu cho thấy lĩnh vực bất động sản và xây dựng đang phục hồi. Lạm phát hiện vẫn duy trì ở mức thấp 1 con số trong một giai đoạn khá dài, một phần do giá dầu thế giới giảm.

Tỷ giá đã ổn định từ năm 2012, cán cân thanh toán vãng lai thặng dư và dự trữ quốc tế đã tăng đáng kể từ mức thấp năm 2011. Cải cách khu vực ngân hàng, xử lý nợ xấu và cổ phần hóa DNNN đang đạt được nhiều tiến bộ.

“Tất cả những thành tựu này cần được bảo vệ và tiếp tục củng cố. Cùng với phục hồi tăng trưởng kinh tế, Chính phủ vẫn cần tập trung vào mục tiêu ổn định, đặc biệt là trong những năm quan trọng 2015 và 2016” – ông Sanjay Kalra nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Sanjay Kalra cũng cho rằng, Việt Nam không nên lặp lại những điều đã xảy ra như trong năm 2010-2011 và cần phải thể hiện một cách quyết liệt là Việt nam đã phá vỡ được các chu kỳ “giật cục” (stop-and-go) của tăng trưởng và mất ổn định thông qua việc thực hiện đến cùng các chính sách kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh các chương trình cải cách cơ cấu vì Việt nam đã trở thành nước thu nhập trung bình.

“Ổn định mà tăng trưởng thấp hơn nhưng chất lượng tăng trưởng cao, toàn diện và bền vững thì còn tốt hơn là tăng trưởng cao hơn mà mất ổn định kinh tế vĩ mô” – Đại diện IMF chia sẻ.

Về tài khóa, ông Sanjay Kalra nhận định, thâm hụt ngân sách tương đối cao và tỷ lệ nợ công/GDP đã tăng trong những năm gần đây.

Trong bối cảnh đó, thu ngân sách cải thiện mạnh gần đây là tín hiệu đáng mừng. Kết quả này một mặt là nhờ tăng thu từ thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp và thu trả cổ tức của DNNN, một phần phản ánh sự cải thiện của nền kinh tế. Trong thời gian tới khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi thì sẽ giúp duy trì kết quả thu ngân sách.

Theo Trí Thức Trẻ