Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã hoàn thành việc soạn thảo các quy định đối với một hệ thống thanh toán quốc tế nhằm tạo điều kiện cho việc sử dụng đồng NDT rộng rãi hơn trên toàn cầu, theo một nguồn tin từ hệ thống ngân hàng Trung Quốc vào ngày 22.9.
Hệ thống thanh toán quốc tế của Trung Quốc (CIPS) sẽ được thiết lập vào đầu tháng 11 tới. Hệ thống này sẽ cho phép các công ty quốc tế lớn hoạt động kinh doanh với Trung Quốc có thể thanh toán nhanh hơn.
Những ngân hàng đầu tiên đủ điều kiện tham gia hệ thống này bao gồm 11 ngân hàng Trung Quốc và 8 chi nhánh của Trung Quốc thuộc ngân hàng nước ngoài, bao gồm HSBC, Citigroup và Standard Chartered, một nguồn tin cho biết.
Hành động triển khai CIPS sẽ loại bỏ một trong những rào cản lớn nhất đối với việc quốc tế hóa đồng NDT và gia tăng mạnh mẽ việc sử dụng đồng tiền này trên toàn cầu bằng cách cắt giảm chi phí giao dịch và thời gian xử lý.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang đặt mục tiêu từng bước có thể nhập hội với 4 đơn vị tiền tệ lớn của thế giới là: Đồng đô-la Mỹ, đồng yên Nhật, đồng bảng Anh và đồng euro châu Âu, trở thành một trụ cột của quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của quỹ dự trữ tiền tệ riêng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tại một diễn đàn trước đây, Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Zhou Xiaochuan đã thẳng thắn trao đổi về đề tài này trong cuộc thảo luận với Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde. Ông Zhou Xiaochuan cho biết, Trung Quốc luôn sẵn sàng để đồng NDT ở trong tình trạng dự trữ.
Trước đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã phát biểu với bà Lagarde trong một cuộc họp rằng, Trung Quốc luôn hy vọng nhận được sự chấp thuận của IMF để đồng tiền này có thể nằm trong giỏ tiền tệ quốc tế.
Dưới đây là một vài lý do tại sao Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Zhou Xiaochuan lại mong muốn đồng NDT có thể lọt top đồng tiền dự trữ quốc tế.
1. Uy tín toàn cầu
Trong khi Trung Quốc luôn được xem là nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới, thì đồng NDT của họ lại bị tụt lùi phía sau các đồng tiền khác như: đồng Yên, đồng USD, đồng bảng Anh và đồng euro.
Theo đó, nếu tham gia vào SDR, Trung Quốc sẽ khẳng định được sự trỗi dậy của mình, Xi Junyang, một giáo sư tài chính tại Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải cho biết.
2. Chi phí đi vay thấp hơn
Giảm những quy định về dòng vốn đi kèm với nỗ lực tham gia SDR sẽ giúp đồng NDT của Trung Quốc được quốc tế hóa. Điều này có thể giúp nhiều cho các doanh nghiệp Trung Quốc đang mạo hiểm ở nước ngoài có thể cắt giảm được chi phí đi vay.
"Một thị trường vốn càng mở, thì sẽ càng đáp ứng nhu cầu về tài chính của các công ty nội địa tốt hơn", nhà phân tích của HSBC Holdings Plc cho biết.
3. Một thế giới đa cực
Tầm nhìn chiến lược của Trung Quốc là hướng tới một thế giới đa cực, nơi mà Mỹ chỉ là một "con tốt", không phải một "bá chủ". Trong quá khứ, ông Zhou đã kêu gọi sử dụng mở rộng tình trạng SDR như một phương thức thay thế cho đồng USD.
4. Thiết lập giá cả
Việc sử dụng đồng NDT để thanh toán thương mại và đầu tư xuyên biên giới ngày càng tăng cao, tuy nhiên đồng tiền này vẫn chưa được sử dụng để thiết lập giá các mặt hàng quốc tế từ dầu tới quặng sắt.
Theo đó, việc đồng NDT được quốc tế hóa sẽ giúp đồng tiền này có thể định giá các mặt hàng này.
5. Nhu cầu của đồng NDT
Hơn 60 ngân hàng trung ương hiện đang đầu tư vào đồng NDT, theo ước tính của Standard Chartered Plc. Một động thái trong giỏ SDR sẽ thu hút nhiều người mua chính thức hơn.
"Một yếu tố quan trọng để đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế chính là tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ nắm giữ đồng tiền này", Jukka Pihlman, người đứng đầu các ngân hàng trung ương và các quỹ thịnh vượng chung, cho biết.
6. Động lực thúc đẩy cải cách
Để giành chiến thắng trong SDR, Trung Quốc phải tiếp tục lên kế hoạch mở tài khoản vốn, một cải cách nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các ngành công nghiệp và các công ty Trung Quốc.
"Cải cách này sẽ giúp Trung Quốc tự tin hơn trong việc thúc đẩy đồng NDT có thể được tự do chuyển đổi", Li Jie, người đứng đầu văn phòng nghiên cứu dự trữ ngoại hối của Đại học Tài chính và Kinh tế tại Bắc Kinh cho biết.
7. Sự công nhận của IMF
Đối với ông Zhou Xiaochuan, Thống đốc PBOC, tình trạng SDR sẽ đại diện cho sự chứng thực từ IMF đối với những nỗ lực cải cách của ông, những nỗ lực đó bao gồm: các bước để tự do hóa lãi suất và giảm bớt cái gọi là áp chế tài chính của người gửi tiền.
Theo Một thế giới