Trung Quốc đương đầu với việc bị truy cứu trách nhiệm và đòi bồi thường ra sao?

VietTimes -- Ngày 26/4, Nhân dân Nhật báo, được coi là “phong vũ biểu” lập trường chính thức của Trung Quốc, đã dùng tiêu đề “Đây là lập trường của chúng tôi” đăng trên tài khoản Weibo tin nhắn kiểu áp phích: Không ai là đồng phạm của virus, mọi người đều là nạn nhân. Thật nực cười khi “đòi nạn nhân bồi thường”...
Cuộc chiến pháp lý giữa Phương Tây và Trung Quốc chủ yếu là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc (Ảnh: AP).
Cuộc chiến pháp lý giữa Phương Tây và Trung Quốc chủ yếu là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc (Ảnh: AP).

Đây là phản ứng công khai mới nhất của Trung Quốc trước những tiếng nói đòi Trung Quốc bồi thường gần đây xuất hiện ở nhiều nước phương Tây do dịch bệnh COVID-19.

Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu lan rộng, tàn phá châu Âu và Hoa Kỳ, những tiếng nói đòi Trung Quốc bồi thường đã bắt đầu xuất hiện ở phương Tây và ngày càng trở nên phổ biến, trở thành xu hướng “bao vây tứ phía” chống lại Trung Quốc.

Những tiếng nói đòi truy trách nhiệm và đòi bồi thường này đã được đưa tới Trung Quốc, gây ra sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận Trung Quốc. Do đó, “Hiệp ước Tân Sửu” và “Bồi thường Canh Tý”, đã bị bụi bao phủ, một lần nữa được lôi ra khỏi đống giấy cũ. Mặc dù nhiều ý kiến phân tích cho rằng cái gọi là thuyết đòi bồi thường chỉ do một số chính trị gia có ý thúc đẩy, một kiểu di chuyển, phát tiết tình cảm của phương Tây, nhưng những lo lắng về hiểm họa “Liên quân 8 nước” mới sẽ xâm chiếm một lần nữa đã hình thành trong dư luận Trung Quốc và kích thích tình cảm đối lập với phương Tây.

Hạ nghị sĩ Cộng hòa Jim Banks (trái) ngày 16/3 nói trên chương trình của Fox TV ông đang tìm cách đòi Trung Quốc bồi thường bằng cách không thanh toán các trái phiếu quốc gia Hoa Kỳ mà Trung Quốc đã mua (Ảnh: Đa Chiều).
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Jim Banks (trái) ngày 16/3  nói trên chương trình của Fox TV ông đang tìm cách đòi Trung Quốc bồi thường bằng cách không thanh toán các trái phiếu quốc gia Hoa Kỳ mà Trung Quốc đã mua (Ảnh: Đa Chiều).

Bị kiện cáo tứ phía

Những tiếng nói cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về dịch bệnh COVID-19, từ đó đòi Trung Quốc bồi thường đầu tiên xuất hiện ở Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump) ngày 13/3 tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Cùng ngày, một công ty luật có tên Berman Law Group tại Palm Beach County, Florida đã đệ đơn lên Tòa án quận phía Nam của tiểu bang khởi xướng một vụ kiện tập thể chống lại Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho sự lây lan của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới và yêu cầu Trung Quốc bồi thường hàng tỷ đô la.

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 27/4, cơ sở thực tế cho việc họ cáo buộc, đòi Trung Quốc bồi thường là cuốn “Nhật ký Vũ Hán”, sắp được xuất bản của nữ nhà văn Trung Quốc Phương Phương (Fang Fang). Trong tháng 3 năm 2020, tại các bang Florida, Texas, Nevada và California, đã khởi xướng ít nhất 4 vụ khởi tố chống lại Trung Quốc, một trong số đó thậm chí còn đưa ra thuyết “vũ khí sinh hóa” chống lại Viện nghiên cứu virus Vũ Hán và Quân đội Trung Quốc.  

Nhiều “phương án” khác nhau về cách đòi Trung Quốc bồi thường cũng bắt đầu xuất hiện: Hạ nghị sĩ Cộng hòa Jim Banks ngày 16/3 trên chương trình “Tucker Carlson Tonight” của Fox cho biết ông đang tìm cách đòi Trung Quốc bồi thường bằng cách  không thanh toán hầu hết các trái phiếu quốc gia Hoa Kỳ mà Trung Quốc đã mua. Sau đó, Nghị sĩ Australia George Christensen ngày 3/4 đã đề xuất với Quốc hội nước này “thu hồi cảng Darwin và đất nông nghiệp đã cho các công ty Trung Quốc thuê để bồi thường cho dịch bệnh”.

