Trung Quốc ngày 14/7 đã đưa ra lời đe dọa sẽ đáp trả mạnh với bất kỳ khiêu khích nào trên Biển Đông. Tuyên bố này đưa ra sau khi tòa án quốc tế ra phán quyết chống lại những tuyên bố của nước này trên vùng biển tranh chấp.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 14/7 tuyên bố: “Nếu bất kỳ ai muốn dựa vào phán quyết để có những hành động khiêu khích nhằm chống lại lợi ích an ninh của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ đáp trả thẳng tay”.
Tờ báo dân tộc chủ nghĩa khét tiếng Hoàn Cầu ngày 14/7 đe doạ quân đội Trung Quốc sẽ sẵn sàng phản công nếu tàu chiến của Mỹ tập trận gần những đảo mà Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền.
Gọi Mỹ và Nhật là ‘hổ giấy” và “hoạn quan”, Hoàn Cầu bực bội nêu rõ Mỹ đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với phán quyết chống lại Trung Quốc được đưa ra bởi Tòa Trọng tài Thường trực The Hague ngày 12/7 vừa qua.
Trong bài xã luận “Mỹ- hổ giấy trên Biển Đông”, bài báo viết: “Ngày càng nhiều các chính trị gia và các nhà dân biểu từ Thượng viện và Hạ viện bình luận gay gắt, đòi hỏi thách thức thường xuyên đối với tuyên bố hàng hải của Trung Quốc thông qua những cuộc tuần tra trên không và trên biển. Lập trường của Nhật Bản cũng giống như Mỹ, như thể họ đã thảo luận trước khi đưa ra tuyên bố.” Ngược lại, thái độ của Philippines , nước đệ đơn phản đối Trung Quốc tại tòa án, lại tương đối mềm mỏng vì nước này kêu gọi các bên kiềm chế.
Tờ Hoàn Cầu là một trong những ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo, vốn nổi tiếng với những bài viết về chủ nghĩa dân tộc. “Một câu ngạn ngữ cổ của Trung Quốc là “Hoàng đế không lo lắng, nhưng thái giám lại lo”, có nghĩa là người ngoài lại hay lo lắng hơn kẻ trong cuộc. Trong trường hợp này, Mỹ và Nhật là những kẻ đang lo lắng”, tờ báo mỉa mai.
“Chúng ta không mong bất kỳ cuộc đối đầu trực tiếp hay cuộc đụng độ quân sự nào. Nhưng nếu Mỹ cứ khăng khăng làm như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ nao núng”, Hoàn Cầu răn đe.
Tờ báo cũng cho hay rất nhiều học giả Trung Quốc tin rằng sau bản phán quyết cuối cùng, vấn đề sẽ dần hạ nhiệt. Nếu không có những động thái mạnh từ phía Philippines, Mỹ hay Nhật Bản, vụ kiện sẽ chẳng có ý nghĩa gì ngoài “một đống giấy vụn”.
Bài xã luận với giọng điệu hết sức gay gắt trên được xuất bản khi Trung Quốc đang khăng khăng khẳng định rằng nước này sẽ không tuân theo phán quyết vì nó đã bác bỏ những tuyên bố về cái gọi là "chủ quyền dựa trên cơ sở quyền lịch sử" của Trung Quốc trên Biển Đông.
Sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ngày 12/7, phóng viên một hãng truyền hình Philippines, cùng tàu cá nước này tìm cách tiếp cận bãi cạn Scarbourough, nhưng đã bị hải cảnh Trung Quốc ngăn chặn.
Theo AP, ngày 14/7, một chiếc tàu đánh cá chở các phóng viên của kênh truyền hình Philippines ABS-CBN tới khu vực này, thoạt tiên bị một tàu cá Trung Quốc ngăn cản, tiếp theo đó, tuần duyên Trung Quốc xuất hiện buộc tàu phải đổi hướng.
Theo phán quyết của Tòa Trọng tài, các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã hành xử trái phép khi cản đường các tàu Philippines tại khu vực này. Scarbourough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.000 km. Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát địa điểm này từ năm 2012.
Ngay sau sự cố nói trên, ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay một lần nữa kêu gọi các bên liên quan trong hồ sơ Biển Đông kiềm chế. Theo ông, chính sách của Philippines là tìm ra một giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông, và tiếp tục nỗ lực làm giảm các căng thẳng trong khu vực.
Trong khi đó, tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte theo đuổi cách tiếp cận tiếp tục đối thoại với Trung Quốc. Ngày 14/7, tổng thống Duterte một lần nữa nhấn mạnh: «Chiến tranh không phải là một giải pháp». Ông Duerte chính thức đề nghị cựu tổng thống Fidel Ramos, 88 tuổi, đứng đầu phái đoàn tới Trung Quốc đàm phán về Biển Đông, trên cơ sở phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực.