|
Chiến hạm hải quân Nhật Bản |
Nếu Trung Quốc đang tìm cách trừng phạt một đối thủ nhỏ hơn ở Biển Đông - để chứng tỏ rằng kẻ bắt nạt sẽ hầu hết đạt được mục đích của mình, thì tốt hơn hết là nhân nhượng chứ không nên phản kháng- Philippines lại là mục tiêu tiềm năng khác. Cho tới gần đây, Philippines đã cố gắng khắc phục những điểm yếu. Lực lượng không quân nước này bao gồm đội máy bay vận tải C-130, chỉ có hai hoặc ba chiếc còn hoạt động được. Suốt 20 năm qua, Philippines đã sao nhãng nghiêm trọng về phát triển quân sự, nhưng nước này cũng chưa bao giờ có quân đội mạnh.
Bắc Kinh bắt đầu ráo riết thay đổi hiện trạng ở các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. Trên các đảo tranh chấp, Trung Quốc xây dựng các cầu tàu hải quân, đường băng, và ngay cả trường học cho con em của nhân viên quân sự. Đồng thời, Trung Quốc cũng sử dụng các tàu giám sát và tàu đánh cá trên danh nghĩa là của tư nhân để bao chiếm những bãi cạn đang tranh chấp và các vùng nước nông. Các tàu đánh cá được trang bị GPS và đài vô tuyến, thuyền trưởng nhận được các khoản trợ cấp cho vai trò của họ như là một hệ thống cảnh báo sớm cho Bắc Kinh về sự hoạt động của tàu nước khác.
Trung Quốc phản ứng trước các cuộc xâm nhập vào vùng biển đang tranh chấp với lực lượng hải cảnh ngày càng tinh vi và hung hăng, nhằm tránh mang tiếng quân sự hóa. Philippines, giống như hầu hết các quốc gia trong khu vực, không thể đối phó với đội tàu vỏ trắng hùng hậu của Trung Quốc mà không dùng tới các tàu hải quân, điều sẽ khiến thế giới bên ngoài coi là hành động leo thang xung đột. Được xem là biện pháp hữu hiệu, các tàu hải quân Trung Quốc thường bám sát thực địa, để truyền tải thông điệp của Bắc Kinh và sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp.
Theo Atlantic, phản nỗ lực của Manila để giữ tuyên bố của mình đối với các đảo nhỏ và bãi cát ngầm ngoài khơi bờ biển phản ánh sự tuyệt vọng. Nổi tiếng nhất là việc năm 1999, nước này neo đậu con tàu rỉ sét từ lâu được thừa kế từ Mỹ với tên Sierra Madre tại Bãi Cỏ Mây ở quần đảo Trường Sa, 105 hải lý về phía tây Palawan. Các thủy thủ trú chân trên con tàu cũ nát ngoài khơi đại diện cho yêu sách chủ quyền của Manila đối với vùng bãi cạn này. Tuy nhiên, sự tồn tại của họ phụ thuộc vào kết quả của trò chơi ngày càng mèo vờn chuột ngày càng gia tăng với hải quân Trung Quốc khi lực lượng này tìm cách ngăn chặn tiếp tế cho lực lượng đồn trú từ Philippines.
Ông Gilberto G. B. Asuque, trợ lý bộ trưởng ngoại giao Philipines về vấn đề đại dương, chào đón tác giả trong một phòng họp với đầy các bản đồ hàng hải lớn ở Bộ Ngoại giao Philippines. “Người Trung Quốc vẫn nói sẽ loại bỏ tàu của chúng tôi,” ông nói, ám chỉ tới con tàu Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây. Khi hỏi ông ấy liệu có phải nước ông chuẩn bị kém cho cuộc thách thức tiềm tàng hay không, ông trả lời: “Điều đó không phải chuyện rõ ràng sao?”. Ông Asuque nói Philippines được chọn làm người chơi trong cuộc xung đột với Bắc Kinh ở đấu trường công khai bất cứ khi nào có thể. Nếu Trung Quốc dùng biện pháp cưỡng bức, ông lập luận, cộng đồng quốc tế sẽ tập hợp để ủng hộ kẻ yếu thế.
