Trung Quốc tung ra đủ loại ngôn từ, chiêu trò khi chuẩn bị đối mặt với phán quyết PCA

VietTimes -- Gần đây, khi phán quyết của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) đến gần (ngày 12/7/2016), Trung Quốc đã phải chịu sức ép cực kỳ to lớn ở Biển Đông.
Các phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần phải rất vất vả đối phó các câu hỏi của phóng viên về vấn đề Biển Đông. Ảnh: Sina Trung Quốc. (Ảnh phát ngôn viên BNG Trung Quốc Hồng Lỗi).
Các phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần phải rất vất vả đối phó các câu hỏi của phóng viên về vấn đề Biển Đông. Ảnh: Sina Trung Quốc. (Ảnh phát ngôn viên BNG Trung Quốc Hồng Lỗi).

Quan sát các động thái của Trung Quốc, một nước thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, một nước luôn rao giảng đạo đức "nước lớn có trách nhiệm", đầy "ưu thế", nhưng lại kiên quyết chống lại một tòa trọng tài của Liên hợp quốc... khiến cho thiên hạ cảm thấy rất buồn cười.

Người ta nói, vàng thật không sợ lửa. Nhưng, quả thật, Trung Quốc, một nước luôn tự xưng là "nước lớn" không được như vậy. Mặc dù Bắc Kinh luôn đưa ra các tuyên bố rất hùng hồn, nhưng đằng sau là một nỗi lo sợ sâu sắc.

Sức ép quốc tế mạnh gây ra cho những người theo chủ nghĩa bành trướng ở Trung Quốc mạnh đến nỗi có chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đã đến lúc "không thể chịu nổi". 

Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) sẽ đưa ra phán quyết lịch sử về vấn đề Biển Đông. Ảnh: Bành Bái, Trung Quốc.
Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) sẽ đưa ra phán quyết lịch sử về vấn đề Biển Đông. Ảnh: Bành Bái, Trung Quốc.


Trung Quốc yêu cầu không được quốc tế hóa, làm phức tạp hóa vấn đề Biển Đông, nhưng thực tế cho thấy chính Trung Quốc là nguyên nhân căn bản đang thúc đẩy quốc tế hóa, phức tạp hóa vấn đề Biển Đông.


Trung Quốc đã bỏ ra nhiều nguồn lực ngoại giao, chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm kiếm "đồng minh", "bạn bè" để tìm kiếm được sự ủng hộ của dư luận đối với yêu sách "đường chín đoạn" phi pháp của họ. Gần đây các quan chức Trung Quốc hay nói đến là “vòng tay bạn bè” của họ được mở rộng.

Các quan chức Trung Quốc thường nói rằng Bắc Kinh đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều nước đối với lập trường của họ trong vấn đề Biển Đông, nhưng, Bắc Kinh nói ra đã lập tức bị mọi ánh mắt nghi ngờ của cộng đồng quốc tế đổ dồn vào, những câu hỏi đầy góc cạnh đã liên tiếp xuất hiện trong mọi cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức. 

Nhiều phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc như Hoa Xuân Oánh, Hồng Lỗi, Lục Khảng đã phải liên tiếp lên tiếng biện bạch về vấn đề Biển Đông. 

Lục Khảng - một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Lục Khảng - một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Họ trở nên rất vất vả, đã tìm cách nặn ra đủ loại ngôn từ và chiêu trò để né tránh hoặc vòng vo tam quốc, đánh tráo khái niệm, đánh lận con đen, tuyên truyền xuyên tạc. 

Rõ ràng, vụ kiện Trung Quốc được dư luận cho là sẽ có phán quyết có lợi cho Philippines, bởi vì UNCLOS đã tập hợp trong nó những giá trị phổ biến về quyền lợi của các nước ven biển được hưởng. 

Nếu có lợi cho Philippines thì rõ ràng sẽ có lợi cho các nước khác có liên quan trong đó có Việt Nam. Đây là một khẳng định chắc chắn. Trung Quốc đang rất sợ điều này.

Đón đọc phần tiếp theo: Trung Quốc sợ “công đường”, minh bạch, đã sử dụng quân sự thị uy PCA