Theo Foreign Policy, ngày 12/7 vừa qua là một ngày đen tối đối với những người theo đuổi đường lối dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc. Thật vậy, Tòa Trọng tài đã quyết định bác bỏ phần lớn các yêu sách ngang ngược về lãnh thổ của Bắc Kinh đối với khu vực Biển Đông, khu vực tranh chấp và nhiều va chạm với Philippines, Việt Nam và các bên khác.
Thời điểm Tòa Trọng tài ra phán quyết rằng những yêu sách lịch sử của Trung Quốc trong khu vực này không có cơ sở pháp lý nào là vào 17 giờ ở Bắc Kinh. Chỉ vài phút sau, một làn sóng tức giận dồn dập tấn công các trang mạng xã hội Trung Quốc, một không gian rộng rãi để bày tỏ quan điểm dân tộc chủ nghĩa. Ngoại trừ đối với đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ngọn lửa mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa như vậy là một con dao hai lưỡi. Do vậy, các nhà kiểm duyệt Internet ở nước này đã nhanh chóng ngăn chặn các cuộc thảo luận vượt quá những giới hạn về tinh thần dân tộc chủ nghĩa có thể chấp nhận được.
Vài giờ sau thông báo của Tòa Trọng tài, cụm từ “Trọng tài Biển Đông” luôn đứng đầu danh sách các từ khóa được tìm kiếm trên mạng xã hội Weibo, còn trang Twitter tiếng Trung bị theo dõi chặt chẽ. Nhiều người đã đổ trách nhiệm cho Tòa Trọng tài và cho Mỹ - đối thủ lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực, và cho Philippines - nước đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài vào năm 2013. Theo một người dùng Weibo, ông Đới Bỉnh Quốc, cựu Ủy viên quốc vụ Trung Quốc, trong một phát biểu tại Washington ngày 5/7 khi tham dự một cuộc hội thảo đã đánh giá trước rằng phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ chỉ như “mớ giấy lộn đáng vứt bỏ”.
Bắc Kinh đã liên tục nhấn mạnh rằng phán quyết đó sẽ không được chấp nhận, cũng như không được thực hiện. Một người khác thì hô hào: “Hãy chiến đấu cho từng cm đất” nhằm hưởng ứng một khẩu hiểu trên mạng liên quan tới phán quyết của Tòa Trọng tài. Một người khác lại kêu gọi tẩy chay Iphone 7, có lẽ bởi vì đó là một sản phẩm của Apple - tập đoàn công nghệ của Mỹ.
Foreign Policy ghi nhận có một số ý kiến khác công kích Philippines. Tòa Trọng tài đã không ra phán quyết về vấn đề chủ quyền của các vùng lãnh thổ trên biển, mà chỉ về chủ quyền của các bãi đá ngầm và các rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), không đủ điều kiện để có được vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý. Tòa Trọng tài cũng phán quyết rằng Trung Quốc đã chặn bất hợp pháp các tàu đánh cá của Philippines ở Trường Sa. Liên quan tới mặt hàng chuối xuất khẩu quen thuộc nhất của Philippines sang thị trường Trung Quốc, một người đã viết trên Weibo rằng “những người bán chuối cứ tiếp tục bán chuối và hãy để cho cá của tôi được yên”. Lời kêu gọi này đã nhận được 35.000 lượt “like”. Một người khác đã mỉa mai viết: “Kêu khóc với Mỹ sẽ chẳng ích gì!”.