Philippines có triết lý tương tự trong vụ kiện Trung Quốc về yêu sách “đường lưỡi bò” ngang ngược ở Biển Đông dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Liên Hợp Quốc không có thẩm quyền để yêu cầu Trung Quốc tuân theo bất cứ luật nào, nhưng với một nước yếu, Philipines tin tưởng vào chỉ trích quốc tế- dựa trên nỗi xấu hổ- để buộc Trung Quốc tuân theo công ước đã kí năm 1996. “Chúng tôi có mọi thứ để lấy lại, và chẳng có gì để mất,” Harry Roque, giáo sư luật tại đại học Philipines, người giúp thuyết phục chính phủ hành động pháp lý chống lại Trung Quốc, cho biết.
Tại vịnh Oysterm, nằm ở miền trung bờ biển phía tây Palawan, chính phủ Philipines đã động thổ xây dựng một căn cứ hải quân mới, với hy vọng đẩy lùi người hàng xóm cố chấp và khổng lồ. Manila vội vàng mua hai tàu tuần dương đã qua sử dụng từ Italia, một loạt trực thăng tấn công và các máy bay khác, và một đội tàu tuần tra cho cảnh sát biển. Tổng thống Benigno Aquino III thường nói về các vụ mua sắm, giải thích chúng như một nỗ lực để đảm bảo đất nước có ít nhất khả năng răn đe tối thiểu. Không thể nhầm lẫn rằng Trung Quốc luôn ám ảnh trong tâm trí ông.
Quan trọng nhất là Philipines đã kí thỏa thuận quốc phòng với Mỹ, động thái này dường như để ngăn chặn Bắc Kinh. Một tháng sau lễ kí kết, trong bài phát biểu ở West Point, Tổng thống Obama gửi thông điệp sau thỏa thuận: “Hãy để tôi nhắc lại nguyên tắc mà tôi đưa ra ngay từ đầu nhiệm kì Tổng thống của mình: Mỹ sẽ sử sụng sức mạnh quân sự đơn phương nếu cần thiết, khi lợi ích cốt lõi của chúng ta đòi hỏi- khi người dân chúng ta đang bị đe dọa, khi đời sống của chúng ta đang gặp lâm nguy, khi an ninh của các đồng minh gặp nguy hiểm”.
Người ta có thể nghĩ rằng thỏa thuận và nhận xét của ông Obama sẽ răn đe Trung Quốc, và không có nghi ngờ gì về sự đồng thuận tại Mỹ- nhưng nhìn từ Thái Bình Dương, giá trị răn đe của thỏa thuận này có vẻ ít chắc chắn. Trong thực tế, một cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines đã nói với tác giả rằng khả năng làm suy yếu đối thủ - mục tiêu nhằm hạ vị thế của Mỹ xuống tại khu vực mà Trung Quốc coi như sân sau - có vẻ là động lực chính đằng sau quyết đoán mới của Trung Quốc, Bắc Kinh hiện nhìn Philippines như một mục tiêu hấp dẫn hơn, Atlantic nhận định.
Hiện giờ Manila có sự ủng hộ của Mỹ, do đó việc tìm cách để làm bẽ mặt Philippines sẽ cho phép Bắc Kinh chứng minh một điểm lớn hơn. Suy nghĩ trên được tóm tắt một cách sống động trong ý kiến gần đây của Tướng Zhu Chenghu, một giáo sư tại Đại học Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc. Phát biểu với đài truyền hình Hồng Kông, ông Zhu cảnh báo các đồng minh của Mỹ ở châu Á rằng Mỹ đã trở thành một con hổ giấy. Ông coi phản ứng của Washington với khủng hoảng Ukraine như là “sự bất lực”.
Từ quan điểm của Trung Quốc, kịch bản hoàn hảo có thể dành cho các lực lượng vũ trang Philippines thiếu kinh nghiệm mạo hiểm sử dụng các thiết bị quân sự mới có được của họ, ngay lập tức khiến một cuộc đối đầu quân sự hạn chế sẽ thể hiện sự vượt trội của Trung Quốc và cho phép Trung Quốc đưa ra yêu sách mới hoặc cứng rắn hơn trong tuyên bố chủ quyền lãnh thổ với một vài đảo san hô nhỏ ở khu vực - có lẽ là vùng biển giàu hydrocarbon. Mỹ có thể sẽ thấy khó khăn để đáp trả một cách thỏa đáng do rất nhiều yếu tố. Đối với giới tinh hoa Trung Quốc, cơ hội để chứng minh Mỹ là một đối tác liên minh không đáng tin cậy trên khắp khu vực Thái Bình Dương chắc chắn sẽ hấp dẫn.
Atlantic nhận xét, nếu nguy cơ của việc sỉ nhục Mỹ bị đẩy lùi thì với một nước yếu như Philippines lại có khả năng rủi ro cao, tuy nhiên những rủi ro đối với Trung Quốc cũng rất lớn. Lịch sử hải quân Trung Quốc từ thế kỷ 19 là câu chuyện về những thất bại, đầu tiên trong cuộc chiến chống lại các cường quốc châu Âu và sau đó chống một Nhật Bản đang nổi lên, nước cuối cùng đã đánh bại Trung Quốc vào năm 1895. Bất kỳ thất bại nào trước Philippines sẽ gây nên những rắc rối và khả năng có thể gây bất ổn cho đảng cộng sản Trung Quốc. Và Washington cũng có thể gọi Bắc Kinh là kẻ bịp bợm, và bảo vệ Philippines nếu Trung Quốc cố gắng đuổi lính Philippines ra khỏi tiền đồn ở Bãi Cỏ Mây là chiếc tàu cũ Sierra Madre. Điều đó sẽ cho thấy Trung Quốc chỉ là một con hổ giấy.
Cuộc chơi sống còn
Vài trăm dặm về phía bắc Philippines, Trung Quốc cũng đang tranh chấp với Nhật Bản về một nhóm nhỏ các hòn đảo, đá cằn cỗi được biết tới ở Nhật Bản là quần đảo Senkaku, quần đảo nằm dưới sự kiểm soát của Tokyo kể từ khi sáp nhập năm 1895 cho đến khi đế quốc Nhật Bản thất bại trong thế chiến II. Mặc dù phần lãnh thổ này không quan trọng - không có người sống ở đây, cuộc chiến này có phần cam go không kém so với những tranh chấp ở phía nam.
Theo Atlantic, tương lai của Đông Á có thể được định đoạt ở đây. Khu vực này không bao giờ tồn tại hòa bình khi cùng có hai cường quốc châu Á nổi lên, và trong bối cảnh Trung Quốc theo đuổi vị thế bá chủ thế giới, Nhật Bản thể hiện rõ ý định muốn kiềm chế điều đó. Các quần đảo trải dài của Nhật Bản đã kìm chân Trung Quốc bước ra khỏi các vùng nước ven biển. Kiểm soát quần đảo Senkaku (và khả năng là quần đảo Ryukyu, nằm phía đông nam của quần đảo Senkaku) được Bắc Kinh coi là chìa khóa để tiếp cận trực tiếp, không bị trói buộc với đại dương rộng mở- và quan trọng hơn là một bước ngoặt để tiếp quản Đài Loan, mục tiêu căn bản trong nhiều thập kỷ qua.
Trung Quốc không tranh chấp chủ quyền của Nhật Bản đôi với quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) cho đến năm 1971, khi Mỹ từ bỏ những dấu vết cuối cùng của việc chiếm đóng quần đảo của Nhật Bản, trao trả thẩm quyền quản lý đối với hòn đảo cho Tokyo. Trong một động thái có vẻ không phải trùng hợp ngẫu nhiên, chỉ hai năm trước khi Trung Quốc bắt đầu đưa ra tuyên bố của mình, Liên Hợp Quốc công bố kết quả cuộc khảo sát địa vật lý của khu vực, kết luận rằng “thềm lục địa giữa Đài Loan và Nhật Bản có thể là một trong những giếng dầu lớn nhất trên thế giới”.
