|
Theo Cục thống kê Trung Quốc, tăng trưởng cả năm đã bị kéo tụt khi trong quý IV, GDP nước này tăng 7,3% - chậm nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính. Dù vậy, giới chức Trung Quốc cho biết sẽ vẫn chấp nhận số liệu thấp hơn không đáng kể so với mục tiêu 7,5%. Tháng 3 tới, Chính phủ nước này sẽ công bố mục tiêu chính thức cho năm 2015.
GDP Trung Quốc là thước đo toàn diện nhất về nền kinh tế nước này. Đây là số liệu quan trọng cần theo dõi, khi giới chức nước này đang cải tổ cấu trúc đề chuyển hướng tăng trưởng sang dựa vào tiêu dùng.
Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm, gia nhập hàng ngũ những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thu nhập người dân nước này cũng được cải thiện, CNN cho biết.
Nhưng hiện nay, tốc độ đó đã chậm lại. Trung Quốc chỉ ghi nhận mức tăng GDP 7,7% năm 2012 và 2013, giảm đáng kể so với 9,3% năm 2011 và 10,5% năm 2010. Bên cạnh đó, nước này vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ trong dài hạn, như nợ Chính phủ và doanh nghiệp gia tăng, còn bất động sản lại suy yếu.
Trước nguy cơ suy giảm kéo dài, tháng 11 năm ngoái, nước này đã phải cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong 2 năm. Chính phủ cũng phải triển khai hàng loạt biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, như tăng đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và cố gắng thúc đẩy thị trường bất động sản đang suy giảm.
Các chuyên gia cho rằng, giá dầu toàn cầu lao dốc sẽ thúc đẩy nhẹ kinh tế Trung Quốc. Chi phí với người dân và doanh nghiệp sẽ giảm xuống. Còn Chính phủ sẽ có nhiều cơ hội thực hiện cải cách.
Nhu cầu từ Mỹ phục hồi cũng hỗ trợ phần nào tăng trưởng cho Trung Quốc. "Thị trường nên thở phào vì nền kinh tế bước vào năm 2015 trong trạng thái tốt hơn dự đoán. Số liệu này cho thấy nhu cầu tung thêm kích thích đã giảm bớt, nhưng họ vẫn có thể nới lỏng vì rủi ro suy giảm chưa hoàn toàn bị xóa bỏ", Dariusz Kowalczyk – nhà phân tích tại Credit Agricole cho biết. Theo Vnexpress