|
Trung Quốc bất an khi Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc |
Bán đảo Triều Tiên
Vào tháng 7/2016, Mỹ đã đồng ý trang bị cho Hàn Quốc hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân nhất để đối phó với mối đe dọa Triều Tiên.
Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, đã nói rằng kể từ khi quyết định song phương triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) khởi động, các vụ thử tên lửa của Triều Tiên đã mở rộng và gia tăng.
“Hành động gần đây của Hàn Quốc đã làm xói mòn nền tảng cho sự tin tưởng song phương”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng.
Ông Phạm Trường Long, phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc cũng có phát biểu tương tự với cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, bà Susan Rice rằng việc triển khai THAAD sẽ chỉ làm tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên xấu hơn.
Trong khi đó, chính quyền Triều Tiên tiếp tục tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lừa đạn đạo đầy thách thức. Vụ thử nghiệm gần đây nhất diễn ra vào đầu tuần khi Triều Tiên phóng tên lửa KN-11 từ tàu ngầm trên biển. Trong năm nay, Triều Tiên đã tiến hành hơn 13 vụ thử tên lửa đạn đạo và phóng 29 quả tên lửa, theo như số liệu của đại sứ Hàn Quốc tại Liên hợp quốc báo cáo.
Hệ thống THAAD cùng với lực lượng quân đội Mỹ dự kiến sẽ hoạt động tại Hàn Quốc vào cuối năm 2017. Cho đến khi đó, Trung Quốc vẫn thống soái ở khu vực này
Theo Business Insider, Trung Quốc đang hành động ở mức tối thiểu cần thiết để tạo ra ấn tượng về sự hợp tác (ví dụ như bỏ phiếu trừng phạt Triều Tiên) trong khi chẳng làm điều gì đáng kể thực sự để hợp tác (không hành động gì để thực thi lệnh trừng phạt này).
"Thùng thuốc súng" Biển Đông
Cho dù phán quyết tháng trước của tòa án quốc tế bác bỏ đường chín đoạn của Trung Quốc thì nước này vẫn tiếp tục dấn sâu vào yêu sách chủ quyền ngang ngược, phi lý ở Biển Đông.
Phán quyết của tòa án dày 500 trang, nêu rõ Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền kinh tế của Philippines và kết luận cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Cho dù phán quyết này chỉ ràng buộc đối với Philippines và Trung Quốc nhưng nó đã thiết lập nên một cơ sở pháp lí bằng cách tạo tiền lệ trong việc áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển vào giải quyết cái gọi là “tuyên bố chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc.
Tóm lại, nếu không có “đường chín đoạn” thì các bên yêu sách khác trên Biển Đông cũng có thể sẽ nộp đơn kiện Trung Quốc nếu nước này từ chối thỏa thuận về các vùng biển giàu tài nguyên. Với bối cảnh tranh chấp phức tạp, Biển Đông là một trong số những khu vực bị quân sự hóa trên toàn cầu.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn khăng khăng một mực cho rằng phán quyết của tòa The Hague không có thẩm quyền đối với vấn đề Biển Đông. Hơn nữa, Trung Quốc vẫn chưa ngừng xây dựng phi pháp trong vùng biển này.
Gần một tháng sau phán quyết của tòa, các hình ảnh từ vệ tinh của trang Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI), một đơn vị thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho thấy hoạt động tác chiến của máy bay quân sự Trung Quốc đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.
“Trung Quốc đang xây dựng nhà chứa cho 24 máy bay chiến đấu và 3 hoặc 4 máy bay ném bom cỡ lớn ở ba đảo nhân tạo lớn nhất”, Gregory Poling, giám đốc AMTI trả lời Business Insider trong một cuộc phỏng vấn trước đó. “Số lượng, kích thước và việc xây dựng đã chứng minh những thiết bị này được sử dụng cho mục tiêu quân sự và chúng là biểu hiện của ý định quân sự hóa quần đảo Trường Sa của Trung Quốc.”
Hiện nay Mỹ với lực lượng hải quân lớn nhất thế giới đang chi phối khu vực. Nhưng điều này sẽ thay đổi vì Trung Quốc đang gia tăng đáng kể sức mạnh hải quân của mình. “Ở một góc độ nhất định, Trung Quốc có khả năng sẽ ngăn chặn hải quân Mỹ thâm nhập Biển Đông”, Robert Kaplan, một chuyên gia cao cấp tại Trung tâm an ninh mới của Mỹ nhận xét.
Và trong khi Mỹ tiếp tục thúc ép Trung Quốc trong tiến trình ngoại giao về tranh chấp Biển Đông, Bắc Kinh vẫn tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ở những khu vực khác trên thế giới.