Trung Quốc lên giọng, Mỹ điều lực lượng khủng tới châu Á

VietTimes -- Hạm đội 3 của hải quân Mỹ sẽ điều động thêm nhiều chiến hạm tới Đông Á, mở rộng hoạt động ra ngoài phạm vi thường lệ, song song với Hạm đội 7. Một quan chức Mỹ hôm 14/6/2016 cho biết như vậy trong bối cảnh đang căng thẳng với Trung Quốc.
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ

Nhóm hành động Thái Bình Dương của Hạm đội 3, trong đó có các khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Spruance và USS Momsen đã được triển khai đến Đông Á hồi tháng 4/2016. Một viên chức Mỹ giấu tên nói rằng sẽ có thêm nhiều chiến hạm của Hạm đội 3 được điều đến khu vực này trong tương lai, thực hiện một loạt chiến dịch, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Việc các chiến hạm Mỹ tuần tra gần các đảo do Trung Quốc kiểm soát tại Biển Đông khiến Bắc Kinh tức giận, cho là hành động khiêu khích, nhưng phía Mỹ khẳng định nhằm bảo vệ tự do hàng hải.

Hạm đội Ba của Mỹ có căn cứ chính ở San Diego, California, thường giới hạn các hoạt động ở bờ đông hải phận quốc tế của Thái Bình Dương. Tờ Nikkei Asian Review của Nhật dẫn lời đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm đội 3  tuyên bố hoạt động này diễn ra «trong bối cảnh bất định và khủng hoảng trong khu vực», ám chỉ các hành vi của Trung Quốc. Đô đốc Swift cho biết Hải quân cần phải huy động tổng lực của Hạm đội Thái Bình Dương, gồm 140.000 thủy thủ, trên 200 chiến hạm và 1.200 máy bay.

Tàu đô bộ của hải quân Mỹ
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường trực ở châu Á-Thái Bình Dương

Đô đốc Swift đưa ra phát biểu trên chỉ vài ngày sau khi một tàu khu trục Trung Quốc xâm nhập vùng biển tiếp giáp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý ở Biển Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên một tàu chiến của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đến gần quần đảo này như vậy.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường lực lượng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông do tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

Sự hợp nhất Hạm đội 7 và 3 đồng nghĩa với việc thêm nhiều tàu chiến của Hạm đội 3 sẽ tăng cường hoạt động ở tây Thái Bình Dương, khu vực truyền thống của Hạm đội 7. Hạm đội 7 sở hữu một nhóm tàu sân bay tác chiến, 80 chiến hạm khác và 140 chiến đấu cơ, còn Hạm đội 3 có trên 100 chiến hạm, trong đó có bốn hàng không mẫu hạm.

Trả lời Reuters tuần trước, đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh bực bội phát biểu: «Tôi nghĩ rằng trước việc gọi là « tái cân bằng tại châu Á-Thái Bình Dương » của Mỹ, Biển Đông rất yên tĩnh, rất hòa bình. Trung Quốc đang đối thoại với các láng giềng. Chúng tôi đã có bản Tuyên bố ứng xử, và Philippines đang đàm phán với chúng tôi. Một khi người Mỹ nhảy vào, mọi việc đã thay đổi đáng kể. Họ muốn tìm cớ cho sự hiện diện quân sự hùng hậu tại Biển Đông và châu Á-Thái Bình Dương. Đang yên lành như thế, họ vào đây để làm gì?».

Ông Greg Poling, giám đốc Asia Maritime Transparency Initiative (Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) hôm 14/6 cho rằng việc huy động thêm Hạm đội 3 có thể là một phần trong kế hoạch của tổng thống Barack Obama, bố trí 60% lực lượng hải quân tại châu Á, trong khuôn khổ chiến lược xoay trục nhằm đối phó với sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc.