|
Tôn Kiến Quốc tuyên truyền trắng trợn cho quan điểm sai trái của Trung Quốc ở Đối thoại Shangri-La |
“Các nước bên ngoài nên giữ vai trò xây dựng trong vấn đề này, chớ nên tìm cách khác khuấy động. Vấn đề Biển Đông trở nên nóng bởi hành động khiêu khích một số nước nào đó vì lợi ích của chính họ. Chúng tôi không gây rắc rối nhưng chúng tôi không sợ rắc rối”, đô đốc Tôn Kiến Quốc phát biểu tại Đối thoại Shanggri – La hôm 5/6.
Tôn đưa ra phát biểu trên sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong khi thăm Mông Cổ ngày 5/6 cảnh báo Bắc Kinh không nên thiết lập một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Ông Kerry nói Mỹ sẽ xem đó là một “hành động khiêu khích và gây bất ổn”, một hành động sẽ tự động gây căng thẳng và nghi ngờ cam kết của Trung Quốc trong việc giải quyết của Trung Quốc thông qua ngoại giao.
Ngày 4/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã cảnh báo việc Trung Quốc xây đảo ở một bãi cạn ở Biển Đông cướp từ tay Philippines sẽ buộc Mỹ và các nước khác phải hành động.
Tôn lặp lại giọng điệu thường thấy ở các quan chức Trung Quốc là nước này cam kết tìm kiếm giải pháp hòa bình trong các tranh chấp Biển Đông và cáo buộc Washington về tâm lý Chiến tranh Lạnh. “Bất cứ quốc gia nào không trực tiếp liên quan đều không được phép phá hoại con đường hòa bình của chúng ta vì lợi ích của họ”, Tôn lớn tiếng tại Đối thoại Shangri-La.
Tôn Kiến Quốc tuyên bố: “Chúng tôi không bị cô lập trong quá khứ, chúng tôi không bị cô lập ở hiện tại, và chúng tôi sẽ không bị cô lập trong tương lai". Đô đốc Tôn không quên đổ lỗi cho Mỹ làm căng thẳng leo thang trong khu vực. Tôn lên án các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ và chỉ trích Washington ủng hộ các nước trong khu vực có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Bắc Kinh.
Đô đốc Tôn nói các nước vẫn mang “tư tưởng Chiến tranh lạnh” và không trực tiếp dính líu vào các tranh chấp không được phép tham gia “phá hoại” vì sự ích kỷ của họ. Tôn nhấn mạnh: “Không một ai được quyền chỉ tay vào Trung Quốc".
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 5/6 đã yêu cầu Mỹ và Nhật Bản ngừng “chỉ tay” vào Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Xinhua cho biết. “Những quốc gia bên ngoài nên tôn trọng các cam kết của họ và không nên có những phát biểu vô trách nhiệm liên quan vấn đề chủ quyền lãnh thổ”, Hoa Xuân Doanh phát biểu tại Bắc Kinh, đáp trả phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tại cuộc đối thoại an ninh ở Singapore.
Hoa Xuân Doanh còn thêm rằng Mỹ và Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc về vấn đề an ninh khu vực trong khi Trung Quốc hiện là "nạn nhân" khi họ phơi bày bất hòa giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực. “Trung Quốc kiên quyết phản đối việc đó và phái đoàn Trung Quốc tham dự cuộc đối thoại đã làm rõ quan điểm của chúng tôi”, Hoa nói.
Nực cười là Hoa Xuân Doanh tiếp tục lôi luận điệu cũ rích rằng Bắc Kinh có cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông với đầy đủ các bằng chứng lịch sử và pháp lý”, rằng Trung Quốc không bao giờ thừa nhận hiện trạng các nước khác “chiếm đoạt bất hợp pháp chủ quyền của Trung Quốc”.
Hoa bao biện rằng Trung Quốc chỉ xây dựng (đảo nhân tạo) thích hợp trên lãnh thổ Trung Quốc và không đi ngược luật pháp quốc tế (!?). Hoa còn tố ngược một số quốc gia (ám chỉ Mỹ) có ý đồ xấu, đã triển khai hàng loạt thiết bị và vũ khí tối tân tới châu Á-Thái Bình Dương, gây báo động trong các quốc gia khu vực.
Về vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” ngang ngược của Trung Quốc trển Biển Đông ra Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế, Hoa Xuân Doanh chỉ trích đây không phải cách giải quyết tranh chấp, mà là phủ định cái gọi là “chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền biển cũng như lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Hoa Xuân Doanh còn ngang ngược tuyên bố phán quyết này của Tòa án quốc tế “hủy hoại nghiêm trọng sự tôn nghiêm và toàn vẹn của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), cho rằng phán quyết “vi phạm luật pháp quốc tế”. Trung Quốc không tham gia và sẽ không tôn trọng phán quyết của tòa, Hoa trắng trợn nói.
Theo Defense One, phán quyết của Tòa án quốc được trông đợi rộng rãi sẽ bất lợi cho Trung Quốc và có thể quyết định rằng yêu sách ngang ngược của Trung Quốc đối với 85% diện tích Biển Đông, trong khu vực của cái gọi là “đường chín đoạn” là vô giá trị theo luật pháp quốc tế.
Giới quan sát quốc tế nhận định một phán quyết bất lợi rõ ràng sẽ gây rắc rối cho Bắc Kinh ở bên ngoài cũng như trong nước, nơi chính quyền nước này từ lâu đã nhồi sọ cho dân chúng rằng hầu như toàn bộ khu vực thuộc về Trung Quốc. Hòng ngăn chặn trước kết quả bất lợi, Trung Quốc đã phát động một chiến dịch nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của mình, bao gồm lập một danh sách khoảng 30-40 nước “ủng hộ”, cũng như huy động bộ máy học giả và các nhà ngoại giao nước này công bố hàng loạt bài báo trên truyền thông quốc tế với mục đích bảo vệ quan điểm sai trái của Bắc Kinh.
Các nhà phân tích cũng dự báo rằng Trung Quốc rất có thể sẽ đáp trả phán quyết của tòa án quốc tế bằng cách thực hiện những hành động hung hăng hơn ở Biển Đông nhằm bảo vệ yêu sách chủ quyền phi pháp của họ với những cuộc tập trận, hay một chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới các đảo nhân tạo do Bắc Kinh kiểm soát hoặc tuyên bố thiết lập một vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông.
Làm phức tạp thêm vấn đề, truyền thông Trung Quốc đang hô hoán và tuyên truyền một cách hết sức vô căn cứ và nguy hiểm rằng Mỹ đang đạo diễn đẩy căng thẳng tăng cao bằng cách “xúi giục Philippines và Việt Nam thách thức Trung Quốc”, mục tiêu tối hậu nhằm kiềm chế nước này. Báo chí Trung Quốc viện dẫn chiến lược “xoay trục châu Á” của chính quyền ông Obama như bằng cớ, cùng với những cuộc tập trận quân sự với các nước khu vực, cũng như những phát biểu chỉ trích Trung Quốc trong các chuyến thăm của giới chức Mỹ.
Theo Defense One, Mỹ không thể để những hành động như vậy diễn ra mà không đáp trả. Nguy cơ xung đột vốn đã cao sẽ chỉ gia tăng.