|
Từ ngày 19 - 21/7/2016, một sư đoàn không quân Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Ảnh: Tân Hoa xã/Chinanews, Trung Quốc. |
Tờ Đa Chiều của người Hoa tại Mỹ ngày 11/8 cho rằng sau phán quyết của Tòa trọng tài ở The Hague về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, gần đây khi gặp gỡ nhau ở Lào, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói với người đồng cấp Trung Quốc với thái độ "mềm" hơn và khuyến khích tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiến hành trao đổi làm dịu quan hệ với phía Trung Quốc.
Mặc dù ông John Kerry nói như vậy, nhưng Trung Quốc và Mỹ chỉ tạm thời làm dịu quan hệ. Điều này có thể nhận ra từ việc Mỹ muốn tiếp tục bảo vệ tự do đi lại và Trung Quốc tiếp tục tiến hành quân sự hóa (phi pháp) ở Biển Đông.
Bài báo cho rằng sau khi Trung Quốc và Mỹ tạm thời "đình chiến" ở Biển Đông, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội liên tiếp tung ra 6 "cú đấm", tiến hành "phản công".
Cú đấm thứ nhất: Senkaku
Sau khi quan hệ Trung-Mỹ tạm thời dịu lại ở Biển Đông, Trung Quốc tận dụng thời cơ "tung cú đấm" vào Nhật Bản - nước liên tục và tích cực can dự vào vấn đề Biển Đông.
Tối ngày 5/8, Trung Quốc bắt đầu điều 6 tàu cảnh sát biển đến đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư); sáng sớm ngày 6/8 đã tăng lên tới 9 tàu cảnh sát biển. Sau đó Nhật Bản đã 3 ngày 6 lần lên tiếng mạnh mẽ phê phán Trung Quốc.
Mỗi lần Nhật Bản lên án thì Trung Quốc lại tăng thêm 1 tàu cảnh sát biển xâm nhập vùng biển đảo Senkaku, 6 lần phản đối thì Trung Quốc đã tăng 6 tàu cảnh sát biển, cuối cùng có 15 tàu cảnh sát biển xâm nhập vùng biển đảo Senkaku.
Ngoài 15 tàu cảnh sát biển, Trung Quốc còn điều gần 400 tàu cá đến lân cận vùng biển đảo Senkaku sẵn sàng đợi lệnh. Một khi có nhu cầu thì vài nghìn "lính ngư dân" này sẽ nhanh chóng ào ạt xông tới đảo Senkaku.
Đa Chiều cho rằng đối với việc Trung Quốc "ra tay", Nhật Bản "trở tay không kịp", tỏ ra lúng túng. Nhật Bản lên tiếng phản đối không có hiệu quả, Trung Quốc càng cố tình gây sức ép. Sau đó, Nhật Bản đã dừng phản đối, chuyển sang nghiên cứu đối sách.
Nhìn vào sự ứng phó của Nhật Bản, hầu như Nhật Bản không có nhiều đối sách. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phải dựa vào Mỹ, tuyên bố muốn cùng Mỹ triển khai hành động.
Do đó, tờ Đa Chiều cho rằng Nhật Bản chỉ là "mèo giấy".Trung Quốc "tấn công" Senkaku lần này thực chất là nhằm vào Mỹ. Trung Quốc gây sức ép với Nhật Bản chính là để gây sức ép với Mỹ. Trước đây, Mỹ lôi kéo Nhật Bản gây sức ép với Trung Quốc ở Biển Đông, hiện nay Trung Quốc "tấn công" đảo Senkaku chính là đang gây sức ép với Mỹ - Đa Chiều bình luận.
Cú đấm thứ hai: Tuần tra phi pháp trên bầu trời Biển Đông
Tờ Đa Chiều cho rằng "cú đấm" thứ hai của Trung Quốc rất "quyết đoán". Trong thời gian ngắn, Trung Quốc đã liên tiếp tiến hành 2 lần tuần tra bất hợp pháp ở vùng trời quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và bãi cạn Scarborough (chiếm từ tay Philippines vào năm 2012) bằng các loại máy bay chủ lực của không quân Trung Quốc như máy bay ném bom H-6K, máy bay chiến đấu Su-30. Trong thời gian đó còn tiến hành tiếp dầu trên không cho Su-30.
Như vậy, Trung Quốc vừa tiến hành "tuần tra chiến đấu", vừa tiến hành tập trận chiến đấu thực tế, cho thấy quân đội Trung Quốc có thể triển khai "chiến đấu" bất cứ lúc nào. Điều này thể hiện Trung Quốc quyết tâm kiểm soát bằng được vùng biển, vùng trời theo yêu sách "đường chín đoạn" vô lý, phi pháp ở Biển Đông.
Trung Quốc đã ngang nhiên tạo cơ chế tuần tra chiến đấu như vậy, cộng với Trung Quốc đã xây dựng bất hợp pháp căn cứ quân sự ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, như vậy Bắc Kinh muốn có khả năng "kiểm soát" bầu trời Biển Đông.
Nước khác không còn có khả năng tự do "diễu võ dương oai" ở Biển Đông - Đa Chiều bình luận, tuyên truyền theo ý đồ của Bắc Kinh về việc Trung Quốc đã có khả năng hạn chế tự do hàng không ở Biển Đông. Đa Chiều cho rằng, các nước khác sẽ không thể ứng phó, Mỹ cũng sẽ từng bước ở vào "thế bất lợi".
Cú đấm thứ ba: Kéo Nga vào tập trận ở Biển Đông
Đa Chiều cho rằng cuộc tập trận "Liên hợp trên biển-2016" giữa Trung Quốc và Nga là một cuộc diễn tập "thường lệ". Năm 2015, Nga là bên tiếp đón, cuộc tập trận cũng tiến hành ở vùng biển "của Nga". Năm nay Trung Quốc là bên tiếp đón, cuộc tập trận cũng tổ chức ở cái mà Bắc Kinh luôn nhận xằng, nhận bậy là "vùng biển của Trung Quốc", do Trung Quốc "chỉ định".
Thời gian và địa điểm tập trận trong năm nay sẽ chủ yếu do Trung Quốc quyết định. Vì vậy, Trung Quốc đã lựa chọn tổ chức tập trận chung với Nga ở Biển Đông vào tháng 9/2016. Cuộc tập trận này có quy mô rất lớn, Trung Quốc sẽ điều rất nhiều tàu chiến và máy bay chiến đấu.
Sở dĩ Trung Quốc lựa chọn tổ chức tập trận ở Biển Đông với Nga là do trong năm qua Mỹ và đồng minh mạnh mẽ can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Trung Quốc kéo Nga vào Biển Đông là để đối phó với sức ép của các nước như Mỹ và Nhật Bản, từ đó cố kéo một chút "cân bằng chiến lược" ở Biển Đông - Đa Chiều bình luận.
Cú đấm thứ tư: Tăng cường khả năng áp đặt yêu sách phi pháp ở Biển Đông
Tờ Thời báo New York Mỹ ngày 8/8 dẫn hình ảnh vệ tinh mới nhất chụp vào tháng 7/2016 của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cho thấy Trung Quốc đã xây dựng các nhà chứa máy bay ở đá Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Vành Khăn - 3 đá ngầm này thuộc chủ quyền của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp.
CSIS còn phỏng đoán, Trung Quốc có thể sẽ thúc đẩy quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông, bởi vì những nhà chứa máy bay này đều đã đạt tiêu chuẩn quân dụng, có thể triển khai bất cứ loại máy bay quân sự nào.
Bài báo cho rằng nếu tàu sân bay Mỹ không đến Biển Đông và các nước khác không "khiêu khích" thì Trung Quốc có thể sẽ không triển khai máy bay chiến đấu. Nhưng nếu Mỹ và các nước khác tiếp tục "khiêu khích" theo cáo buộc của Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ triển khai bất hợp pháp máy bay chiến đấu để tiến hành cái gọi là "bảo vệ quyền lợi quốc gia".
Đa Chiều cho rằng, như vậy Trung Quốc "hoàn toàn không dừng hoạt động thực tế ở Biển Đông, mà là tiếp tục thúc đẩy vững chắc". Trên cơ sở đó, Trung Quốc đã có thể triển khai thường xuyên bất hợp pháp máy bay quân sự, đồng thời khi cần thiết có thể tiến hành triển khai lâm thời và tăng cường hoạt động bất hợp pháp để đối phó các nước.
