Tờ Press Trust of India Ấn Độ ngày 27/12 dẫn các nguồn tin từ Trung Quốc cho hay Trung Quốc đã cho bay thử lần đầu tiên phiên bản cải tiến của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm FC-31 Cốt Ưng vào tuần trước ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh.
Đồng thời Trung Quốc có kế hoạch xuất khẩu loại máy bay này với giá chỉ bằng một nửa máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ, từ đó phá vỡ độc quyền của phương Tây đối với máy bay khoa học công nghệ cao.
Bài báo cho rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng mang tính chiến lược đối với Ấn Độ, vì Pakistan đã rất quan tâm đến loại máy bay chiến đấu này.
Loại máy bay này lắp 2 động cơ, có khả năng tránh radar, trước đây gọi là J-31, do Tập đoàn công nghiệp máy bay Thẩm Dương phụ trách nghiên cứu phát triển. Tập đoàn Thẩm Dương là tập đoàn "con" của Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc.
Tháng 11/2015, tại Triển lãm hàng không Dubai lần thứ 14 do Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tổ chức, Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc đã trưng bày mô hình có tỷ lệ lớn của một chiếc FC-31.
Nhìn vào sách hướng dẫn quy cách do công ty này cung cấp, loại máy bay phản lực này có trọng lượng cất cánh lớn nhất là 28 tấn, bán kính bay là 1.250 km, tốc độ lớn nhất là 1,8 Mach, tức gấp 1,8 lần tốc độ âm thanh.
Nó có thể lắp 8 tấn vũ khí. Loại máy bay này có thể lắp 6 quả tên lửa ở trong khoang vũ khí và 6 quả tên lửa khác ở dưới cánh máy bay.
Theo báo chí Nga ngày 26/12, máy bay nguyên mẫu thứ hai của J-31 Trung Quốc ngày 23/12 đã tiến hành bay thử lần đầu tiên ở Thẩm Dương, có tên là FC-31 Cốt Ưng.
Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc đã xác nhận việc này, nhưng từ chối tiết lộ chi tiết. Thông tin về máy bay J-31 được biết tới lần đầu tiên là vào năm 2012, khi đó một chiếc máy bay nguyên mẫu đã tiến hành bay thử ở Thẩm Dương.
Hoạt động bay thử lần này do máy bay nguyên mẫu thứ hai thực hiện, nó có tính năng tàng hình tốt hơn, thiết bị điện tử hoàn thiện hơn, cấu tạo thân máy bay đã có một loạt cải tiến, tải trọng hiệu quả được tăng lên.
Ngoài J-31, từ đầu thế kỷ 21 đến nay, Trung Quốc cũng đang phát triển một loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm thứ hai, đó là máy bay chiến đấu hạng nặng J-20. Trong lượng cất cánh của nó là 36 tấn, tốc độ cao nhất có thể đạt 2 Mach.
Ngoài ra, theo tạp chí Time Anh ngày 27/12, Trung Quốc vừa tiến hành bay thử thành công một loại máy bay chiến đấu tiên tiến. Trung Quốc cho bay thử lần này đúng vào lúc quan hệ giữa Trung Quốc với Đài Loan trở nên căng thẳng, Tổng thống Mỹ Donald Trump vào đầu tháng đã điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan, đã phá vỡ thông lệ gần 40 năm qua trong quan hệ Trung - Mỹ.
Mặc dù Bắc Kinh luôn tuyên bố kế hoạch nâng cấp trang bị rộng lớn của họ thuộc một phần của chiến lược quân sự mang tính phòng thủ, nhưng Mỹ và một số nước láng giềng Trung Quốc lại tỏ ra cảnh giác với lập trường cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Một chuyên gia hàng không cho rằng sau khi chiếc máy bay nguyên mẫu đầu tiên bay thử được 4 năm, máy bay chiến đấu FC-31 Cốt Ưng mới có khả năng tàng hình tốt hơn, thiết bị điện tử tiên tiến hơn và khả năng tải trọng lớn hơn.
Báo chí Pháp cho rằng Trung Quốc phát triển máy bay chiến đấu tàng hình mới không chỉ trang bị cho quân đội họ mà còn có tham vọng chinh phục thị trường quốc tế.
Máy bay này đã lắp thiết bị tiên tiến nhất, đặc biệt là hệ thống quang học điện tử và hệ thống hiển thị hợp thành trên mũ phi công.
Loại máy bay này có đơn giá chỉ khoảng 70 triệu USD, rẻ hơn cả máy bay chiến đấu Rafale Pháp và máy bay chiến đấu Typhoon châu Âu, dự kiến giá bán khoảng 100 triệu USD.
So với máy bay chiến đấu F-35 của hãng Lockheed Martin Mỹ, giá bán của loại máy bay chiến đấu mới Trung Quốc rẻ hơn một nửa.