Thông tin “Đài Loan chặn lô mì Omachi nhập khẩu từ Việt Nam vì chứa chất cấm” đang gây xôn xao truyền thông và dư luận.
Song ít người để ý, tháng trước, vùng lãnh thổ này cũng đã chặn một lô mì ăn liền khác cũng được nhập khẩu từ Việt Nam và cũng với lý do tương tự.
Thông tin được Cơ quan thông tấn chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) – CNA – đưa ra vào cuối tháng 7 cho biết, ngày 26/7/2022, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (FDA) đã kiểm tra và thực hiện thu hồi, tiêu hủy 10 container và mặt hàng thực phẩm vi phạm tiêu chuẩn.
Trong danh sách các sản phẩm bị thu hồi này đáng chú ý có lô hàng “mì cốc Jinro RamenJinro – hương vị bò Hàn Quốc 62gr” được nhập khẩu từ Việt Nam bởi Simple Mart Retail Co., với tổng trọng lượng 1.116 kg.
Sản phẩm “mì cốc Jinro RamenJinro – hương vị bò Hàn Quốc 62g” vi phạm tiêu chuẩn. (Ảnh: FDA Đài Loan) |
Theo FDA, gói gia vị trong sản phẩm “mì cốc Jinro RamenJinro – hương vị bò Hàn Quốc 62g” có dư lượng thuốc trừ sâu ethylene oxide khoảng 63,729 phần triệu (ppm), mà không được công bố trong thành phần kiểm duyệt.
Cùng đợt, nhà chức trách Đài Loan tịch thu và tiêu hủy một số lô hàng đầu cá đông lạnh mà một nhà nhập khẩu khác mua từ Singapore, sau khi phát hiện tồn dư quá mức metyl thủy ngân; Và một lô mặt hàng máy đựng gạo từ Trung Quốc do chúng không qua được bài kiểm tra đánh giá các chất độc hại.
Chưa rõ sản phẩm “mì cốc Jinro RamenJinro – hương vị bò Hàn Quốc 62gr” mà CNA được sản xuất hoặc xuất khẩu bởi đơn vị nào ở Việt Nam. Tra cứu nhanh trên mạng internet về nhãn hàng này không thấy thông tin, do đó, khả năng chúng không được bán và tiêu dùng ở Việt Nam.
Trở lại với thông tin Đài Loan chặn lô mì Omachi nhập khẩu từ Việt Nam vì chứa chất cấm, trao đổi với VietTimes trưa 24/8, đại diện Masan cho biết tập đoàn đã nhận thông tin và đang tiến hành các bước xác minh cần thiết.
Bước đầu, Masan khẳng định Masan Consumer không bán hoặc xuất khẩu sản phẩm mì Omachi cho Nhà nhập khẩu Qianyu Co., Ltd, có trụ sở tại Đài Loan.
“Do luật pháp của mỗi nước khác nhau nên Masan Consumer sản xuất sản phẩm xuất khẩu riêng cho từng nước/khu vực và đều đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng của các nước sở tại”, đại diện Masan thông tin sơ bộ. Hãng cho biết sẽ xác minh và cung cấp thêm các thông tin cụ thể.
Hậu quả trước mắt của việc các loại mì xuất xứ từ Việt Nam liên tiếp bị "tuýt còi", CNA dẫn lời ông Trần Khánh Du (Chen Qingyu), Trưởng phòng Quản lý Trung tâm Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Quận Bắc cho biết: “Tới đây, tỷ lệ lấy mẫu đối với tất cả các loại sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khác nhau nhập từ Việt Nam sẽ được tăng từ 20% lên 50%”, ông Trần Khánh Du nói./.