|
UAV nông nghiệp của DJI có thể được sử dụng để phun thuốc cho cây trà được trồng trên sườn núi (Ảnh: Nikkei Asia) |
DJI đang nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh UAV nông nghiệp, phục vụ những người nông dân trẻ tại thị trường quê nhà Trung Quốc.
UAV bay trên các cánh đồng để phun thuốc trừ sâu là cảnh tượng ngày càng phổ biến ở vùng nông thôn Trung Quốc. Những chiếc UAV này sử dụng ảnh chụp trên không để thiết lập đường bay và có thể tự động tránh chướng ngại vật. Các mẫu mới nhất được trang bị hai bình phun có thể phun tới 18 lít hóa chất mỗi phút.
UAV của DJI được sử dụng để canh tác khoảng 1/3 diện tích đất nông nghiệp của Trung Quốc, chủ yếu là những người nông dân ở độ tuổi 30 và 40. Nhu cầu về công nghệ này đang ngày càng tăng để giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động khi dân số Trung Quốc già đi.
Với mức giá khoảng 50.000 NDT (7.000 USD), UAV của DJI được cho là lựa chọn tiết kiệm chi phí hơn so với các mẫu UAV cạnh tranh.
Công ty nghiên cứu QY của Trung Quốc dự báo thị trường máy bay không người lái nông nghiệp toàn cầu sẽ tăng trưởng từ khoảng 3,1 tỉ USD vào năm 2024 lên 9 tỉ USD vào năm 2030. DJI hiện đang dẫn đầu với thị phần khoảng 30%, Yamaha Motor đứng thứ hai với 11%.
DJI đã bắt đầu kinh doanh UAV phục vụ nông nghiệp vào năm 2015. Năm 2022, danh mục hàng này đóng góp phần lớn vào doanh thu 30 tỉ NDT (4,21 tỉ USD) của công ty, chỉ đứng sau UAV gắn camera thông thường (flycam).
Công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng toàn diện để xây dựng mối quan hệ lâu dài với những người nông dân trẻ Trung Quốc. Công ty có khoảng 6.000 giảng viên, chủ yếu là ở Trung Quốc, những người đào tạo nhân viên tại các nhà bán lẻ và DJI cũng điều hành 1.100 trung tâm sửa chữa mà công ty cho biết có thể khắc phục 95% sự cố chỉ trong vòng 6 tiếng đồng hồ.
Bên ngoài Trung Quốc, DJI ghi nhận doanh số bán UAV nông nghiệp đang tăng đáng kể ở châu Mỹ, nơi lúa mì và ngô là những cây trồng chính, và ở Đông Nam Á, chủ yếu là lúa gạo. Nông dân Australia cũng sử dụng máy bay không người lái DJI để kiểm soát cỏ dại và Nhật Bản cũng là một thị trường lớn.
Một người nông dân trồng lúa ở tỉnh Tottori, miền tây Nhật Bản sử dụng UAV của DJI để gieo hạt trực tiếp lên 16 ha ruộng lúa của mình cũng như bón thuốc trừ sâu và phân bón. "Với sự giúp sức của UAV, công việc có thể tiến hành nhanh gấp năm lần so với trước đây", ông cho biết.
Trước đây, người nông dân này từng làm việc trên đồng ruộng cùng cha mình bằng các thiết bị như máy trồng lúa. UAV đã "giảm bớt gánh nặng cả về thể chất và tinh thần", ông chia sẻ thêm.
Theo người nông dân này, việc mua một chiếc UAV trị giá 1,8 triệu yên (12.000 USD) và một cục pin trị giá 250.000 yên (1.700 USD) sẽ rẻ hơn so với việc mua tất cả các thiết bị cần thiết như trước đây.
Một mẫu máy phun mới của DJI có khả năng phun tốt hơn trên các bề mặt dốc, công ty hy vọng tính năng này sẽ được ứng dụng trong việc trồng cây ăn quả và trà ở nhiều vùng núi của Nhật Bản.
Tại Hoa Kỳ và Châu Âu, DJI phải đối mặt với một môi trường kinh doanh kém thân thiện hơn. Washington đã đưa DJI vào danh sách đen các công ty chịu hạn chế thương mại. Dự luật chi tiêu quốc phòng năm tài chính 2025 do Hạ viện Mỹ thông qua vào tháng 6 cũng đã đưa ra các hạn chế chặt chẽ hơn đối với UAV của DJI.
Khi khả năng của các mẫu UAV dân sự được cải thiện, nỗi lo rằng chúng có thể bị chuyển hướng sang mục đích quân sự cũng dần tăng theo. Theo đó, DJI cũng đã tránh gửi các mẫu UAV nông nghiệp đến vùng Trung Phi vốn dễ xảy ra xung đột.
Theo Nikkei Asia