Tại một sân bay ở rìa phía nam sa mạc Mu Us (còn gọi Maowusu) ở tỉnh Ninh Hạ, tây bắc Trung Quốc, các kỹ sư và nhà khoa học đang cho bay thử nghiệm một chiếc máy bay phản lực mà thế giới chưa từng thấy trước đây. Một số bản vẽ thiết kế được công khai gần đây cho thấy chiếc máy bay chiến đấu bí ẩn này được trang bị động cơ phản lực hai cửa hút gió, sử dụng thiết kế kết hợp thân-cánh với đôi cánh tam giác xuôi, đều là đặc điểm của loại máy bay chiến đấu tàng hình tốc độ cao.
Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 28/6 đưa tin điều xảy ra trong chuyến bay thử nghiệm này rất không bình thường: một phần cánh của cả hai bên tách ra khỏi máy bay chiến đấu và biến thành hai máy bay không người lái "cánh bay" được đẩy bằng cánh quạt chạy điện.
Tuy nhiên, sau khi hai máy bay không người lái tách ra, chiếc máy bay chiến đấu lập tức xuất hiện rung chuyển, nguyên nhân là do diện tích cánh máy bay giảm đột ngột, cộng với sự dịch chuyển trọng tâm, dẫn đến những thay đổi đáng kể về đặc tính khí động học. Mặc dù vậy, chiếc máy bay và hai máy bay không người lái đã nhanh chóng khôi phục trạng thái bay ổn định, chứng tỏ tính hiệu quả của thiết kế khí động học và thuật toán điều khiển tự động.
Ông Đỗ Hâm (Du Xin), kỹ sư cao cấp tại Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khí động học Trung Quốc (CARDC) - thực thể đang bị Mỹ trừng phạt - cho biết chuyến bay thử nghiệm thành công đã chứng minh “khái niệm mới” về máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của Không quân Trung Quốc.
Ông Đỗ Hâm và các đồng nghiệp đã viết trong một bài báo đăng trên tạp chí học thuật Trung Quốc "Tiến bộ trong Kỹ thuật Hàng không" xuất bản ngày 29/5: "Điều này thể hiện phương thức hiệp đồng tác chiến tiên tiến giữa máy bay có người lái/không người lái, tức là tích hợp nhiều máy bay có các chức năng khác nhau để bay phối hợp". Ông cũng chỉ ra rằng điều này có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề như sự không nhất quán về tốc độ và phạm vi hoạt động (hành trình) giữa máy bay có người lái và không người lái để đạt được ưu thế thế bổ sung cho nhau.
Ông Dương Vĩ (Yang Wei), Tổng thiết kế sư của máy bay chiến đấu J-20, đã nhiều lần nói trong những năm gần đây rằng Trung Quốc đang phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới, trọng tâm tập trung vào việc hiệp đồng tác chiến với máy bay không người lái. Ông Dương Vĩ cho rằng đặc điểm nổi bật của máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của Trung Quốc là có khả năng biến hình đáng kinh ngạc.
“Máy bay trong tương lai có thể giống như robot biến hình Transformers trong phim khoa học viễn tưởng”. Vào năm 2022, ông cũng cho biết: "Trong tương lai rất gần, chúng ta sẽ sớm nhìn thấy các máy bay J-30 và J-40", ông Dương Vĩ cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) năm 2020.
Trên thực tế, ý tưởng kết hợp nhiều loại máy bay quân sự khác nhau không phải là mới mẻ. Các nhà khoa học Đức đã đi tiên phong trong việc thử nghiệm này trong thời kỳ Thế chiến thứ hai. Sau đó vào những năm 1950, Không quân Mỹ đã thực hiện một nỗ lực táo bạo khi gắn cố định hai máy bay chiến đấu vào đầu cánh của một máy bay ném bom. Mặc dù điều này giúp tăng tầm hoạt động của máy bay ném bom, nhưng nó cũng vô tình tạo ra các vùng xoáy mạnh ở đầu cánh.
Trong chuyến bay thử nghiệm bi thảm vào năm 1953, một máy bay chiến đấu F-84 khi đang gắn vào đầu cánh của máy bay ném bom B-29 đã bị lật và đâm vào chiếc B-29, khiến một phi công chiếc F-84 và tất cả 5 thành viên phi hành đoàn trên máy bay ném bom thiệt mạng.