Năm 1978, sau nhiều năm tranh cãi, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nói với người đồng cấp Nhật Bản rằng hai nước nên lui vấn đề về quyền sở hữu các đảo tranh chấp cho “thế hệ tương lai” giải quyết. Căng thẳng bùng lên dữ dội trong năm 2010, 13 năm sau khi Đặng Tiểu Bình chết, một tàu đánh cá Trung Quốc đâm tàu Cảnh sát biển Nhật Bản ở vùng biển Senkaku/Điếu Ngư. Sự kiện Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng đã thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc.
Cách hành xử mới của Trung Quốc có vẻ không những phản ánh năng lực trỗi dậy mà còn tăng tình trạng bất an, Atlantic nhận xét.
Kể từ đó, Trung Quốc thường xuyên đưa tàu hải cảnh vào lãnh hải 12 hải lý xung quanh quần đảo Senkaku, một thách thức thẳng thừng đối với chính quyền Nhật Bản. Theo thời gian, quân đội của hai nước trực tiếp đối đầu nhau. Tháng 12/2012, ba tháng sau khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa một số trong quần đảo Senkaku (vùng đất trước đây đã được sở hữu bởi một công dân Nhật Bản), một máy bay do thám Trung Quốc đã bay vào không phận quần đảo, khiến Nhật Bản ngay lập tức điều máy bay chiến đấu từ Okinawa để đối phó.
Chỉ một tháng sau, trong một động thái mà các chuyên gia hải quân cho biết có thể dễ dàng dẫn đến một cuộc giao đấu hỏa lực nguy hiểm, một tàu khu trục Trung Quốc khóa radar kiểm soát hỏa lực trên tàu khu trục Nhật Yūdachi. Tiếp đó, máy bay quân sự của hai nước bay kè sát nhau bên trên vùng biển đang tranh chấp, trong những hành động nguy hiểm mà hai bên đều đổ lỗi cho nhau. Khi được hỏi trong một cuộc thăm dò được tiến hành vào hè năm 2104, nên làm thế nào để các tranh chấp lãnh thổ được giải quyết, 64% người Trung Quốc được hỏi cho biết Trung Quốc nên “tăng cường kiểm soát hiệu quả lãnh thổ”. Hơn một nửa nói rằng họ mong đợi xung đột quân sự với Nhật Bản vào thời điểm trong tương lai, trong khi chỉ 11% dự kiến xảy ra trong vài năm tới.
Tháng 12/2012, vị thủ tướng dân tộc chủ nghĩa nhất trong nhiều thế hệ, ông Shinzo Abe, đã trở lại quyền lực. Ông Abe đã tăng chi tiêu quốc phòng Nhật Bản lần đầu tiên trong nhiều năm quA và hứa sẽ sửa đổi hiến pháp, theo đó cấm sử dụng vũ lực trong tranh chấp, cho phép hợp pháp điều động quân đội quốc gia. Abe và nhiều cộng sự của ông cho thấy khuynh hướng sẵn sàng đối phó với tham vọng của Trung Quốc. Tháng 12/2014, ông Abe trở thành Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên sau nhiều năm đến thăm đền Yasukuni ở Tokyo, nơi mà thờ các tội phạm chiến tranh của Nhật Bản bị kết án trong thế chiến. Mối quan hệ của ông Abe với quá khứ lịch sử khiến quan hệ ngoại giao cấp cao với Trung Quốc cực kỳ khó khăn.
Ông Abe cũng phát biểu công khai về quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Trong một biện pháp phòng vệ lớn đầu tiên của mình, ông đã phê duyệt việc thành lập một lực lượng theo mô hình sau Thủy quân lục chiến Mỹ. Thậm chí Tokyo đã lao vào cuộc chạy đua tàu sân bay trong khu vực vừa bắt đầu, bằng cách xây dựng và gần đây là vận hành tàu sân bay hạng nhẹ Izumo, hiện nay mới chỉ triển khai máy bay trực thăng. Nhật Bản cũng công bố kế hoạch tăng hạm đội tàu ngầm tiên tiến từ 16 lên 22 chiếc. Thậm chí Nhật Bản còn tuyên bố có thể bắn hạ bất kỳ máy bay không người lái nào của Trung Quốc nếu vi phạm không phận Nhật.