Cú đấm thứ 5: Phóng vệ tinh Cao Phân-3 theo dõi Biển Đông
Sáng ngày 10/8, Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên Trung Quốc đã sử dụng tên lửa đẩy Trường Chinh-4 phóng thành công vệ tinh Cao Phân-3. Tỷ lệ phân giải của vệ tinh Cao Phân-3 là từ 1 m đến 500 m, độ rộng là từ 10 km đến 650 km.
Từ độ cao hơn 700 km so với mặt đất, vệ tinh này có thể nhìn thấy từng căn nhà của Cố Cung (Bắc Kinh, Trung Quốc), cũng có thể quan sát rõ diện mạo toàn bộ một tỉnh bất kỳ nào của Trung Quốc, việc quan sát các tàu trên biển cũng không có vấn đề. Đa Chiều coi đây là một "thiên nhãn" (mắt trời) mới của Trung Quốc.
Cú đấm thứ sáu: Vạch "giới hạn đỏ" với Mỹ
Ngày 9/8, khi đang thăm Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ trả lời phỏng vấn báo chí cho biết cuộc tập trận trên biển của Trung Quốc và Nga sắp tới "không có tính xây dựng" đối với tăng cường ổn định khu vực.
Đáp lại, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên truyền rằng Trung Quốc và Nga tập trận có lợi cho tăng cường khả năng "cùng ứng phó với mối đe dọa an ninh trên biển", đồng thời lên tiếng phê phán việc Mỹ gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông, triển khai các hành động thực thi tự do hàng hải, coi việc này đã gây "khiêu khích chính trị và quân sự" đối với Trung Quốc, rất dễ gây ra sự kiện bất ngờ, phá hoại hòa bình và ổn định khu vực".
Trung Quốc tuyên bố các hành động của Mỹ là "khiêu khích chính trị và quân sự" đối với Trung Quốc cho thấy Trung Quốc "đã vạch ra giới hạn đỏ" cho Mỹ, muốn cho Mỹ biết rằng các hành vi của quân đội Mỹ đang giẫm lên "giới hạn đỏ" của Trung Quốc và rất dễ gây ra "xung đột bất ngờ".
Đa Chiều cho rằng, giới hạn đỏ này gần xảy ra sau khi Tòa trọng tài ở The Hague đưa ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc vào ngày 12/7.
Trước ngày 12/7, có 2 tàu sân bay Hải quân Mỹ tiến hành đi lại thị uy ở Biển Đông, muốn ép Trung Quốc chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài và cho biết sau khi có kết quả phán quyết có thể sẽ đi vào vùng biển 12 hải lý các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông.
Kết quả, để chống lại các hành động của Mỹ, Trung Quốc đã cử tới 4 Thượng tướng, 3 hạm đội lớn với vài chục tàu chiến và vài chục máy bay chiến đấu đến tập trận quy mô lớn và bất hợp pháp ở Biển Đông.
Cuộc tập trận bất hợp pháp này diễn ra ở vùng biển phía đông đảo Hải Nam và vùng biển quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Cuộc tập trận này diễn ra từ ngày 5/7 và kết thúc vào ngày 11/7, trước khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết. Khi đó, các tàu chiến Trung Quốc sẵn sàng đợi lệnh để đối phó tàu sân bay Mỹ.
Đa Chiều cho rằng với 6 "cú đấm" này, Trung Quốc đã bắt đầu có dấu hiệu chuyển từ "thủ" sang "công", nhất là thể hiện khả năng muốn "kiểm soát" ở Biển Đông và "tấn công mạnh mẽ" ở vùng biển đảo Senkaku trên biển Hoa Đông. Những hành động này đều là chủ động gây sức ép với Mỹ và Nhật Bản, chứ không phải là "bị động ứng phó" như trước đây.
Trung Quốc chủ động tấn công có nghĩa là Trung Quốc có nhiều thủ đoạn đối phó hơn với Mỹ và Nhật Bản. Có được như vậy là do sức mạnh quốc gia tổng hợp của Trung Quốc đã tăng - Đa Chiều kết luận.