Trung Quốc sẽ có 3 phương án máy bay ném bom tầm xa mới

VietTimes -- Trung Quốc có 3 phương án phát triển máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới, có thể nhấn mạnh tính năng tàng hình hoặc siêu âm, hoặc cả hai, nhưng phát triển phiên bản Tu-160 khả thi hơn.
Máy bay ném bom chiến lược H-6K Trung Quốc. Ảnh: Sina
Máy bay ném bom chiến lược H-6K Trung Quốc. Ảnh: Sina

Tờ Want Daily Đài Loan ngày 8/10 cho rằng hiện nay dư luận quốc tế đang quan tâm đến phát biểu công khai gần đây của Tư lệnh Không quân Trung Quốc, Thượng tướng Mã Hiểu Thiên. Ông Mã cho biết Trung Quốc đang phát triển máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới.

Chuyên gia Không quân Trung Quốc Phó Tiền Tiêu cho rằng máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới Trung Quốc sẽ trang bị 4 động cơ WS-10. Căn cứ vào yêu cầu khác nhau về tính năng, sẽ có 3 loại phương án công nghệ ném bom thế hệ mới.

Phó Tiền Tiêu cho rằng từ tình hình dự trữ công nghệ tổng hợp hiện nay của Trung Quốc để phân tích, máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới của Trung Quốc có thể áp dụng phương án 4 động cơ.

Ở đây, động cơ rất có thể là WS-10 được sử dụng trên máy bay chiến đấu hiện nay. Loại động cơ này cũng có 2 phiên bản - mang theo và không mang theo buồng đốt sau. Căn cứ vào yêu cầu tính năng khác nhau, có thể sẽ sản xuất theo 3 phương án công nghệ:

Phương án thứ nhất là nhấn mạnh tính năng tàng hình, nhưng không nhấn mạnh đột phá phòng không siêu âm. Phương án này sử dụng động cơ WS-10 không mang theo buồng đốt sau.

Máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 của Không quân Mỹ (ảnh tư liệu)
Máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 của Không quân Mỹ (ảnh tư liệu)

Phương án thứ hai nhấn mạnh tính năng đột phá phòng không siêu âm, đó chính là lựa chọn sử dụng phiên bản WS-10 có buồng đốt sau.

Phương án thứ ba là vừa yêu cầu tính năng tàng hình vừa nhấn mạnh đột phá phòng không siêu âm. Với phương án có tính toàn diện này, Trung Quốc cũng không phải không có khả năng thực hiện, bởi vì họ đã có dự trữ công nghệ.

Hiện nay, trên thế giới chỉ có Mỹ và Nga có máy bay ném bom chiến lược tầm xa. Mỹ có B-52, B-1B và B-2; còn Nga cón Tu-160, Tu-95. Mặc dù dư luận cho rằng máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc thuộc máy bay ném bom chiến lược tầm xa, thông qua đổi mới các hệ thống như động cơ mới và điện tử hàng không, hành trình đã có thể lên tới 8.000 - 9.000 km.

Nhưng chuyên gia quân sự Trung Quốc Phó Tiền Tiêu cho rằng hành trình của máy bay ném bom tầm trung từ 6.000 km trở lên; trong khi đó hành trình của máy bay ném bom tầm xa phải gấp đôi, đạt khoảng 12.000 km, lượng tải đạn tầm xa có thể lên tới 20 - 30 tấn.

Phó Tiền Tiêu cho rằng, chương trình máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới chắc chắn đã được đưa ra và bắt đầu nghiên cứu phát triển, áp dụng phương án nào sẽ tùy thuộc vào sự tính toán của quân đội.

Độ khó lớn nhất là phương án kết hợp cả tính năng tàng hình và siêu âm, nhưng chỉ cần máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới Trung Quốc ra đời sẽ có thể rút ngắn khoảng cách với các cường quốc quân sự trên thế giới, thậm chí có thể giành được ưu thế đi sau về một số tính năng.

Dù sao máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới nhất hiện có B-2 của Mỹ được nghiên cứu phát triển đã nhiều năm.

Máy bay ném bom chiến lược siêu âm Tu-160 Nga (ảnh tư liệu)
Máy bay ném bom chiến lược siêu âm Tu-160 Nga (ảnh tư liệu)

Nhưng, chuyên gia hàng không Trung Quốc Vương Á Nam trước đó từng cho rằng Trung Quốc cần phát triển một loại máy bay ném bom chiến lược siêu thanh cánh cố định như Tu-160 của Nga.

Còn nếu phát triển máy bay ném bom như B-2 của Mỹ thì sẽ là một thách thức đối với Trung Quốc cả về công nghệ và kinh tế.