Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 20/6 dẫn hãng tin Kyodo, Nhật Bản ngày 19/6 cho hay, sau khi tàu hộ vệ Hải quân Trung Quốc xâm nhập khu tiếp giáp ngoài lãnh hải Nhật Bản - lân cận nhóm đảo Senkaku, Chính phủ Nhật Bản cho biết nếu tàu chiến Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản, Nhật Bản "sẽ triển khai hành động cần thiết".
Khoảng 2 giờ sáng ngày 9/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki đã đưa ra phản đối với Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, ông Trình Vĩnh Hoa, có kèm theo tuyên bố trên. Trước khi đưa ra phản đối, ông Akitaka Saiki và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã trao đổi trước với nhau.
Hiện nay, Trung Quốc đã gia tăng yêu sách chủ quyền đối với nhóm đảo Senkaku. Trong tương lai, Nhật Bản cũng sẽ sử dụng phương thức ứng phó tương tự để ngăn chặn tàu chiến Trung Quốc xâm nhập khu tiếp giáp nhóm đảo Senkaku, nhưng những lo ngại về khả năng xảy ra xung đột bất ngờ có thể tăng lên.
Được biết, đối với vụ tàu chiến Trung Quốc xâm nhập khu tiếp giáp đảo Senkaku lần này, Thứ trưởng Ngoại giao Akitaka Saiki đã đưa ra phản đối rất mạnh mẽ đối với ông Trình Vĩnh Hoa.
Bài báo cho biết, sáng sớm ngày 9/6, tàu chiến Trung Quốc đi vào khu tiếp giáp và tiếp tục chạy hướng lãnh hải Nhật Bản, đến khoảng 3 giờ 10 phút sáng nó rời khỏi khu tiếp giáp.
Tờ Tokyo Shimbun Nhật Bản ngày 19/6 cho hay, trước đây Chính phủ Nhật Bản từng tiến hành phản đối việc tàu hộ vệ Trung Quốc xâm nhập khu tiếp giáp nhóm đảo Senkaku, khi đó còn nói cho Trung Quốc biết: Một khi tàu chiến Trung Quốc xâm nhập lãnh hải, "sẽ áp dụng hành động cần thiết".
Chính phủ Nhật Bản ám chỉ, sẽ công bố lệnh hành động cảnh giới biển, điều động Lực lượng Phòng vệ Biển. Đây là tiết lộ của nhiều nguồn tin Chính phủ Nhật Bản đối với tờ Tokyo Shimbun.
Khi Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đối mặt với những vụ việc khó xử lý, có thể Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản sẽ công bố lệnh hành động cảnh giới biển.
Căn cứ vào Luật Lực lượng Phòng vệ, trong trường hợp này, Lực lượng Phòng vệ có thể sử dụng vũ khí hạn chế. Thái độ của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, khi đó Nhật Bản đang cân nhắc công bố lệnh hành động cảnh giới biển.
Sau khi Luật An ninh mới có hiệu lực, đã xác lập thể chế khung thông qua hội nghị nội các qua điện thoại cũng có thể đưa ra quyết định và nhanh chóng công bố mệnh lệnh. Vì vậy, chỉ cần Chính phủ Nhật Bản xác nhận có trường hợp xâm phạm lãnh hải sẽ có thể công bố lệnh.
Tuy nhiên, khi một chiếc tàu chiến Trung Quốc ngày 15/6 xâm nhập lãnh hải đảo Kuchinoerabu, tỉnh Kagoshima, do khác với trường hợp nhóm đảo Senkaku, Chính phủ Nhật Bản chỉ bày tỏ "lo ngại" đối với phía Trung Quốc.
Ngoài ra, theo hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 18/6, cùng ngày, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết tàu tuần tra Nhật Bản đã phát hiện 2 tàu cảnh sát biển của Trung Quốc chạy ở khu tiếp giáp nhóm đảo Senkaku.
Đến ngày 20/6, 2 tàu cảnh sát biển Trung Quốc bị phát hiện đã hoạt động liên tục 6 ngày ở vùng biển lân cận nhóm đảo Senkaku.
Cơ quan Vùng 11 Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết 2 tàu cảnh sát biển Trung Quốc này lần lượt là tàu Hải cảnh-2401 và Hải cảnh-31239 (có lắp pháo).
Sau khi tàu tuần tra Nhật Bản đưa ra cảnh cáo không được áp sát lãnh hải Nhật Bản, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã ngang nhiên lên tiếng khẳng định chủ quyền, đồng thời tố ngược lại hành vi của tàu tuần tra Nhật Bản, đòi tuân thủ “luật pháp Trung Quốc”.
Ngoài ra, các tàu tuần tra khác của Nhật Bản đã phát hiện tàu khảo sát biển Hải Nghiên 1 của Đài Loan ở vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản lân cận đảo Yonaguni, tỉnh Okinawa.
Tờ Đa Chiều của người Hoa hải ngoại ngày 15/6 cho rằng, gần đây, Trung Quốc điều tàu cảnh sát biển đến vùng biển đảo Senkaku nhằm phát đi thông điệp cho Nhật Bản, đó là Nhật Bản không được can thiệp vấn đề Biển Đông, nếu không Trung Quốc sẽ làm cho cục diện biển Hoa Đông không như ý muốn của Nhật Bản.
Học giả Trung Quốc rằng, hành động của Trung Quốc nhằm chứng tỏ họ có khả năng đáp trả việc Nhật Bản đang gia tăng can thiệp vào vấn đề Biển Đông.