Tạp chí National Review cũng khuyến nghị chính phủ Mỹ thuyết phục các quốc gia khác tịch thu tài sản của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tại các quốc gia dọc theo “Vành đai, con đường” để bù đắp cho những tổn thất do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Ngày 16/4, hai nghị sĩ Cộng hòa thậm chí đã khởi xướng một dự luật tại Quốc hội Hoa Kỳ để tước quyền “miễn trừ chủ quyền quốc gia” của Trung Quốc để các công dân và chính quyền địa phương Mỹ có thể kiện chính phủ Trung Quốc ra tòa án liên bang và yêu cầu bồi thường.

Người Anh đòi Trung Quốc phải bồi thường 351 tỷ Bảng vì dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: Daily Express).
Người Anh đòi Trung Quốc phải bồi thường 351 tỷ Bảng vì dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: Daily Express).

Rất nhanh chóng, làn sóng “đòi bồi thường” chống lại Trung Quốc đã phát triển từ Hoa Kỳ, Australia lan đến Châu Âu và cả Ấn Độ. Hai hiệp hội luật sư Ấn Độ ngày 4/4 đã đệ đơn tới Liên Hợp Quốc kiện Trung Quốc “bí mật phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt virus Corona mới, đòi bồi thường 20 ngàn tỷ USD.

Ngày 5/4 một cơ quan nghiên cứu của Anh có tên Henry-Jackson Society cũng đã công bố bản báo cáo dài 44 trang, trong đó nói virus Corona mới gây ra thiệt hại khoảng 3,2 nghìn tỷ Bảng cho các nước G7 và kêu gọi Vương quốc Anh yêu cầu Trung Quốc bồi thường 351 tỷ Bảng tổn thất. Thậm chí tại Đức, cũng có cơ quan truyền thông (tờ Bild) ngày 16/4 đã đăng tải một bức thư ngỏ tiêu đề “Trung Quốc gây nguy hại cả thế giới”, viện dẫn một số thông tin chưa được xác nhận hoặc làm rõ như “Phòng thí nghiệm Vũ Hán nghiên cứu Dơi” và đưa ra một “hóa đơn” khủng liệt kê các khoản tiền đòi chính phủ Trung Quốc bồi thường.

Chỉ trong một thời gian, Trung Quốc dường như lại bị mắc kẹt một lần nữa bởi sự bao vây của “Liên quân tám nước” 120 năm trước. Các giả thuyết “Liên quân tám nước mới bao vây Trung Quốc”, “Bồi thường năm Canh Tí” và “Liên quân tám quốc gia đòi Trung Quốc bồi thường” nối nhau xuất hiện trong dư luận Trung Quốc. Thậm chí còn có ý kiến nói, một khi yêu sách của phương Tây thành công, ngân khố của Trung Quốc sẽ bị cạn kiệt và Trung Quốc sẽ một lần nữa sụp đổ, lặp lại lịch sử nhục nhã hàng thế kỷ.

Tài khoản Weibo của Nhân dân Nhật báo đăng các áp phích "Không ai là đồng lõa của virus Corona mới, mọi người đều là nạn nhân" (Ảnh: Weibo).
Tài khoản Weibo của Nhân dân Nhật báo đăng các áp phích "Không ai là đồng lõa của virus Corona mới, mọi người đều là nạn nhân" (Ảnh: Weibo).

“Liên quân tám nước” ập tới?

Những giả thuyết này bắt nguồn từ một lịch sử mất chủ quyền nhục nhã ở Trung Quốc cận đại. Năm 1900, năm Canh Tí theo cách tính niên đại Thiên can địa chi Trung Quốc cổ đại, Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn với khẩu hiệu “Phò Thanh diệt Tây” khiến cho các lực lượng Liên quân 8 nước gồm Nga, Đức, Pháp, Anh, Mỹ,  Nhật Bản, Italy và Áo can thiệp bằng vũ lực. Một năm sau, chính quyền nhà Thanh buộc phải ký “Hiệp ước Tân Sửu” cam kết bồi thường 450 triệu lạng bạc. Thời gian bồi thường là từ năm 1902 đến 1940, lãi suất hàng năm là 4%, tổng số tiền cả gốc và lãi là 980 triệu lạng, được gọi là “Bồi thường Canh Tí”.

