|
Hoạt động trên boong cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ |
Căng thẳng bùng lên tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương chỉ vài tuần trước phán quyết quan trọng của tòa án quốc tế về yêu sách chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Căng thẳng có thể gia tăng hơn nữa do mục tiêu tối thượng của lãnh đạo Trung Quốc là xây dựng quân đội đủ hùng mạnh để bác bỏ quyền tự do lưu thông và dần dần buộc tất cả các nước tuyên bố chủ quyền khác phải bật khỏi Biển Đông...
Theo South China Morning Post, các bên liên quan đang gia tăng khẩu chiến sôi sục. Bắc Kinh đòi chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông, sa vào tranh chấp với các nước Đông Nam Á. Philippines muốn tòa án quốc tế tuyến bố yêu sách của Bắc Kinh phải tuân thủ Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc mà cả Philippines và Trung Quốc đều là thành viên.
Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện tại tòa án trọng tài thường trực quốc tế tại The Hague và tuyên bố rằng sẽ không chấp nhận phán quyết của tòa dự kiến sẽ được công bố cuối tháng này hoặc trong tháng 6 tới.
Washington đã thể hiện sự kiên quyết duy trì tự do hàng hải trên tuyến đường gia thương quốc tế và tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố Mỹ sẽ buộc Trung Quốc phải trả giá nếu Bắc Kinh chọn các chống lại các luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế mà không xem xét lại.
Trung Quốc lo bất lợi nên đã ráo riết tăng cường vận đông ủng hộ quốc tế. Bắc Kinh khoe có hơn chục nước tại châu Á, châu Âu và châu Phi ít nhất ủng hộ phần nào lý lẽ của Trung Quốc rằng các tranh chấp lãnh thổ chỉ nên giải quyết giữa các nước trực tiếp liên quan, không liên quan tới các bên không tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh dẫn ra danh sách gồm Nga, Ấn Độ, Ba Lan, Sudan, Pakistan, Belarus và cả một bên tuyên bố chủ quyền là Brunei.
Âu Dương Ngọc Tĩnh, lãnh đạo Cục Biên giới và Đại dương thuộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngang nhiên cho rằng thủ tục do Tòa trọng tài thường trực tiến hành là một «trò hề chính trị» và là một mưu đồ nhằm «phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc» tại Biển Đông.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc vụ kiện do Mỹ giật dây nhằm đổ thêm dầu vào tâm lý bài Trung và kiềm chế Trung Quốc. “Vấn đề Biển Đông chỉ là một cái cớ để Mỹ can thiệp vào các công việc của khu vực và khuấy động căng thẳng để cô lập Trung Quốc”, tờ Nhân dân Nhật báo đăng bài bình luận. hôm 12/5.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào trước phán quyết của tòa án quốc tế, một phán quyết được dự báo sẽ có lợi cho Manila cũng sẽ như một cú đánh giáng vào chiến lược yêu sách chủ quyền lãnh thổ phi lý của Trung Quốc ở khu vực và tạo ra tiền lệ cho các bên tuyên bố chủ quyền khác khởi kiện Trung Quốc, theo các nhà phân tích.
TS Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ cho rằng nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành sự ủng hộ quốc tế đã không thành công, thậm chí kể cả Bắc Kinh dùng chiêu “cây gậy và củ cà rốt” kinh tế. “Bài học rút ra là các lợi ích của Trung Quốc cũng không quan trọng hơn lợi ích của các quốc gia khác. Sức mạnh không thể tạo nên sự đúng đắn. Bạn bè không thể có được thông qua hăm dọa”, Ts Glaser nói.
Theo SCMP, tranh chấp Biển Đông đã gây chia rẽ khối ASEAN. Các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Một số nhà ngoại giao ASEAN đã chỉ trích Trung Quốc tìm cách gây chia rẽ khối. TS Daniel Wei Boon Chua ở Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cảnh báo sự chia rẽ trong ASEAN.
Trong thông cáo hồi tháng trước, Bắc Kinh cho biết đã đạt được sự đồng thuận về Biển Đông với Campuchia, Lào và Brunei rằng tranh chấp nên được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên trực tiếp liên quan và vấn đề này không nên để ảnh hưởng tới quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN. Tuy nhiên, ngay lập tức phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan được tờ Phnom Penh Post trích dẫn đã bác bỏ rằng không có thỏa thuận nào cả.
Giáo sư Pang Zhongying thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng không nên phóng đại sự ủng hộ của các quốc gia trên vì ảnh hưởng của các nước này rất hạn chế và rõ ràng họ chỉ đánh đổi sự mặc nhận ngầm để nhận những lợi ích kinh tế. Thậm chí báo chí nhà nước Trung Quốc cũng lo ngại về sự lạc quan thái quá, lưu ý rằng phần lớn các “đồng minh” của Bắc Kinh “không nhất thiết phải ủng hộ yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trên toàn Biển Đông”.
