|
Ảnh: SCMP |
Theo các chuyên gia và nhà phân tích trong ngành, Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách về trí tuệ nhân tạo (AI) với Mỹ thông qua tiến độ triển khai ứng dụng nhanh chóng và việc áp dụng công nghệ này được nhà nước hậu thuẫn, mặc quốc gia này không tiếp cận được với nguồn cung cấp chip tiên tiến.
Các công ty công nghệ Trung Quốc đã nhanh chóng tạo ra các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của riêng họ - công nghệ cơ bản đằng sau các công nghệ AI tạo sinh như ChatGPT. Nhiều công ty thậm chí còn tuyên bố khả năng xử lý của các mô hình của họ đã ngang bằng hoặc vượt trội hơn các đối thủ đến từ Hoa Kỳ, tất cả đều diễn ra trong bối cảnh Mỹ siết chặt các hạn chế đối với chip tiên tiến, thứ được coi là quan trọng đối với việc đào tạo các hệ thống AI.
Theo Winston Ma, tác giả của cuốn sách "Digital War – How China's Tech Power Shapes the Future of AI, Blockchain and Cyberspace": "Đây là một xu hướng mới nổi khi tình trạng thiếu hụt các đơn vị xử lý đồ họa tiên tiến ở Trung Quốc, trong bối cảnh Mỹ hạn chế xuất khẩu, dẫn đến động lực và thúc đẩy hiệu quả trong AI tại Trung Quốc".
Được biết, Shengshu AI, một công ty khởi nghiệp ít được biết đến có trụ sở tại Bắc Kinh, đã ra mắt công cụ chuyển văn bản thành video của mình vào tuần này, trở thành công ty địa phương mới nhất cung cấp dịch vụ cho mục đích sử dụng công cộng không giới hạn, sau Kuaishou và Zhipu AI. Công cụ này có tên là Vidu, có thể tạo clip từ lời nhắc văn bản tiếng Trung và tiếng Anh.
Trong khi dịch vụ tạo văn bản thành video được Sora thuộc ChatGPT tiên phong, song ba công ty công nghệ Trung Quốc cũng đã có thể đưa các công cụ video AI của họ đến tay người dùng toàn cầu. Trong khi đó, công ty khởi nghiệp OpenAI có trụ sở tại San Francisco, là công ty đầu tiên trình diễn chức năng này, vẫn chưa cung cấp rộng rãi các công cụ của mình.
Các công ty Trung Quốc cũng đang đóng góp vào sự phát triển AI toàn cầu bằng cách tung ra các chương trình LLM nguồn mở để bất kỳ ai cũng có thể xây dựng hệ thống AI của riêng mình.
Alibaba Group Holding đã ra mắt dòng LLM mã nguồn mở Qwen2 vào tháng 6, được xếp hạng số 1 tại thời điểm đó bởi Hugging Face, một cộng đồng nhà phát triển các mô hình AI mã nguồn mở.
Các nhà phân tích cho rằng sự tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực AI một phần nhờ vào khả năng giải quyết các hạn chế về chip để phát triển sức mạnh tính toán thông minh cần thiết nhằm đào tạo các LLM địa phương.
Kể từ khi Mỹ áp dụng lệnh hạn chế xuất khẩu đối với chip A100 và H100 của Nvidia - được coi là tiêu chuẩn vàng để đào tạo các hệ thống AI phức tạp, Bắc Kinh và một số công ty công nghệ hàng đầu của quốc gia này đã xây dựng được một kho dự trữ sức mạnh điện toán thông minh lớn, một phần nhờ vào các giải pháp do địa phương phát triển.
Li Yangwei, một cố vấn kỹ thuật tại Bắc Kinh, cho biết: "Nhìn vào các con số, sức mạnh điện toán trong nước đã tăng lên nhanh chóng vì nhiều doanh nghiệp nhà nước và chính quyền khu vực được giao nhiệm vụ phát triển sức mạnh điện toán thông minh".
Ông Li nói thêm, các con chip do các công ty trong nước phát triển, chẳng hạn như Huawei Technologies, đã trở nên phổ biến và giải pháp Ascend của Huawei là nỗ lực tốt nhất của Trung Quốc trong việc phát triển cơ sở hạ tầng AI trong nước.
Ông Wang Tao, giám đốc điều hành của Trung tâm đổi mới hệ sinh thái Kunpeng tại Giang Tô, cho biết bên lề Hội nghị bán dẫn thế giới Nam Kinh diễn ra vào tháng 6 rằng chip AI Ascend 910B của Huawei đã vượt qua một số bài kiểm tra, chứng minh có hiệu suất đạt từ 80% đến 120% so với chip A100 của Nvidia khi đào tạo các LLM.
Zhang Yi, người sáng lập và là nhà phân tích trưởng tại công ty tư vấn công nghệ iiMedia, cho biết các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng tài nguyên máy tính của Trung Quốc cũng đã giúp giảm bớt lo lắng về việc thiếu chip tiên tiến.
Theo ông Zhang, khi so sánh với các quốc gia khác, quy mô thị trường Trung Quốc cùng nhu cầu đối với AI là một trong những điểm mạnh lớn của quốc gia này
Ông cho biết: “Trung Quốc có một hệ thống sản xuất công nghiệp toàn diện và hoàn chỉnh. Nhiều thực thể đang rất cần cải thiện hiệu quả của mình, vì vậy AI có thể được khai thác ở đó”.
Mỹ đồng ý cho Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc
Truyền thông Mỹ truy tìm nguồn gốc chip Mỹ có trong tên lửa Nga
Samsung công bố lộ trình công nghệ chip để giành lợi thế trên thị trường AI
Theo SCMP