Theo Atlantic, lý do Nhật Bản thiết lập các tiền đồn ở Ryukyu cùng với hầu hết các nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự gần đây, là sớm hay muộn Trung Quốc sẽ cố chiếm quần đảo Senkaku bằng vũ lực. Trong số các lợi ích khác, kiểm soát hòn đảo này sẽ tạo cho Trung Quốc căn cứ để tấn công tàu chiến Mỹ ở căn cứ Okinawa, ngăn chặn Mỹ tiếp cận Trung Quốc hay can thiệp vào cuộc xung đột nhằm kiểm soát Đài Loan vốn nằm gần Senkaku.
Phát biểu tại hội nghị ở San Diego năm 2014, giám đốc hoạt động tình báo và thông tin Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đại úy James Fanell, nhận định rằng Bắc Kinh đang sẵn sàng chuẩn bị lực lượng của mình “để có thể tiến hành một cuộc chiến tranh ngắn khốc liệt để tiêu diệt lực lượng của Nhật Bản trên biển Hoa Đông, sau đó theo dự kiến sẽ chiếm giữ quần đảo Senkaku và thậm chí phía nam quần đảo Ryukyu”. Lầu Năm Góc sau đó không bình luận gì về ý kiến của ông Fanell, mà một số chuyên gia khác trong khu vực nhận định là lời cảnh báo. Cho dù bất kể ý định thực sự của Trung Quốc là gì, nhận xét của Fanell vẫn truyền tải nhận thức mạnh mẽ về tiên báo của Mỹ về những căng thẳng ngày càng leo thang giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Nếu sự thù địch bùng nổ vào thời điểm hiện nay, nhiều nhà phân tích tin rằng Nhật Bản sẽ thắng thế. Ngoài việc được trang bị các hệ thống vũ khí tối tân của Mỹ, lực lượng của Nhật Bản còn hưởng lợi từ những năm tập trận chung cùng với các đối tác Mỹ, và chắc chắn có năng lực sẵn sàng chiến đấu hơn so với hải quân Trung Quốc.
Vì lý do đó, một số nhà phân tích nổi tiếng của Nhật cảm thấy không chắc rằng Trung Quốc sẽ sớm muốn nổ ra cuộc xung đột trực diện lớn với Nhật Bản. “Họ biết chúng tôi sẽ đánh bại họ”, một nhà tư tưởng hàng đầu về an ninh quốc gia Nhật nói thẳng thừng với Atlantic. Nhưng ông và các nhà phân tích khác luôn tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục khiêu khích với các cuộc va chạm cự ly gần và thậm chí là những cuộc đụng độ nhỏ với quân đội Nhật Bản - quấy rối máy bay Nhật, và đâm tàu tuần duyên. Họ cho rằng mục tiêu này rất khôn ngoan và chỉ là một phần của trò chơi dài hơi, liên quan đến dư luận ở cả Nhật Bản và Mỹ.
Atlantic đánh giá, khi Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng xảy ra nhiều va chạm nguy hiểm trên không và trên biển ở khu vực tranh chấp, nguy cơ đôi bên khai hỏa cũng sẽ tăng lên cùng với thương vong. Cho dù bên nào phải chịu trách nhiệm cho cuộc đụng độ sẽ thấy hình ảnh mình trong mắt quốc tế bị hoen ố, và phải đối mặt với áp lực lớn phải xoa dịu. Nếu Tokyo bị coi là kẻ xâm lược, hoặc thậm chí chỉ đơn thuần là hành động bất cẩn, các nhà phân tích Nhật Bản lo sợ sẽ có phản ứng dữ dội cả ở trong nước và nước ngoài. Dư luận tại Nhật Bản, với tư tưởng yêu chuộng hòa bình sâu sắc hiện thời, có thể tác động đến ông Abe hoặc một chính phủ tương lai, do dân chúng sợ hãi trước ý nghĩ các nhà lãnh đạo sẽ lôi kéo họ vào một cuộc chiến tranh với người láng giềng khổng lồ.
