|
Alexander Fomin, Cục trưởng Cục hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga. Ảnh: Word Press |
Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 3/11 dẫn báo chí Nga đưa tin, ngày 1/11, tại Triển lãm hàng không Chu Hải Trung Quốc, Phó Cục trưởng Cục hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga, ông Drozhzhov Vladimir Nikolaevich cho biết Trung Quốc đã bước vào top 5 khách hàng lớn của vũ khí Nga, hiện kim ngạch đơn đặt hàng đã trên 8 tỷ USD.
Ông Drozhzhov Vladimir Nikolaevich cho biết mặc dù đơn đặt hàng có giảm đi vào giữa thập niên đầu của thế kỷ 21, nhưng lượng đặt hàng mua vũ khí Nga của Trung Quốc gần đây tăng lên rõ rệt.
Ông nói: "Trung Quốc bày tỏ ngày càng quan tâm đến hợp tác với Nga trên lĩnh vực hiện đại hóa công nghệ quân sự. Một số chương trình hợp tác đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau".
Tháng 10/2016, Cục trưởng Cục hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga, ông Alexander Fomin tiết lộ, tổng kim ngạch đơn đặt hàng vũ khí của Nga là 52 tỷ USD, Trung Quốc chiếm hơn 15%.
Từ thập niên 1990 đến đầu thế kỷ 21, Trung Quốc và Ấn Độ là các khách hàng chủ yếu của vũ khí Nga, nhưng khoảng từ năm 2005 trở đi, cùng với việc Trung Quốc bắt đầu tự sản xuất hàng loạt vũ khí (một số chương trình cũng có sự tham gia của Nga), nhu cầu của họ đối với vũ khí Nga bắt đầu giảm theo.
Năm 2006, Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga khi đó là ông Sergei Chemezov tuyên bố, hai bên ký kết hợp đồng mới trị giá 200 triệu USD, trong khi kim ngạch của vài giao dịch độc lập trước đó đạt 1 - 1,5 tỷ USD.
Chuyên gia Andrei Frolov từ Trung tâm phân tích công nghệ và chiến lược Nga nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Nga công bố tổng kim ngạch hợp đồng vũ khí với Trung Quốc. Vài năm trước, chỉ tiêu này phải thấp hơn nhiều: Có thể suy đoán, bình quân mỗi năm không trên 3 - 4 tỷ USD.
Sự chuyển ngoặt xuất hiện sau khi ký kết đơn đặt hàng lớn trong đó Trung Quốc mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 của Nga trị giá mỗi loại 2 tỷ USD vào các năm 2014 - 2015, Trung Quốc và Nga còn ký kết đơn đặt hàng lớn mua sắm động cơ mới - hợp đồng các động cơ D-30 và AL-31 với 658 triệu USD cho từng loại động cơ.
Nga cũng nhập khẩu các bộ kiện trang bị kỹ thuật quân sự từ Trung Quốc, như nhập động cơ diesel lắp cho tàu để thay thế cho sản phẩm cùng loại bị cấm vận của Đức, song tạm thời số lượng mua sắm “không nhiều”.
Một nguồn tin tiếp cận cấp cao Công ty xuất khẩu sản phẩm quốc phòng Nga cho biết trong hai năm tới, khả năng Trung Quốc và Nga ký kết hợp đồng cung ứng lớn về các trang bị như Su-35 và S-400 không cao, quy mô hợp đồng kỹ thuật quân sự với Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống trong vài năm sau.
Nhưng, ông tin rằng hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự giữa hai nước Trung Quốc và Nga sẽ còn duy trì lâu dài.