|
Rà phá mìn với dụng ý khác?
Sau nhiều năm, Trung Quốc lại một lần nữa đưa ra quyết định rà phá mìn và các loại vật liệu nổ còn sót lại từ các cuộc xung đột trong khoảng thời gian từ 1979 tới 1989 giữa Trung Quốc và Việt Nam. Dù không thể xác định định được tổng số cũng như các loại vật liệu nổ cụ thể, nhưng ước tính có khoảng gần hai triệu quả mìn còn sót lại trên biên giới Trung - Việt.
Theo nguồn tin của chính phủ Trung Quốc, theo sự phê chuẩn của Quốc vụ viện, Quân ủy Trung ương, phía Trung Quốc sẽ tiến hành tác nghiệp phá mìn ở khu vực dọc biên giới Việt- Trung. Hiện nay, cục diện biển Đông khiến Trung Quốc cảm thấy khá lo ngại, mối tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng nằm trong số đó. Trong bối cảnh này, dường như hành động rà phá mìn của Trung Quốc có dụng ý khác.
Theo nguồn tin, công tác chuẩn bị cho hoạt động rà phá mình được khởi động từ đầu tháng 8 năm nay, hiện đang được triển khai theo đúng kế hoạch. Lần rà phá mìn này được tiến hành ở 3 thành phố thuộc khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây) và 13 huyện biên giới thuộc tỉnh Vân Nam. Quân khu Quảng Châu, quân khu Thành Đô sẽ phối hợp với ủy ban nhân dân khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây và tỉnh Vân Nam tổ chức, dự kiến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành.
Lần rà phá mìn này được tiến hành trong rừng nhiệt đới, nhiều đồi núi hiểm trở, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, độ khó lớn và độ nguy hiểm cao. Quân khu Thành Đô và quân khu Quảng Châu sẽ cử ra những quân nhân giàu kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ rà phá mìn, trong số họ có rất nhiều người đã từng tham gia các chiến dịch gỡ mìn của Liên hợp quốc.
Cục diện biển Đông leo thang
Ở giai đoạn tác nghiệp rà phá mìn, chính quyền địa phương Trung Quốc sẽ dựa vào chức trách để phân công, thông báo với người dân sống ở khu vực được rà phá mìn vào thời điểm thích hợp, giúp người dân làm tốt công tác phòng hộ an toàn. Công tác rà phá mìn sẽ áp dụng biện pháp bảo vệ nguồn nước và môi trường sinh thái ở khu vực biên giới một cách hiệu quả, không ảnh hưởng lớn đến hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương. Trong thời gian này, nếu phải triển khai hoạt động phá mìn ở khu vực giáp ranh biên giới, phía Trung Quốc sẽ dựa vào những quy định có liên quan giữa quân đội hai nước để thông báo với phía Việt Nam.
Tờ Đa chiều cho biết, từ thập kỷ 1990 trở lại đây, Trung Quốc đã từng tổ chức hai đợt rà phá mìn trên quy mô lớn dọc biên giới Trung - Việt: Đợt thứ nhất là từ năm 1992 đến năm 1994, đợt thứ hai từ 1997 đến 1999. Ngoài ra, hai nước cũng đã hợp tác tổ chức chiến dịch rà phá mìn dọc khu vực biên giới trên quy mô khá nhỏ.
Trang Xinhuanet chỉ ra rằng, hoạt động tác nghiệp rà phá mìn này sẽ phát huy vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân ở khu vực biên giới, thúc đẩy sự ổn định và phồn vinh an ninh khu vực biên giới hai nước phát triển.
Tờ Đa chiều đã điểm lại cục diện biển Đông thời gian qua. Trong vấn đề biển Đông, Trung Quốc đang tiếp tục thúc đẩy từng bước theo kế hoạch của nước này, những động thái của Trung Quốc khiến dư luận toàn cầu nóng lên. Báo chí phương Tây chỉ ra rằng, Trung Quốc tuyên bố quyền sở hữu với hầu hết khu vực trên biển Đông, khu vực này có trữ lượng dầu mỏ và khí thiên nhiên phong phú. Các quốc gia như Việt Nam, Bruney, Malaysia, Philippines... cũng tuyên bố quyền sở hữu đối với biển Đông, khiến biển Đông trở thành một trong điểm nóng có xung đột lớn nhất ở châu Á.
Đa Chiều nhấn mạnh, vài năm trở lại đây, hàng loạt hành động của Trung Quốc tại biển Đông, bao gồm lắp đặt giàn khoan, lấp biển, xây dựng đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ của các nước láng giềng, các bên có liên quan liên tục thể hiện xu hướng bắt tay nhau để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Với vai trò là một trong những quốc gia có quyền sở hữu trên biển Đông, vài năm gần đây, công cuộc hiện đại hóa quân đội Việt Nam đã trở thành tiêu điểm thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Ngày 30-8, trang quốc phòng Defense News của Mỹ ngày 30-8 đã đăng tải bài viết có tựa đề "Quân đội Việt Nam thúc đẩy hiện đại hóa để đối phó với những thách thức từ Trung Quốc".
Bài viết đã giới thiệu khái quát sự hiện đại hóa của quân đội Việt Nam, đồng thời còn khích lệ Mỹ và châu Âu nên tích cực tham gia vào thị trường phòng thủ của Việt nam để tăng cường năng lực phối hợp tác chiến giữa Việt Nam và các nước đồng minh của Mỹ.
Ngoài ra, hội nghị APEC sẽ tổ chức tại thủ đô Manila của Philippines từ ngày 13/11 đến ngày 19/11, dự đoán vấn đề biển Đông sẽ là một trong những chủ đề không thể né tránh. Hình ảnh cuộc diễu binh ngày 3-9 “giương oai múa võ” đánh dấu 70 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai của Trung Quốc vẫn đang để lại nhiều tranh cãi, cộng với “học thuyết mối đe dọa Trung Quốc” đang được một số quốc gia có liên quan cực lực lên án trong thời gian vừa qua, phải chăng hành động vừa tuyên bố cắt giảm 300.000 quân nhân, vừa rà phá mìn của Bắc Kinh có ý giảm bớt sự cảnh giác của bên ngoài đối với Trung Quốc?