Phản ứng này không khó hiểu sau sự việc hôm 19-3. Khi đó, tàu tuần tra Indonesia đang áp giải tàu cá Trung Quốc Kway Fey, bị cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) quanh Natuna, thì một tàu hải cảnh Trung Quốc đuổi theo và đâm vào tàu Kway Fey để buộc nó dừng lại ngay trước lãnh hải Indonesia. Phía tàu Indonesia nhanh chóng yêu cầu hải quân chi viện nhưng gần như cùng lúc, tàu hải cảnh thứ hai có mặt. Các sĩ quan Indonesia đang ở trên tàu Kway Fey (sau khi bắt 8 thủy thủ Trung Quốc) quyết định rời tàu và rất nhanh, lính tuần tra Trung Quốc lên tàu cá lái nó đi.
Như vậy để thấy hành động của phía Trung Quốc không hề bột phát mà có sự chuẩn bị lực lượng tại vùng biển cách xa đảo Hải Nam của họ tới 2.500 km. Tháng 11-2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói nước này không tranh chấp chủ quyền đối với Natuna. Nhưng vài ngày sau sự kiện 19-3, Thời báo Hoàn cầu bên cạnh việc nhắc khéo Indonesia tập trung vào “những lợi ích chung như tuyến đường sắt cao tốc nối Jakarta và Bandung mà Trung Quốc đang xây dựng” vẫn không quên nhắn nhe: “Trung Quốc không muốn tranh chấp với nhiều nước láng giềng trên biển Đông cùng một lúc. Quần đảo Natuna thuộc về Indonesia, Trung Quốc không hề phản đối song nhiều vùng EEZ của Indonesia chồng lấn với đường 9 đoạn nên va chạm trong đánh bắt là không thể tránh khỏi”.
Tờ Bussiness Insider nói thẳng Trung Quốc vừa gây sự với “người bạn duy nhất” của họ trên biển Đông. Không còn lẳng lặng cho qua như trước, Indonesia có một loạt phản ứng ngoại giao mạnh mẽ, từ triệu đại sứ, gửi công hàm phản đối đến tuyên bố truy tố ngư dân Trung Quốc và đưa vụ việc ra tòa án quốc tế theo gương Philippines. Sự giận dữ này có vẻ bất ngờ vì theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), Trung Quốc là đối tác thương mại 2 chiều lớn nhất của Indonesia và Tổng thống Joko Widodo dựa khá nhiều vào nguồn vốn Trung Quốc để phát triển hạ tầng.
Cũng như Indonesia, Malaysia gạt bỏ lối tiếp cận hòa hoãn khi lên tiếng tố cáo khoảng 100 tàu cá Trung Quốc, với sự hộ tống của 2 tàu hải cảnh, xâm nhập lãnh hải gần bãi cạn Luconia tuần này. Hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein dùng từ “đẩy lùi” khi nói đến các hành động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông. Từ này do một lãnh đạo Malaysia nói ra đã hiếm, lại càng ấn tượng hơn bởi chính ông Hishammuddin Hussein từng phát biểu: “Trung Quốc có thể tuần tra hằng ngày miễn không có ý gây chiến” khi đề cập việc tàu Bắc Kinh thường xuyên lởn vởn quanh bãi cạn James của Malaysia vào tháng 8-2013. Có thể phần nào lý giải sự đổi giọng này bằng thống kê của Cơ quan Hàng hải Malaysia: Tàu Trung Quốc hiện diện tại bãi Luconia tăng từ 269 ngày trong năm 2014 lên 345 ngày trong năm 2015! Trang Malay Mail Online còn nhấn mạnh tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên đuổi tàu cá Malaysia ra khỏi bãi Luconia.
Rõ ràng, Indonesia và Malasyia không thể ngậm bồ hòn làm ngọt được nữa bởi dù phản đối “đường lưỡi bò” bằng con đường ngoại giao hay nhún nhường giữ quan hệ chỉ càng khiến Trung Quốc biến các vùng biển của họ thành “ngư trường truyền thống”. Đặc biệt, một khi hoàn thành chương trình xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), Trung Quốc càng có khả năng kiểm soát xa hơn về phía Nam biển Đông, mở đường cho ngư dân của họ lấn xuống để bù đắp lượng cá không còn dồi dào ở phía Bắc.
Theo NLĐ