|
Một đảo nhân tạo của Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa của Việt Nam |
Mới đây, quân đội Mỹ cho biết một chiếc máy bay oanh tạc B-52 của Mỹ “bay nhầm” vào không phận thuộc phạm vi 2 hải lý các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng (trái phép), Lầu Năm Góc đã tiến hành triển khai sự việc này. Ngày 19/12, Bộ Quốc phòng, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng về việc này, chỉ trích hành vi khiêu khích của quân đội Mỹ.
Hoàn Cầu cho rằng, mặc dù lần này thái độ của Mỹ khá ôn hòa, nhưng bản thân hành động này lại vô cùng “đáng lên án”. Máy bay B-52 chỉ cách các đảo nhân tạo 2 hải lý, điều này đồng nghĩa với việc gần như nó đã “bay vào không phận đảo nhân tạo của Trung Quốc”, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh trên đảo. Đây lại là một sự khiêu khích lớn hơn vụ Mỹ đưa tàu khu trục và máy bay oanh tạc vào khu vực 12 hải lý mới đây.
Tờ báo dân tộc chủ nghĩa khét tiếng lu loa và giở chiêu xảo biện cáo buộc, Mỹ làm như vậy đồng nghĩa với việc ép Trung Quốc phải tăng cường tốc độ quân sự hóa trên các đảo mới xây, khiến những hòn đảo này có đủ năng lực đối phó với mối đe dọa quân sự trực tiếp từ phía Mỹ.
Mọi người đều biết, do Trung Quốc đại lục cách các hòn đảo này rất xa, hiện tại chỉ có một mẫu hạm, khi máy bay Mỹ cất cánh từ căn cứ quân sự lân cận, xâm p hạm vào không phận “đảo nhân tạo” của Trung Quốc, dù Bắc Kinh có cử máy bay chiến đấu đến thì cũng bị hạn chế về nhiều yếu tố, nước xa không dập được lửa xa. Lựa chọn duy nhất của Trung Quốc là bố trí máy bay chiến đấu trên các hòn đảo này, để chúng có thể cất cánh ở mọi thời điểm, trục xuất máy bay quân sự Mỹ đến gây sự.
Hoàn Cầu ngang nhiên tuyên bố, công tác xây đảo đã hoàn thành, sau khi mở rộng, đảo lớn nhất có diện tích vài kilomet vuông, hoàn toàn có điều kiện xây dựng đường bay cho máy bay quân sự, bố trí một lực lượng máy bay tác chiến hùng hậu. Trước đó Trung Quốc luôn nói rằng những hòn đảo này chủ yếu sử dụng vào mục đích dân sự, nhưng để làm được điều này phải có một điều kiện tiền đề, đó là an ninh trên đảo phải được đảm bảo, không có lực lượng quân sự bên ngoài triển khai các hành động đe dọa.
Hoàn Cầu còn chỉ trích, hiện tại rõ ràng quân đội Mỹ đang phá vỡ những điều kiện phi quân sự hóa trên các hòn đảo này, Trung Quốc cần lấy cái vạn biến ứng phó với cái vạn biến, triển khai bố trí lực lượng giữ gìn an ninh đối trọng.
Bắc Kinh cho rằng hiện tại tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ có thể xuất hiện ở vùng biển và không phận gần những hòn đảo mà họ xây dựng trái phép vào bất cứ lúc nào, và không chỉ máy bay trinh sát làm như vậy, đến cả máy bay oanh tạc như B-52 cũng đã “xâm phạm không phận”.
Nếu Trung Quốc không hề có phản ứng gì thì đồng nghĩa với việc mặc nhận với những hành động đối địch mà máy bay quân đội Mỹ triển khai ở xung quanh các hòn đảo này. Làm như thế thì việc xây dựng (trái phép) những hòn đảo này không những không hỗ trợ gì cho an ninh quốc gia của Trung Quốc, mà còn trở thành “gánh nặng” cho cả đất nước, cho Mỹ cái cớ tăng cường các hoạt động trên biển Đông.
