Mạng lưới gồm 600 triệu camera được thiết kế mà theo Trung Quốc gọi là "để bảo vệ tài sản" của nước này trên Mặt Trăng và giám sát các du khách nước ngoài đến Mặt Trăng. Hệ thống quan sát Mặt Trăng này được lấy cảm hứng từ một dự án trên mặt đất hiện có ở Trung Quốc, còn được gọi là “Skynet” (Thiên Võng) và được coi là mạng lưới giám sát video lớn nhất thế giới. Skynet có số lượng camera giám sát nhiều gấp đôi ở Mỹ, cứ hai người dân Trung Quốc trưởng thành thì có một camera, bao phủ toàn bộ đất nước và cung cấp khả năng giám sát toàn diện trên toàn quốc.
Trung tâm Nghiên cứu Mặt Trăng và Công nghệ Vũ trụ của Cục Không gian Quốc gia Trung Quốc (China National Space Administration, CNSA) dẫn đầu chương trình thám hiểm Mặt Trăng với sự cộng tác của các cơ quan và tổ chức khoa học hàng đầu khác. Dựa trên sự thành công của dự án Skynet trên mặt đất, họ có kế hoạch xây dựng và vận hành hệ thống giám sát quang học cho các trạm nghiên cứu Mặt Trăng trong tương lai của Trung Quốc. Trung Quốc đặt mục tiêu thiết lập căn cứ đầu tiên của họ trên bề mặt Mặt Trăng vào năm 2028.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post, SCMP) đưa tin, mạng lưới Skynet Mặt Trăng theo kế hoạch sẽ bao gồm các camera giám sát hiệu suất cao được trang bị chip trí tuệ nhân tạo. Chỉ nặng 100 gram mỗi chiếc, những chiếc camera nhỏ này có khả năng nhận biết, theo dõi và nhắm mục tiêu vào các vật thể là đối tượng đáng ngờ. Nếu phát hiện ra tình hình bất thường, hệ thống sẽ ngay lập tức phát cảnh báo và đưa ra các biện pháp ứng phó thích hợp.
Trạm nghiên cứu Mặt Trăng theo kế hoạch của Trung Quốc sẽ có các thiết bị chính, bao gồm trung tâm chỉ huy, nhà máy điện, trung tâm thông tin liên lạc và phòng thí nghiệm khoa học. Ngoài ra, nó sẽ có một đội robot và vệ tinh để viễn thám, dẫn đường và liên lạc.
Một hệ thống giám sát đáng tin cậy được coi là rất quan trọng để đảm bảo sự ổn định và an toàn lâu dài của trạm Mặt Trăng. Các khu vực quan trọng thậm chí có thể cần phải giám sát 360 độ liên tục. Ngoài ra, hệ thống này sẽ cung cấp chương trình truyền hình trực tiếp nhiều camera độ phân giải cao về các sự kiện quan trọng như tàu vũ trụ đến và rời khỏi Mặt Trăng.
Ngoài cái tên Skynet gây tranh cãi, các nhà phê bình còn quan ngại về vi phạm quyền riêng tư, mặc dù những người ủng hộ cho rằng việc triển khai Skynet đã giúp Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới. Ngoài ra, việc thiếu khung pháp lý để quản lý các cuộc xung đột tiềm ẩn giữa các căn cứ của các quốc gia trên Mặt Trăng làm gia tăng mối lo ngại về hợp tác quốc tế và hòa bình trong thám hiểm không gian.
Tuy nhiên, việc đưa Skynet lên Mặt Trăng đối mặt rất nhiều thách thức. Các camera giám sát trên Mặt Trăng phải chịu được các điều kiện không gian khắc nghiệt, bao gồm bức xạ hạt năng lượng cao và sự thay đổi nhiệt độ cực đoan. Ngoài ra, chúng cần phải tự chủ vận hành trong tình huống không mất liên lạc với Trái đất.
Chính phủ Trung Quốc đang hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu để giải quyết những thách thức này. Các nhà sản xuất điện thoại thông minh và những gã khổng lồ công nghệ khác dự kiến sẽ chia sẻ kiến thức chuyên môn trong việc phát triển ống kính, công nghệ chip, vật liệu bảo vệ và thuật toán trí tuệ nhân tạo.
Ngoài ra, tham vọng đổ bộ lên Mặt Trăng của Trung Quốc cũng trùng khớp với tham vọng của Hoa Kỳ và cả hai nước đều có kế hoạch thành lập các căn cứ quốc tế ở cực nam Mặt Trăng. Vì vậy, người ta vẫn lo ngại về những xung đột tiềm ẩn và khung pháp lý để quản lý các hoạt động trên Mặt Trăng.
(Theo Root-nation)