Tờ Nihon Keizai Shimbun Nhật Bản ngày 9/12 cho rằng Trung Quốc đang tăng cường quản lý đối với tài nguyên của họ. Đối với tài nguyên đất hiếm, thứ không thể thiếu đối với các sản phẩm công nghệ cao, Chính phủ Trung Quốc nhiều lần lấy lý do "các biện pháp bảo vệ môi trường không hiệu quả" để dừng các nhà máy sản xuất đất hiếm, đồng thời đã tăng cường cấm các hoạt động khai thác bất hợp pháp và buôn lậu.
Cuộc "xung đột đất hiếm" xảy ra do Trung Quốc chấm dứt xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản vào năm 2010 vẫn để lại những ký ức còn mới mẻ. Trong bối cảnh này, bên có nhu cầu đã trở nên căng thẳng trước các hành động của bên từng cung.
Giám đốc điều hành của một doanh nghiệp nam châm Nhật Bản cho biết: "Có một số đất hiếm hiện cơ bản chỉ sản xuất ở Trung Quốc, giá cả chịu ảnh hưởng rất lớn từ các động thái của Trung Quốc". Có thể giá cả của dysprosium Dy66 (một nguyên tố hóa học có thể tăng khả năng chịu nhiệt của nam châm tính năng cao) còn chưa bằng 1/10 khi lên đỉnh điểm vào năm 2011.
Nhiều nguồn tin cho rằng hiện nay giá cả đất hiêm đang thấp, trong thời gian tới sẽ tăng lên, nguyên nhân là Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu cắt giảm toàn diện việc cung ứng và xuất khẩu.
Từ mùa hè năm 2016 đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai kiểm tra bất ngờ đối với công tác bảo vệ môi trường của các nhà máy đất hiếm trong thời gian khoảng 1 tháng.
Các quan chức chuyên trách của Bắc Kinh đã được cử đi kiểm tra các biện pháp chống ô nhiễm như nước thải của các doanh nghiệp tinh chế và phân tách, tiến hành xử lý dừng sản xuất đối với các doanh nghiệp không phù hợp điều kiện.
Đối tượng kiểm tra liên quan đến 8 tỉnh, khu tự trị trong đó có Nội Mông Cổ, Hắc Long Giang và Giang Tô. Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty tư vấn tài nguyên Nhật Bản cho rằng, ở các địa phương này đã phát hiện rất nhiều trường hợp vi phạm quy định. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng đã tăng cường các biện pháp chống tinh chế lậu.
Chính phủ Trung Quốc tìm cách thông qua tăng giá thị trường đất hiếm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước. Khi giá cả đất hiếm tăng vọt, doanh nghiệp nam châm của các nước như Nhật Bản đã giảm lượng sử dụng, dẫn tới giá cả rất nhiều loại đất hiếm giảm thấp.
Chính phủ Trung Quốc tập trung các doanh nghiệp dự trữ và cung cấp đất hiếm của nhà nước và tư nhân vào 6 tập đoàn lớn, qua đó tiến hành quản lý việc cung ứng. Nhưng, việc sáp nhập của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiến triển chậm chạp, hiệu quả hoàn toàn không lý tưởng.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có ý định thông qua ngăn chặn đất hiếm chảy ra ngoài để xây dựng các ngành nghề liên quan ở trong nước. Được biết, chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp Trung Quốc "tiếp cận" với trình độ của Nhật Bản, đang trở thành mối đe dọa của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Ông Shigeo Nakamura, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Advanced Material Japan Corp. (AMJ), nhà buôn kim loại hiếm Nhật Bản cho rằng: "Nhu cầu trong nước của Trung Quốc tăng lên ổn định".
Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng bắt đầu chú ý đến xu thế nào. Tập đoàn Hitachi đã thành lập công ty liên doanh sản xuất và tiêu thụ nam châm đất hiếm ở Trung Quốc, từ tháng 3/2017 sẽ sản xuất nam châm neodymium dùng cho động cơ ô tô điện và động cơ ngành công nghiệp.
Công ty này cho rằng, về chính sách mặc dù Trung Quốc tiếp tục giảm xuất khẩu đất hiếm, công ty này cũng có thể sử dụng doanh nghiệp liên doanh để sản xuất tại địa phương, tránh rủi ro.
Do thái độ của Chính phủ Trung Quốc khó dự đoán, vì vậy các doanh nghiệp liên quan không dám lơ là cảnh giác. Sau sự kiện va chạm tàu ở vùng biển Senkaku năm 2010, Trung Quốc đã dừng xuất khẩu đất hiếm đối với Nhật Bản.
Mặc dù cấm xuất khẩu đất hiếm chỉ là chính sách mang tính tạm thời, nhưng việc sản xuất các sản phẩm như nam châm dùng cho động cơ của Nhật Bản đã bị ảnh hưởng.
Các doanh nghiệp Nhật Bản thông qua tăng thêm kênh cung ứng và phát triển các sản phẩm giảm lượng sử dụng đất hiếm để tiến hành ứng phó. Để ứng phó với "khó khăn mua sắm" có thể xuất hiện, các doanh nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu hành động.