Hoàn Cầu cho rằng, làm như thế sẽ khiến chiến lược trên biển Đông của Trung Quốc rơi vào thế bị động, đồng thời còn gây ra những hiệu quả dư luận tiêu cực trong nước, ảnh hưởng đến sự quyền uy của chính phủ, làm mất lòng tin của công chúng (!?)
Do đó, Hoàn Cầu lập luận rằng, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác là tăng cường hoạt động quân sự hóa ở các hòn đảo này, mỗi khi máy bay hoặc tàu chiến Mỹ xâm phạm là Trung Quốc có máy bay quân sự bảo vệ chủ quyền, đây là mong muốn phổ biến của xã hội Trung Quốc, nó thể hiện tính chính đáng không thể bàn cãi trong cộng đồng quốc tế.
Tờ báo này tự bao biện rằng có người lo ngại rằng quân sự hóa các hòn đảo này sẽ gây ra sức ép trong dư luận quốc tế, đặc biệt là một số nước Đông Nam Á không hài lòng. Một điều cần chỉ ra rằng, những hành vi khiêu khích quân sự của Mỹ buộc Trung Quốc phải làm như vậy, cả thế giới đều hiểu thực chất của vấn đề máy bay Mỹ “bay nhầm” vào không phận của Trung Quốc là gì, Trung Quốc áp dụng những biện pháp đối phó tương ứng sẽ không thể bị chỉ trích về mặt đạo nghĩa, có thể nó sẽ đẩy cục diện biển Đông vào trạng thái căng thẳng hơn, nhưng sẽ không làm tổn hại đến hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Hoàn Cầu tự nhận vơ khi các biện pháp quân sự chống tiếp cận của Trung Quốc nhằm vào mối đe dọa trực tiếp từ phía quân đội Mỹ, các nước Đông Nam Á không có lý do phản đối, mà ngược lại, các nước cung cấp căn cứ quân sự cho Mỹ như Philippines, Singapore cần phản tỉnh, sự phối hợp, tiếp tay của họ cho các hành động khiêu khích của Mỹ chính là một trong những nguyên nhân đẩy cục diện khu vực vào tình trạng leo thang.
Tờ báo này còn lên mặt đạo đức giả, rao giảng rằng nếu tất cả mọi người đều mong muốn cục diện biển Đông dịu đi thì cần phải tự gánh vác trách nhiệm của chính mình, không ai cung cấp các điều kiện hỗ trợ để quân đội Mỹ phá hoại điều kiện phi quân sự hóa trên các hòn đảo tại biển Đông.
Trung Quốc giải thích với luận điệu cũ rích rằng quân sự hóa các đảo nhân tạo không đồng nghĩa với việc nguy cơ xảy ra xung đột tăng cao, Trung Quốc và Mỹ đều không mong muốn giao chiến, cả hai bên đều tiếp tục hành xử thận trọng, đề phòng khai hỏa.
Hoàn cầu đe dọa, yêu cầu tự do hàng hải trên biển Đông của Mỹ không được phép đe dọa đến an ninh trên đảo của Trung Quốc, đạo lý này hết sức đơn giản. Trung Quốc không phải là nước nhỏ, năng lực quân sự tổng thể của Trung Quốc có đủ khả năng yêu cầu Mỹ dẹp bỏ thái độ lưu manh. Bắc Kinh sẽ cố thủ một số nguyên tắc tối thiểu, Mỹ đã dự đoán được điều này, chỉ cần Bắc Kinh không dung túng cho Washington thì Washington phải biết khi kết giao với Trung Quốc, không được phép làm càn.
Cuối cùng, Hoàn Cầu trắng trợn kết luận, Trung Quốc có thể thản nhiên xây dựng các trạm rada lớn và bố trí máy bay chiến đấu trên đảo quân sự, và còn huênh hoang rằng người dân Trung Quốc nhất định sẽ ủng hộ mạnh mẽ điều này. Sự ủng hộ là quan trọng hơn tất cả. Còn về Mỹ, anh coi hổ thì là hổ thật, nếu anh coi anh ta là con hổ giấy thì Mỹ chỉ là một con hổ giấy mà thôi.
Theo QPAN