“Liên quân tám nước” và “Bồi thường Canh Tí” tồn tại trong ký ức của người Trung Quốc như là khởi đầu cho sự suy tàn của Trung Quốc hiện đại. Khi ngày nay những tiếng nói tuyên bố đòi Trung Quốc bồi thường xuất hiện trở lại ở nhiều nước phương Tây, ký ức dân chúng Trung Quốc về nỗi nhục dân tộc lại bị đánh thức. Tình cảm dân tộc và tâm lý bài xích phương Tây lại dâng cao ở Trung Quốc.

Ngoài ra, vào cuối tháng 3, Bộ Tư lệnh miền Bắc Hoa Kỳ đã sơ tán bộ chỉ huy quan trọng vào boongke núi Cheyenne nổi tiếng ở Colorado và một địa điểm bí mật khác nhằm cách ly để đảm bảo rằng quân đội Mỹ có thể hoạt động bình thường trong điều kiện dịch bệnh bùng phát. Đầu tháng 4, chính phủ Mỹ bắt đầu sơ tán công dân ở khắp thế giới, điều này khiến thế giới bên ngoài, đặc biệt là người dân Trung Quốc suy đoán rằng Hoa Kỳ đã chuẩn bị cho chiến tranh. Dù sao, trong vài thập kỷ qua, trước chiến tranh, Hoa Kỳ cũng động viên công dân của mình ở nước ngoài trở về nước sớm nhất có thể. Khi Hoa Kỳ tấn công Iraq năm 2003, họ đã có một động thái tương tự. Điều này đã trở thành một cơ sở quan trọng cho suy đoán công khai rằng Mỹ có thể tiến hành chiến tranh một lần nữa.

Liệu có phải để giảm suy thoái kinh tế và các vấn đề xã hội khác như thất nghiệp do dịch COVID-19, Hoa Kỳ sẽ liên kết với các nước khác để đòi bồi thường và thậm chí tuyên chiến với Trung Quốc?

Xét từ hiện thời, khả năng này là rất nhỏ. Những tiếng nói đòi bồi thường được đề cập ở trên được cho là xuất phát từ một số quan chức có lập trường cứng rắn chống Trung Quốc, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan truyền thông không chính thống với mục tiêu chính là thu hút sự chú ý. Đây không phải là hành động chính thức của chính quyền (Thực tế, chính quyền hai bang Missouri và Missisipi cũng đã chính thức khởi kiện Trung Quốc).

Theo Đa Chiều, một số quan chức “phái diều hâu” có lập trường cứng rắn chống Trung Quốc tất nhiên sẽ ảnh hưởng một phần đến chính phủ của nước sở tại, nhưng ngay cả khi có chính phủ nào đưa ra yêu cầu bồi thường từ Trung Quốc, những yêu cầu bồi thường đó cũng sẽ gặp phải những trở ngại pháp lý và thực tế. Quyền miễn trừ chủ quyền trong luật pháp quốc tế có nghĩa là quốc gia và tài sản của họ được bảo vệ khỏi quyền tài phán của pháp luật nước ngoài và tòa án nước ngoài. Do đó, chính phủ phương Tây không có quyền yêu cầu bồi thường từ Trung Quốc.

Trước những tiếng nói đòi Trung Quốc bồi thường, ngày 20/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, đã đặt ra ba câu hỏi về lý thuyết đòi bồi thường: “Năm 2009, dịch cúm H1N1 bùng phát ở Hoa Kỳ và lan sang 214 quốc gia và khu vực, dẫn đến cái chết của gần 200.000 người. Vậy Hoa Kỳ có đền bù cho ai? Vào những năm 1980, AIDS lần đầu tiên được phát hiện ở Hoa Kỳ và lan ra toàn thế giới. Tôi không biết nó gây ra nỗi đau cho bao nhiêu người trên thế giới. Có ai tìm Hoa Kỳ đòi bồi thường không? ... Năm 2008 khủng hoảng tài chính ở Mỹ, sự hỗn loạn và sự sụp đổ của Lehman Brothers cuối cùng đã biến thành một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Có ai yêu cầu Hoa Kỳ gánh chịu hậu quả không?”.

Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Mỹ nhắn tin thúc giục các công dân Mỹ ở nước ngoài trở về Mỹ hôm 3/4 (Ảnh: Weibo)
Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao  Mỹ nhắn tin thúc giục các công dân Mỹ ở nước ngoài trở về Mỹ hôm 3/4 (Ảnh: Weibo)

Theo Đa Chiều, nếu (tất nhiên, đây là một sự kiện xác suất rất nhỏ), việc bắt giữ hoặc phong tỏa tài sản Trung Quốc như ý kiến một số thành viên quốc hội, thực sự xảy ra, thì với tư cách là một quốc gia có chủ quyền và nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ có biện pháp trả đũa. Đến bước này, nếu hai bên không nhượng bộ nhau, chiến tranh dường như là không thể tránh khỏi. Thực tế là ngay cả khi Hoa Kỳ, có quân đội mạnh hơn Trung Quốc, mạo hiểm tuyên chiến với Trung Quốc, chắc chắn sẽ “địch chết 1000 ta cũng mất 800”. Đây rõ ràng không phải là sự lựa chọn của các chính trị gia và chính phủ có cái đầu tỉnh táo và hiểu biết.

Trung Quốc có phải chịu trách nhiệm?

Theo Đa Chiều, tất nhiên, trong khi phủ nhận “thuyết bồi thường”, cũng cần phải thừa nhận rằng, trong giai đoạn đầu của sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19, các quan chức chính quyền địa phương của Trung Quốc tiêu biểu là tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán, đã có sự chậm trễ trong cảnh báo và ứng phó không phù hợp. Tuy nhiên, như một số phân tích đã tuyên bố, “vì các quan chức địa phương không thực hiện được nhiệm vụ của mình mà truy cứu trách nhiệm quốc gia là không ổn trên phạm vi quốc tế”. Huống hồ, trong những ngày đầu dịch bệnh bùng phát ở các nước phương Tây phát triển, các chính phủ cũng trải qua các kiểu nhầm lẫn và hoảng loạn.

Theo Đa Chiều, kể từ khi dịch Viêm phổi mới bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc phải mất hơn hai tháng để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, còn Châu Âu và Hoa Kỳ đã trở thành ổ dịch và dữ liệu về các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong vượt xa Trung Quốc, khiến các nước phương Tây từ chỗ là những người ngoài cuộc “xem kịch” đã trở thành những người trong cuộc giữa nước sôi lửa bỏng. “Lý thuyết đòi bồi thường” hiện nay liên quan nhiều đến tâm lý kiêu ngạo và đối đầu ý thức hệ của phương Tây với Trung Quốc, mà cũng là sự phát tiết tình cảm dưới áp lực của dịch bệnh. Các nước phương Tây luôn quen với việc trở thành một nhà lãnh đạo văn minh và tiên tiến. Với tâm thế đó, sau khi có dịch, số ca nhiễm và tử vong cao gấp hàng chục lần so với Trung Quốc. Đó là điều khó chấp nhận đối với một số người bao gồm một số chính trị gia”.

Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được coi là một nhân vật thuộc phái cứng rắn (diều hâu) ở Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều).
Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được coi là một nhân vật thuộc phái cứng rắn (diều hâu) ở Trung Quốc  (Ảnh: Đa Chiều).

Điều này cũng giải thích tại sao các quốc gia châu Á quanh Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, v.v., không có tuyên bố đòi bồi thường như vậy. Thứ nhất, bởi vì các nước châu Á có sự tương đồng về văn hóa và trong lịch sử, trong quá trình thực dân hóa toàn cầu ở các nước phương Tây, hầu như tất cả các nước châu Á đều bị tổn thương. Thứ hai, các nước châu Á thường chịu ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo và chủ nghĩa tập thể có thể được nhiều nước công nhận và thể hiện nhiều hơn ở châu Á, điều này làm cho dịch bệnh ở các nước châu Á nhẹ hơn nhiều so với ở châu Âu và Hoa Kỳ; các nước châu Á hiểu và chấp nhận các phương pháp phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc.

Ngoài ra, hệ thống bầu cử phương Tây cho phép các chính trị gia Mỹ, những người cần phải đối mặt với cuộc bầu cử vào tháng 11 để có được phiếu bầu, không chỉ cần tìm một “lò hơi” để cho mọi người “xả bớt” sự không hài lòng; họ cũng cần phải tìm ra một kẻ thù chung để tạo ra một khẩu hiệu để đoàn kết nhân dân. Trong tình hình hiện nay, chống Trung Quốc và tuyên bố đòi bồi thường đã trở thành một lựa chọn “chính xác” để kiếm lợi nhuận mà không phải bồi thường.

Đa Chiều cho rằng, với sự lựa chọn như thế, rốt cục sẽ chỉ có một cuộc chiến dư luận giữa phương Tây và Trung Quốc dưới sự điều khiển của các thủ đoạn chính trị. Dù sao, Trung Quốc hiện nay đã không còn là nước Trung Quốc 120 năm trước!