|
Ngư dân cảng Đàm Môn, Quỷnh Hải, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Cankao |
Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 25/9 dẫn tờ El Mundo Tây Ban Nha ngày 18/9 đăng bài viết "Một 'lực lượng hải quân không thể chiến thắng' bảo vệ Trung Quốc".
Bài viết cho rằng ở thị trấn Đàm Môn thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc có thể nhìn thấy vài chục tàu đi lại như con thoi giữa các bến trong cảng.
Thị trấn Đàm Môn đã nâng cấp gần 8.000 ngư dân và hơn 300 tàu cá thành mũi nhọn của chính sách bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Trong chiến tranh xâm lược quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc tiến hành vào năm 1974, Bắc Kinh cũng coi trọng sử dụng tàu cá. Năm 1985, Chính phủ Trung Quốc đã thành lập một đại đội dân quân trên biển ở thị trấn Đàm Môn.
Đối với sự xuất hiện của phóng viên nước ngoài, nơi này giống như một vùng đất cấm. "Chúng tôi không muốn nói về Trường Sa (một quần đảo của Việt Nam)" - một ngư dân Trung Quốc nói.
Mấy năm trước, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy chế tạo tàu có trọng tải lớn để dễ vận chuyển ngư dân phi pháp đến quần đảo Trường Sa (Việt Nam) thực hiện ý đồ đòi hỏi cái gọi là chủ quyền.
Họ cung cấp nhiên liệu cho ngư dân, dùng cách hầu như miễn phí để lắp hệ thống định vị toàn cầu cho khoảng 50.000 tàu cá.
Lâm Dũng Tân từ Viện nghiên cứu biển, Viện Khoa học Trung Quốc biện hộ cho rằng tất cả hành động của ngư dân địa phương đều là "hành vi tự vệ đơn thuần". Ông ta cho rằng, không phải nói ngư dân phải phát huy vai trò "tích cực" trong các cuộc xung đột tiềm tàng, mà nói là "cần tiến hành chuẩn bị tốt để tránh chiến tranh".
Bài viết cho hay Trung Quốc sẽ chi hơn 10 tỷ nhân dân tệ để thành lập một viện bảo tàng ở thị trấn Đàm Môn để tuyên truyền (xuyên tạc) về cái gọi là "lịch sử đặc biệt của Biển Đông".
Gần dây, cái gọi là "thành phố Tam Á" đã bắt đầu sử dụng một cảng cá mới, có thể đậu hơn 2.000 tàu cá, thậm chí bao gồm tàu cá lớn 3.000 tấn vượt phần lớn tàu công vụ của Cảnh sát biển nước láng giềng.
Năm 2013, Trung Quốc có một hành động bất hợp pháp là mở tàu chuyến (tàu biển chở khách chạy định kỳ) từ đảo Hải Nam đến quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam).
Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch đến năm 2020 mở thêm phi pháp tàu chuyến định kỳ đến quần đảo Trường Sa (Việt Nam), xây dựng phi pháp cái gọi là "thắng cảnh du lịch có thể thay thế Maldives".
Ở thành phố ven biển Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, một người trong ngành du lịch cho hay để thực hiện chuyến du lịch phi pháp đến quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam), hành khách Trung Quốc phải ngồi tàu chuyến trong thời gian 4 - 5 ngày.
Trong chương trình du lịch có "lễ thượng cờ" phi pháp. Bài báo cho hay, chỉ trong năm 2015, Bắc Kinh đã đưa 16.000 lượt du khách đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (một cách phi pháp).