Wei Xianhui, một nông dân trồng hoa ở Hoa Đô, Quảng Châu, Trung Quốc là một trong số những người nhanh chóng tiếp cận với chương trình mới của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn.
“Tôi nghe nói chính phủ đang hỗ trợ chúng tôi bán sản phẩm trên mạng và tổ chức các khóa huấn luyện cho chúng tôi, bởi vậy tôi đến xem sao” – ông nói với tờ Nhân dân Nhật báo.
Trong nhiều ngày đầu tháng 3, một hoạt động được quảng bá rộng rãi trên mạng đã được tổ chức tại Bạch Vân, Quảng Châu và Nam Hải, Phật Sơn – thành phố phía Tây Quảng Châu – nhằm thúc đẩy doanh số bán sản phẩm của các hộ trang trại trồng hoa địa phương. Sự kiện này nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của các nông hộ như ông Wei.
Trong năm 2020, chính quá trình chuyển đổi số ở Trung Quốc đã giúp chính quyền nước này kiểm soát một cách hiệu quả đại dịch COVID-19, nhanh chóng nối lại hoạt động sản xuất, đảm bảo cuộc sống của người dân nói chung và người nông dân nói riêng.
Một nông dân ở tỉnh Hồ Bắc đang livestream giưới thiệu sản phẩm trà (Ảnh: People's Daily) |
Ví dụ, dứa được thu hoạch ở vùng Từ Văn, Quảng Đông đã được bán sang nhiều địa điểm trong nước và nước ngoài nhờ vào chiến lược tiếp thị trực tuyến. Lãnh đạo ở nhiều địa phương trên khắp Trung Quốc cũng tích cực tham gia livestream trên các nền tảng thương mại trực tuyến để tiếp thị cho các nông sản và sản phẩm văn hóa địa phương mình.
Thêm vào đó, việc thúc đẩy bán sản phẩm trực tuyến ở Hoa Đô cũng là biện pháp hữu hiệu giúp người nông dân tiếp cận và nắm được công nghệ số. Đối với chính quyền Trung Quốc, chuyển đổi số chính là nguồn lực giá trị cần được kích hoạt để tạo nên sức sống cho vùng nông thôn.
Tại làng Hongguang ở vùng nông thôn thuộc tỉnh Quảng Đông, nhiều bộ cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm và chất lượng đất đã được lắp đặt trên các thửa ruộng trồng lúa, rau và vườn cây ăn quả. Một khi phát hiện dữ liệu bất thường, hoặc camera ghi lại được các loại côn trùng có hại, hệ thống tưới tiêu sẽ được kích hoạt, trong khi máy bay không người lái (drone) cỡ nhỏ sẽ được triển khai tới các khu vực có côn trùng hại để xịt thuốc.
Lúa, rau và hoa quả thu hoạch được sẽ trực tiếp được chuyển lên kệ hàng ở các nền tảng thương mại trực tuyến. Trước khi đặt lệnh mua, khách hàng không chỉ xem được thông tin về sản phẩm nhờ livestream, mà còn có thể xem các đoạn clip về quá trình tăng trưởng của chúng. Mỗi sản phẩm đều có gắn mã QR để khách hàng kiểm tra nguồn gốc, chủng loại và báo cáo kiểm tra của các mặt hàng.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp và thông tin hóa vùng nông thôn Trung Quốc không đơn giả chỉ là chuyển các sản phẩm tiêu dùng tới nhiều nơi, hay bán sản phẩm nhờ tiếp thị. Nó còn mang ý nghĩa làm thay đổi hoạt động sản xuất nông nghiệp và lối sống ở vùng nông thôn nhờ vào công nghệ số và thông tin.
Ngoài những vùng đất canh tác chất lượng cao, được cung cấp hệ thống tưới tiêu hiện đại, những người nông dân được đào tạo chuyên nghiệp…cơ sở hạ tầng số và các ứng dụng đa liên kết cũng là những yếu tố quan trọng trong sản xuất. Nhờ áp dụng chuyển đổi số, các vùng nông thôn ở Trung Quốc đang chuyển mình nhanh chóng, hoạt động sản xuất nông nghiệp được phát triển, cuộc sống của người nông dân được cải thiện rõ rệt.