Những thảo luận liên quan tới chủ đề này còn nở rộ trên các trang mạng xã hội khác. Một bài viết có tựa đề “Cuộc chiến trên Biển Đông bắt đầu tối nay” đã được hơn 100.000 lượt xem trên ứng dụng Wechat – một ứng dụng gửi tin nhắn và trò chuyện trực tuyến trên điện thoại, và những bài viết tương tự cũng được ồ ạt đưa lên mạng. Thậm chí, Phượng Hoàng - một kênh truyền hình được yêu thích ở Bắc Kinh, có trụ sở tại Hong Kong - đã đưa lên website của họ trò chơi trực tuyến của Trung Quốc, có tên "Phiêu lưu trên Biển Đông”. Những người tham gia trò chơi trực tuyến này (các game thủ) đóng vai các ngư dân Trung Quốc bị mắc kẹt trong bão. Dù họ gặp phải hạm đội Mỹ và các cuộc tập trận răn đe của Mỹ hay bị quân đội nước ngoài được trang bị vũ khí đến tận răng bắt làm tù binh, các game thủ luôn được Trung Quốc và quân đội tinh nhuệ - với các căn cứ quân sự hoành tráng được xây dựng trên các hòn đảo nhân tạo, giải cứu, Foreign Policy cho biết.
Bên cạnh những phản ứng trước phán quyết của Tòa Trọng tài là cả một làn sóng kiểm duyệt. Không ngạc nhiên khi các nhà kiểm duyệt đã xóa bỏ tất cả các bài viết đi ngược đường lối của ĐCSTQ trên Weibo. Chẳng hạn, ngày 12/7, một bài viết đã đăng tấm áp-phích của một người biểu tình Philippines với dòng chữ "Biển Đông không thuộc Trung Quốc". Tuy nhiên, theo những thông tin từ trang mạng chống kiểm duyệt Freeweibo, hầu hết các bài viết bị xóa mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa cực đoan, chẳng hạn có những bài viết kêu gọi thực hiện các hành động quân sự chống Mỹ hay Philippines để bảo vệ danh dự của lãnh thổ Trung Quốc.
Một người dùng Weibo có bài viết bị xóa trước đó đã viết: "Chiến tranh cuối cùng rồi cũng sẽ bùng nổ trên Biển Đông. Tôi rất hồi hộp theo dõi, không tài nào ngủ được!". Hay bài viết cho rằng "phán quyết về vấn đề Biển Đông là một sự sỉ nhục đối với Trung Quốc. Tại sao cần phải chờ đợi kết quả tệ hại này cơ chứ? Với một quân đội hùng mạnh như vậy, tại sao chúng ta không chiến đấu để giành lại [những gì thuộc về chúng ta" - cũng bị xóa bỏ. Hay lời bình luận đầy màu sắc dân tộc chủ nghĩa quá khích một cách nguy hiểm kiểu như: "Chúng ta sẽ thực sự chiến đấu. Đừng để mất dù chỉ là một đoạn (trong "đường 9 đoạn" - ND), có nghĩa là cần phải giành lại những bãi đá ngầm và các đảo mà các nước khác đã chiếm giữ. Bằng cách nào? Bằng một cuộc chiến, không có lựa chọn nào khác".
"Gậy ông đập lưng ông"
Foreign Policy nhận xét, để hiểu được ý đồ kiểm duyệt của Chính quyền Bắc Kinh đối với những phát ngôn, cần phải hiểu những rủi ro trong trường hợp để chủ nghĩa dân tộc không có sự kiểm soát có thể ảnh hưởng đối với ĐCSTQ. Jessica Chen Weiss, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Cornell và là một chuyên gia về chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, giải thích: "Phản ứng của công chúng vừa là cơ hội, song cũng là một mối nguy hiểm cho chính phủ Trung Quốc. Do vậy, chính quyền nước này vừa muốn khích lệ công luận, vừa lo sợ khả năng gây mất ổn định của họ".
Bà Weiss cũng nói thêm: "Chính phủ Trung Quốc có xu hướng kiềm chế tinh thần dân tộc của người dân khi họ cần không gian để thực thi chính sách đối ngoại. Cho dù phản ứng của chính phủ Trung Quốc được nhận định là sẽ cứng rắn, song phản ứng đó ít có khả năng làm thỏa mãn các tâm lý dân tộc chủ nghĩa mang màu sắc cực đoan và hiếu chiến của một bộ phận nhân dân. Theo bà Weiss, "việc kiểm duyệt những phát ngôn quá khích là một phần của chiến lược quản lý rủi ro của Trung Quốc".
