|
"Phái đoàn quân sự Trung Quốc sẽ có cuộc gặp với bộ chỉ huy Quân khu Trung ương của Nga ở Yekaterinburg cũng như đến thăm các đơn vị của quân khu này ở khu vực Samara", trợ lý chỉ huy quân khu - Đại tá Yaroslav Roshchupkin hôm qua (30/3) cho biết.
Quân đội Trung Quốc sẽ học hỏi, làm quen với cách thức tiến hành những cuộc kiểm tra đột xuất về khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị, đội hình trong quân đội Nga cũng như hoạt động đào tạo, huấn luyện thực hiện chiến dịch chung kết hợp với vũ khí, ông Roshchupkin cho hay.
Cuộc kiểm tra đột xuất mới nhất về khả năng sẵn sàng chiến đấu ở quy mô lớn của quân đội Nga diễn ra hồi đầu tháng này. Cuộc kiểm tra có sự tham gia của Hạm đội Phía Bắc, một số lực lượng thuộc Quân khu Phía Tây và Không quân. Cụ thể, có đến 80.000 binh lính, 80 tàu chiến và tàu ngầm, hơn 220 máy bay chiến đấu và trực thăng tham gia vào cuộc tập trận nói trên.
Trung Quốc tập trận trên bầu trời Tây Thái Bình Dương
Trong một diễn biến khác liên quan đến quân đội Trung Quốc, Lực lượng Không quân của nước này hôm qua (30/3) đã tiến hành cuộc tập trận đầu tiên trên khu vực Tây Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết. Động thái này được cho là có thể làm leo thang căng thẳng với các nước và khu vực láng giềng ở Biển Đông, trong đó có Philippines và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Máy bay của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã tiến hành các cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương sau khi bay qua Eo biển Bashi, ông Shen Jinke – một phát ngôn viên của Không quân Trung Quốc cho biết. Eo biển Bashi nằm giữa Philippines và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Cả Manila và Vùng lãnh thổ Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với Eo biển Bashi.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã công bố những bức ảnh chụp lại những chiếc máy bay ném bom tầm xa của họ nằm trên đường băng cùng với đội hình phi hành đoàn bên cạnh. Loạt máy bay này sau khi tập trận đã quay trở lại cùng ngày.
Sự kiện trên đánh dấu lần đầu tiên Không quân Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận trên không phận từ bờ biển của nước này, hãng thông tấn Tân Hoa xã đưa tin. Phát ngôn viên Shen cho rằng, các cuộc tập trận phù hợp với những gì mà “các nước lớn khác” thường tiến hành.
Trung Quốc đang có tranh chấp ở Biển Đông với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Brunei, Việt Nam, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với 90% Biển Đông - khu vực biển được tin là chứa một trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt cũng như nguồn hải sản dồi dào. Biển Đông cũng chứa những tuyến đường biển chiến lược quan trọng. Để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc trong thời gian gần đây đã có nhiều hành động hung hăng, hiếu chiến, khiến các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế lo ngại. Các nước ASEAN đang tìm cách thúc đẩy Trung Quốc ký kết một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông có tính ràng buộc.
Cùng với các hành động quyết liệt, Trung Quốc còn ra sức tăng cường sức mạnh quân sự cho nước này. Trong một động thái mới nhất, Trung Quốc vừa tiếp nhận máy bay cảnh báo sớm hiện đại. Với khả năng có thể phát hiện gần 100 phương tiện một lúc, máy bay cảnh báo sớm (AEW&C) của Trung Quốc đã bắt đầu cất cánh trên bầu trời với Lực lượng Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa.
Hồi tháng trước, Hải quân Mỹ tiết lộ nước này đã cho máy bay do thám tối tân P-8A Poseidons cất cánh từ các căn cứ ở Philippines. Máy bay do thám tối tân nhất của Lầu Năm Góc đang thực hiện các chuyến bay giám sát ở Biển Đông. Việc Trung Quốc tiếp nhận máy bay cảnh báo sớm có thể là hành động đáp trả việc Mỹ đưa máy bay do thám tối tân đến Biển Đông trợ giúp đồng minh Philippines.
Theo ngân sách năm 2015, Trung Quốc đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 10%, tiếp tục đà tăng hai con số trong suốt hơn hai thập kỷ qua. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hiện đứng ở con số 141,45 tỉ USD, đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau siêu cường Mỹ.
Theo: VnMedia