Trung Quốc đang tìm cách phát triển vũ khí để chống lại hệ thống THAAD của Mỹ

VietTimes -- Trung Quốc có thể đẩy nhanh hai chương trình tên lửa gồm vũ khí siêu thanh và tên lửa lắp nhiều đầu đạn độc lập, từ đó phát triển khả năng đột phá phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Tên lửa xuyên lục địa Đông Phong-5B Trung Quốc trên quảng trường Thiên An Môn ngày 3/.9/2015. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.

Tờ Chinatimes Đài Loan ngày 19/8 dẫn tờ The Huffington Post Mỹ cho rằng Mỹ và Hàn Quốc đã quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc, điều này sẽ thúc đẩy Trung Quốc nghiên cứu chế tạo vũ khí trang bị tiên tiến để đối phó.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói rằng hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) hoàn toàn không phải là vấn đề công nghệ đơn thuần, mà là vấn đề chiến lược thực sự.

Bài báo cho rằng ứng phó với THAAD có nghĩa là Trung Quốc cần nghiên cứu phát triển tên lửa tiên tiến hơn và đẩy mạnh triển khai nó.

Điều khiến cho Trung Quốc quan ngại hoàn toàn không phải là tính năng đánh chặn tên lửa của THAAD, mà là radar AN/TPY-2.

Tên lửa xuyên lục địa Đông Phong-5B Trung Quốc trên quảng trường Thiên An Môn ngày 3/.9/2015. Ảnh: Sina, Trung Quốc.

Bắc Kinh lo ngại khả năng dò tìm của radar này, có thể giúp cho Washington thu thập được sớm hơn việc Trung Quốc phóng tên lửa. Đối với vấn đề này, Bắc Kinh sẽ buộc phải nghiên cứu chế tạo ra công nghệ tên lửa có thể vượt qua được khả năng cảnh báo sớm của radar này.

Trung Quốc có thể đẩy nhanh hai chương trình tên lửa hiện nay, đó là vũ khí siêu thanh và tên lửa lắp nhiều đầu đạn độc lập. Đến nay, vũ khí siêu thanh của Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm tầm trung và tầm xa.

Triển khai THAAD có thể khẳng định Mỹ có một chương trình phòng thủ tên lửa quy mô lớn hơn, điều này sẽ buộc Bắc Kinh phải đẩy nhanh triển khai vũ khí siêu thanh, đồng thời mở rộng chương trình này đến tên lửa xuyên lục địa có thể tấn công Mỹ (tên lửa Đông Phong-5B, tầm bắn có thể đạt 12.000 - 15.000 km).

Ngoài ra, Trung Quốc rất có thể sẽ cải tạo tên lửa trong kho vũ khí hạt nhân hiện nay thành tên lửa lắp nhiều đầu đạn độc lập, từ đó tăng cường khả năng đột phá phòng thủ.

Tên lửa hạt nhân kiêm thông thường Trung Quốc trong Lễ duyệt binh ngày 3/9/2015. Ảnh: Sina

Bài báo cũng cho rằng phản ứng chiến lược của Trung Quốc đối với THAAD hoàn toàn không phải không bị hạn chế, hơn nữa thúc đẩy chương trình tên lửa là khát vọng đột phá công nghệ và mong muốn được coi là quốc gia hàng đầu, chứ không phải là nhu cầu chiến lược.

Đến nay, thỏa thuận THAAD có khả năng thúc đẩy Trung Quốc có bước đi đầu tiên quan trọng, chuyển đổi theo hướng triển khai tên lửa xuất phát nhiều hơn từ nhu cầu chiến lược.