Tuy nhiên, nhóm của ông Đỗ Hâm không áp dụng phương pháp kết nối ở đầu cánh mà áp dụng cái gọi là "bố trí đối xứng phía sau cánh". Họ viết trong bài báo: "Hai máy bay không người lái được kết nối với máy bay chính thông qua một thiết bị tách ra có thể thu vào ở mép sau của cánh máy bay chính". Bố cục này giúp máy bay chính ổn định hơn khi bay nhưng "trọng tâm và tiêu điểm của máy bay chính có thể xảy ra những thay đổi lớn trước và sau khi tách, điều này đặt ra thách thức lớn cho việc xây dựng “control la” (định luật điều khiển)".
Nhóm của ông Đỗ Hâm đã tiết lộ một thuật toán mới trong bài báo, bao gồm cả những thay đổi về hướng gió, được phân tích chính xác các cản trở khác nhau được tạo ra trong quá trình tách ra. Cả chiếc máy bay chiến đấu mới và các máy bay không người lái đều sử dụng máy tính điều khiển bay FCC-100 do Đại học Công nghiệp Tây Bắc phát triển, có thể thực hiện các phép tính phức tạp trong thời gian ngắn và đưa ra chỉ lệnh điều khiển cực kỳ đáng tin cậy.
Ngoài ra, nhóm của ông Đỗ Hâm viết: "Trong quá trình tách rời, tổ hợp máy bay này có thể khắc phục được sự cản trở đáng kể của luồng không khí, khiến toàn bộ quá trình được kiểm soát, cho phép máy bay chính và máy bay không người lái tách ra một cách an toàn và ổn định". Bài báo cho biết, công nghệ liên quan đã được chuẩn bị tốt để ứng dụng thực tế, nhưng ngày bay thử vẫn được giữ bí mật.
Trong khi đó, Defense News ngày 24/6 đưa tin, có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang đạt được tiến bộ trong việc nghiên cứu và phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu, và nguyên mẫu sẽ hoàn tất sớm nhất vào khoảng năm 2028.
Trong bài "Khi nào Trung Quốc sẽ có máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu?" của Defense News viết: Vương Hải Phong, nhà thiết kế trưởng của Viện Thiết kế máy bay Thành Đô thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 1/2019 rằng ông đang chuẩn bị nghiên cứu "máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu có thể bảo vệ vùng biển và vùng trời vào năm 2035". Ông cũng đề cập đến các yếu tố như tổ hợp hiệp đồng tác chiến máy bay có người lái/không người lái, sử dụng trí tuệ nhân tạo, tàng hình và các cảm biến đa hướng được cải tiến.
Rick Joe, một nhà quan sát người Mỹ theo dõi quân sự Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đã thực hiện nỗ lực phá kỷ lục trong lĩnh vực máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu. Kể từ năm 2019, những thông tin tiến bộ liên quan của Trung Quốc được tiết lộ qua các kênh bán chính thức đã tăng lên như các tài liệu học thuật liên quan, các thông báo của các quan chức quân sự và hành chính. Ông cho rằng việc kiểm nghiệm công nghệ máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của Trung Quốc đã trải qua quá trình bay thử nghiệm.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có khả năng phát triển những máy bay chiến đấu tiên tiến này hay không, Brendan Mulvaney, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Trung Quốc của Không lực Mỹ (U.S. Air Force’s China Aerospace Studies Institute), nói: "Hôm nay ư? Không! Hai mươi năm nữa? Chắc chắn có thể. Chúng ta thấy điều này hết lần này đến lần khác. Chúng ta ngày càng không thể đánh giá thấp khả năng của Trung Quốc khi họ quyết định thực hiện mục tiêu của mình".
Mulvaney cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đã mô tả chiếc máy bay chiến đấu tương lai của họ là không người lái, nhưng ông cho rằng thiết kế này có khả năng "lựa chọn có người lái hoặc không dựa trên nhu cầu", tùy thuộc vào tốc độ phát triển của hệ thống AI và các công nghệ cần thiết khác.
Bài báo suy đoán rằng nếu máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của Trung Quốc được đưa vào sử dụng vào năm 2035, do bay thử nghiệm sẽ mất khoảng 5 năm, nên nguyên mẫu sẽ sẵn sàng sớm nhất vào khoảng năm 2028. Mulvaney dự đoán rằng nó có thể được đưa vào sử dụng vào cuối những năm 2030 hoặc đầu những năm 2040.
Theo Guangming.com, đặc điểm của máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu Trung Quốc bao gồm khả năng tác chiến tin học mạnh mẽ và khả năng tàng hình, nâng cấp hơn nữa về chiến đấu ngoài tầm nhìn, sự can thiệp sâu của công nghệ AI, có thể chuyển đổi chế độ có người lái/không người lái và máy bay có người lái cùng không người lái có thể chiến đấu theo biên đội hỗn hợp.v.v.
Theo Chinatimes, UDN