Thậm chí trong con mắt của các nhà phân tích Nhật Bản, phản ứng của dư luận Mỹ còn có thể gây tổn hại nghiêm trọng hơn. Từ năm 1996, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã thăm dò trực tiếp ý kiến người Mỹ về sự ủng hộ của họ cho các cam kết quốc phòng của Mỹ với Nhật Bản. Năm 2013, hai trong số ba người được hỏi ủng hộ, nhưng đó là mức ủng hộ thấp nhất kể từ khi cuộc thăm dò bắt đầu. Khi được hỏi quốc gia châu Á nào là “đối tác quan trọng nhất của Mỹ”, nhiều người Mỹ còn cho rằng Trung Quốc chứ không phải Nhật Bản. Nhất là vào thời điểm người Mỹ đã quá mệt mỏi vì chiến tranh, một cuộc đụng độ dữ dội giữa Nhật Bản và Trung Quốc về một nhúm đảo đá vô nghĩa sẽ dấy lên câu hỏi sâu sắc đáng lo ngại: Liệu Mỹ có thật sự sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc và bảo vệ Nhật Bản chỉ vì một vấn đề lãnh thổ nhập nhằng?
“Tai nạn sẽ xảy ra,” Narushige Michishita, giám đốc chương trình an ninh và nghiên cứu quốc tế tại Viện nghiên cứu chính sách quốc gia sau đại học Nhật Bản tại Tokyo nói thẳng, “Chúng tôi phải xây dựng chính sách dựa trên giả định rằng một số tranh chấp khốc liệt cuối cùng sẽ dẫn đến sai lầm, kết quả khiến nhiều binh lính thiệt mạng. Trọng tâm là phải giảm thiểu tối đa thiệt hại”. Nhiều nhà phân tích Nhật Bản tin rằng Trung Quốc đang cố gắng chọc tức Nhật Bản – thông qua những hành động khiêu khích dai dẳng, được sắp đặt một cách công phu, nhằm kích động một phản ứng thái quá từ phía Nhật Bản và Bắc Kinh sẽ tiếp tục làm như vậy.
Atlantic nhận định nếu Mỹ do dự trong cam kết với Tokyo, hay lẩn tránh hoàn toàn, Bắc Kinh sẽ tiến một chặng dài hướng tới việc đạt được mục tiêu lâu dài và lớn nhất của mình: phá hoại liên minh Mỹ- Nhật. Washington sẽ mất uy tín trong khu vực, nước này tới nước kia, thậm chí có thể bao gồm cả Nhật Bản, và họ bắt đầu các toan tính mới nhằm thỏa hiệp với Trung Quốc.
Một lần nữa ở đây cho thấy cơ hội diễn ra các tính toán sai lầm rất nhiều, và có thể gia tăng trong những năm tới. Đầu tiên, Trung Quốc nên thành công trong việc đối phó với một trong những đối thủ của mình ở Biển Đông là Philippines, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo quân đội và chính trị nước này có thể cảm thấy được khích lệ. Và trong cùng kịch bản đó, trách nhiệm của Washington là phải ủng hộ mạnh mẽ Nhật Bản, để tránh phải chứng kiến toàn bộ cấu trúc liên minh ở châu Á sụp đổ.
Theo Atlantic, Washington có nhiều lựa chọn trong bất kỳ cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, từ tham gia chiến đấu trực tiếp đến hỗ trợ tích cực về tình báo thông qua vệ tinh thời gian thực và radar trinh sát, giúp đỡ hậu cần, và thậm chí đánh chặn tên lửa của Trung Quốc. Những lựa chọn đa dạng có thể cho phép Mỹ hiệu chỉnh phản ứng quân sự của mình trước bất kỳ sự thù địch nào, kết hợp với ngoại giao khéo léo, để dập tắt xung đột trong khi vẫn giữ vững vị thế của mình.
(còn tiếp)