Trên phạm vi quốc gia và quốc tế, lập trường của Bắc Kinh luôn khăng khăng một mực rằng: những phần lãnh thổ nằm trong "đường 9 đoạn" đều thuộc chủ quyền của họ. Năm 2012, Trung Quốc đã thay đổi mẫu hộ chiếu có in hình bản đồ Biển Đông mà Trung Quốc coi như là lãnh thổ của mình. Năm 2014, Chính phủ Trung Quốc đã công bố bản đồ mới theo chiều dọc, trong đó Biển Đông là một phần kéo dài trực tiếp của lãnh thổ Trung Quốc, để thay thế những bản đồ theo chiều ngang trước đây mà trong đó Biển Đông chỉ được xem như là phần mở rộng của lãnh thổ nước này. Và giới truyền thông Trung Quốc đã không ngừng nhắc đi nhắc lại luận điệu sai trái rằng Trung Quốc có "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với các đảo và các bãi đá ngầm ở Biển Đông.
Theo Foreign Policy, chiến lược nói trên có lẽ nhằm mục tiêu củng cố quyết tâm của Trung Quốc, cũng như nhằm chứng tỏ cho thế giới thấy sự bền bỉ của chính quyền nước này, song rõ ràng chiến lược đó cũng cho thấy sự nguy hiểm. Nếu không có khả năng duy trì yêu sách về sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, hoặc nếu không sẵn sàng đáp ứng những lời kêu gọi có hành động cứng rắn của một bộ phận người dân, thì ĐCSTQ có nguy cơ bị xem là quá yếu kém trong việc bảo vệ các lợi ích quốc gia.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc thậm chí có thể trút sự tức giận của họ đối với ĐCSTQ. Bắc Kinh đã nhiều lần nhắc lại rằng hòa bình trong khu vực có giá trị sống còn đối với sự thịnh vượng, điều này cho thấy dù có các tuyên bố chủ quyền trên biển, thì cũng ít có khả năng Trung Quốc tuyên chiến với Philippines hay với Mỹ. Tuy nhiên, nếu sức ép về tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong một bộ phận người dân trở nên quá cấp thiết, Chính phủ Trung Quốc có thể bị thúc ép hành động liều lĩnh hơn.
Ở Trung Quốc, chủ quyền lãnh thổ là một chủ đề hết sức nóng hổi. Trong suốt thế kỷ 19, triều đại nhà Thanh đã không đẩy lùi được các cuộc tấn công của châu Âu, và buộc phải nhượng bộ một phần lãnh thổ cho Anh, Pháp và một số nước khác. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, quản lý Trung Quốc Đại lục từ năm 1912 cho đến khi bị đẩy ra đảo Đài Loan vào năm 1949, cũng đã đầu hàng các đội quân Nhật Bản trong những năm 1930.
Đối với nhiều người Trung Quốc, những ký ức về triều đại nhà Thanh và Trung Hoa Dân Quốc nhuốm cảm giác nhục nhã, và do vậy họ rất ngưỡng mộ chính phủ hiện tại vì sức mạnh và sự kiên trì của họ. Kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, ĐCSTQ đã giành được phần lớn tính hợp pháp của họ từ khả năng tránh được những xáo trộn về lãnh thổ.
Nếu như những phát ngôn quá khích không bị xóa hoàn toàn khỏi không gian mạng của Trung Quốc, thì việc kiểm duyệt các mạng xã hội được thực hiện mạnh mẽ ngay sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết nhắc chúng ta một điều: Ở Trung Quốc, ngân sách dành cho an ninh quốc gia thường lớn hơn ngân sách dành cho quốc phòng, và cho dù ở trong thời kỳ có những tranh chấp lãnh thổ gia tăng, thì đối với Bắc Kinh, kẻ thù lớn nhất luôn đến từ trong nước, Foreign Policy kết luận.