Ông Hoàng Nguyên Vân – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS.
Ông Hoàng Nguyên Vân – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS.

E-magazine Nhận thức lãnh đạo quyết định thành bại của quá trình chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhận định trên được ông Hoàng Nguyên Vân – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS - trao đổi với VietTimes bên lề Lễ phát động Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021. 

Ông Hoàng Nguyên Vân nói rằng người lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Họ phải là người hiểu biết, truyền cảm hứng cũng như thúc đẩy cho toàn bộ tổ chức, doanh nghiệp thực thi chuyển đổi số theo kế hoạch và đúng lộ trình đã vạch ra.. Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ về tầm nhìn, quan điểm của một doanh nghiệp công nghệ trước xu thế chuyển đổi số trong thời đại mới.

PV: Trong những năm gần đây, Việt Nam rất chú trọng việc xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số tại các tổ chức, doanh nghiệp. Cá nhân ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của chuyển đổi số cho các doanh nghiệp hiện nay?

ông Hoàng Nguyên Vân: Tôi cũng đã kinh qua những giai đoạn Việt Nam phát triển công nghệ, từ giai đoạn tin học hóa đến giai đoạn triển khai Chính phủ điện tử trong vòng 10 năm gần đây. Năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rằng, chuyển đổi số là vấn đề quốc gia, vấn đề cấp bách, là cơ hội đặc biệt hiếm có của cả dân tộc.

Cá nhân tôi đánh giá, bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp, chuyển đổi số trong giai đoạn này là một kỳ vọng để thay đổi đột biến, đem lại nhiều giá trị tốt hơn. Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số chắc chắn sẽ thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, gia tăng hiệu quả sản xuất, kết nối hệ sinh thái không chỉ ở quốc gia mà còn trên thế giới. Với các công ty cung cấp dịch vụ, giải pháp, nền tảng, công nghệ số, đây cũng là cơ hội đặc biệt để vươn ra toàn cầu. Việt Nam có nhiều nhân lực giỏi, đặc biệt là trong lĩnh vực toán học và tư duy logic. Nếu chúng ta nắm bắt được cơ hội này, không chỉ cộng đồng doanh nghiệp nói chung mà các doanh nghiệp số nói riêng sẽ có thành quả thực tiễn và vươn ra toàn cầu.

Video ông Hoàng Nguyên Vân trả lời phỏng vấn VietTimes về Chuyển đổi số

PV: Có ý kiến cho rằng, chuyển đổi số là chuyển hình thức vận hành từ giấy tờ, văn bản giấy sang thành file trên máy tính. Là một doanh nghiệp cung cấp các nền tảng chuyển đổi số, theo ông điều này có đúng không?

ông Hoàng Nguyên Vân: Nếu nói chuyển đổi số là quá trình số hóa những quy trình nghiệp vụ thành quy trình số, khái niệm đó đã có từ khá lâu, từ giai đoạn tin học hóa. Theo tôi, khái niệm chuyển đổi số phải mang tính khác biệt và đột phá hơn. Đó là thay đổi về quy trình kinh doanh, cách thức hoạt động, mô hình quản trị và văn hóa doanh nghiệp. Sự thay đổi tổng thể sẽ đem lại nhiều giá trị hơn so với mô hình cũ. Nếu giữ lại những bài toán kinh doanh cũ thì sẽ không đem lại những giá trị to lớn.

Chuyển đổi số là cả một quá trình và lộ trình. Đích đến cuối cùng vẫn là đảm bảo thay đổi mô hình hoạt động, sản xuất kinh doanh, ứng dụng các công nghệ số, tự động hóa. Trong lộ trình đó, giai đoạn đầu chúng tôi thường tư vấn cho doanh nghiệp số hóa ngay những quy trình nghiệp vụ để đảm bảo tiết kiệm thời gian, chi phí.

PV: Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp chuyển đổi số không thành công và bị tụt hậu. Theo ông, yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công là gì?

Ông Hoàng Nguyên Vân: Chuyển đổi số muốn thành công được phải xác định mục tiêu và đích đến rõ ràng. Sau đó, chúng ta phải có lộ trình, có thể xây dựng trong vòng 5 năm, 10 năm. Để thực hiện được, phải có kế hoạch dẫn dắt chuyển đổi số thành công. Đặc biệt, người lãnh đạo đóng vai trò rất quan trọng, phải là người hiểu biết, truyền cảm hứng cũng như thúc đẩy cho toàn bộ tổ chức thực thi chuyển đổi số theo kế hoạch và đúng lộ trình đã vạch ra.

Tôi cho rằng, đa số doanh nghiệp mặc dù có rất nhiều giải pháp nhưng thất bại vì lãnh đạo không xác định được bài toán mang tính cốt lõi. Thay đổi nhận thức là điều khó nhất, vì vậy tôi nghĩ nếu lãnh đạo không nhận thức được thì sẽ mang lại thất bại cho tổ chức và doanh nghiệp.

PV: Được biết, SAVIS đã tham gia và có sản phẩm đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020. Xin ông đánh giá về tầm quan trọng và uy tín của Giải thưởng. Theo ông, Giải thưởng có ảnh hưởng như thế nào về tầm nhìn và sự phát triển các sản phẩm của SAVIS trong thời gian tới?

Ông Hoàng Nguyên Vân: Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam của Hội Truyền thông số Việt Nam là một cuộc thi rất uy tín, quy tụ đông đảo các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội. Thời gian tới, tôi mong chương trình ngày càng mở rộng quy mô, để lan tỏa tinh thần chuyển đổi số không chỉ trong quốc gia mà còn vươn tầm khu vực.

Năm nay, chúng tôi tiếp tục tham gia Giải thưởng với những sản phẩm mang tính đột phá. Chúng tôi thường tập trung vào giải pháp dựa trên nền tảng, ứng dụng công nghệ cho các tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, chúng tôi quyết từ khâu số hóa, tự động hóa quy trình cũng như ký số, ký điện tử nhằm đảm bảo tính pháp lý của Việt Nam và quốc tế. Chúng tôi đặt ra mục tiêu cao, tiến đến quy trình lưu trữ các hồ sơ điện tử lâu dài.

Hiện tại, chúng tôi có tham vọng xây dựng nền tảng định danh số, xác thực số, giao dịch điện tử online, lưu trữ số, với đích đến là giúp quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp diễn ra nhanh hơn.

Video ông Hoàng Nguyên Vân nhận xét về Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021

PV: Trong những năm vừa qua, Nhà nước đã có những chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số. Theo ông, nhà nước có cần thêm những chính sách gì để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa?

Ông Hoàng Nguyên Vân: Tôi thấy hành lang pháp lý và pháp luật của các nước phát triển như châu Âu, Mỹ đã đi rất xa so với Việt Nam. Quá trình chuyển đổi số còn rất nhiều vướng mắc, đặc biệt là lĩnh vực pháp luật và điều chỉnh pháp luật như Luật giao dịch điện tử. Cá nhân tôi đánh giá, Luật giao dịch điện tử là “xương sống”, nền tảng của chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực “nóng” nhất hiện nay – ngành tài chính ngân hàng. Luật Giao dịch điện tử Việt Nam nếu không thay đổi nhanh thì Việt Nam sẽ phát triển chậm và mất cơ hội khá nhiều so với các nước trên thế giới. Tiếp đến, chúng tôi cũng mong rằng Việt Nam sẽ xây dựng những thể chế hành lang, thay đổi pháp luật kịp thời trong quá trình chuyển đổi số và lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, nên có những khung pháp lý để các doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm.

PV: Xin cảm ơn ông!