Ông Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nói lâp luận về chủ quyền của Trung Quốc dựa trên yếu tố lịch sử không được ủng hộ ở các nước láng giềng và khiến Bắc Kinh không thể giành được sự ủng hộ của quốc tế. “Quan hệ với các nước láng giềng là quan trọng, nhưng chúng ta lại nhận thức rằng nếu không có sức mạnh quân sự, chúng ta sẽ không có khả năng giành chiến thắng ở Biển Đông. Đó là lý do tại sao ngày càng có những dấu hiệu rằng các nhà lãnh đạo hiện tại có vẻ ưu tiên trước hết tăng cường sức mạnh cứng trong 3 năm qua”, ông Shi nói.
Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang dùng chiêu kích động nhằm vào dư luận trong nước. Họ nhận xét nhiều chính quyền, bao gồm cả Trung Quốc thường tìm cách cổ súy tinh thần dân tộc nhằm lái sự chú ý của công chúng khỏi những vấn đề quan ngại về chính trị và kinh tế trong nước.
Cả TS Glaser và giáo sư Jerome Cohen, một chuyên gia về luật Trung Quốc ở Đại học Luật New York đều cho rằng việc Trung Quốc bác bỏ một phán quyết của hệ thống luật pháp quốc tế sẽ được xem như một kẻ bắt nạt đối với phần còn lại của thế giới. “Tất nhiên những mưu toan như vậy chỉ làm tổn hại tới cái gọi là sức mạnh mềm của Trung Quốc”, ông Cohen quả quyết.
Trong chuyến công du châu Á năm ngoái, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter đã thẳng thừng độp rằng Bắc Kinh đang hủy hoại an ninh châu Á-Thái Bình Dương. Ông Carter nói Mỹ quan ngại sâu sắc về quy mô bồi lấp, xây đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, vốn vượt xa tất các nước tuyên bố chủ quyền khác cộng lại. Với viễn cảnh đẩy nhanh quân sự hóa Biển Đông, ông chủ Lầu Năm Góc nêu rõ sẽ tăng nguy cơ tính toán sai lầm hoặc xung đột.
Theo Lầu Năm Góc, trong khi các nước khác chỉ xây dựng quy mô nhỏ ở Biển Đông và chủ yếu trước năm 2002, thì chỉ trong vòng hai năm trở lại đây Trung Quốc đã bồi lấp hơn 1.200ha. Mặc dù Bắc Kinh luôn miệng biện bạch rằng các đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự sẽ phục vụ lợi ích dân sự nhưng không ai tin và có thể lường được tham vọng của Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Obama gần đây cũng chỉ trích Trung Quốc về cách hành xử hung hăng không tuân thủ luật pháp quốc tế và cam kết sẽ hỗ trợ các nước Philippines và Việt Nam. Hưởng ứng Mỹ và EU, Ngoại trưởng Anh Hugo Swire hồi tháng trước đã cảnh báo rằng Trung Quốc nên tôn trọng phán quyết của tòa án quốc tế.
Theo các nhà quan sát, thái độ hiếu chiến của Trung Quốc khiến các nước láng giềng rõ ràng cảm thấy bị đe dọa, có thể tạo lợi thế cho Mỹ. Washinton có thể chẳng cần phải làm gì hiệu quả hơn những việc Trung Quốc đã thực hiện, để khiến các nước châu Á xích lại gần và chào đón sự can dự của Mỹ tại khu vực. Một phán quyết của tòa án quốc tế cũng sẽ tạo sự ủng hộ hợp pháp cho vị thế của Mỹ trong khu vực.
Tiếp tục thúc đẩy chính sách “xoay trục châu Á”, ông Obama đã lần đầu tiên đón tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN tại Mỹ hồi tháng 1/2016. Trong tháng này, tổng thống Mỹ sẽ thăm Việt Nam và Nhật Bản để dự Hội nghị thượng đỉnh G-7, nơi các tranh chấp lãnh thổ khu vực được trông đợi sẽ nổi bật trong chương trình nghị sự.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh có thể trả đũa phán quyết của tòa quốc tế bằng cách tăng tốc bồi lấp, xây căn cứ tại bãi cạn Scarborough chỉ nằm cách bờ biển Philippine 230km. Bắc Kinh cũng có thể tuyên bố thiết lập một vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông như đã từng làm tại biển Hoa Đông vào tháng 11/2013, trong một đợt leo thang căng thẳng với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo ông Shi, va chạm giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh khu vực có thể sẽ trở thành thực tế mới thường xuyên tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. “Căng thẳng có thể gia tăng hơn nữa do mục tiêu tối thượng của lãnh đạo Trung Quốc là xây dựng quân đội đủ hùng mạnh để bác bỏ quyền tự do lưu thông và dần dần buộc tất cả các nước tuyên bố chủ quyền khác phải bật khỏi Biển Đông”, ông Shi nhận định.