|
Hai ông Lý Thượng Phúc (trái) và Đặng Chí Bình bị thông báo cách chức đại biểu Quốc hội Trung Quốc (Ảnh: Singtao) |
Phó Tư lệnh Lục quân bị bãi chức đại biểu Quốc hội
Theo các quy định liên quan của Luật Đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Đại hội đại biểu nhân dân địa phương các cấp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tư cách đại diện cho các quân nhân của Đặng Chí Bình tại Quốc hội đã bị chấm dứt.
Ngày 13/9, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã ra thông báo miễn nhiệm chức vụ của 4 đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, bao gồm: Từ Tá (Xu Zuo), Điền Thành (Tian Cheng), Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) và Đặng Chí Bình (Deng Zhiping). Ngoài ra, còn có Từ Hồng (Xu Hong), nguyên thị trưởng thành phố Tân Dư, tỉnh Giang Tây, từ chức đại biểu Quốc hội. Trong số 5 người này có hai cựu lãnh đạo Quân đội là Đặng Chí Bình, Trung tướng, Phó Tư lệnh Lục quân và Lý Thượng Phúc, Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Cùng ngày 13/9, trang web của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã công bố "Báo cáo của Ủy ban xét duyệt tư cách đại diện của Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 14 về tư cách đại diện của cá nhân đại biểu ", giải thích lý do loại bỏ ông Đặng Chí Bình.
Theo đó, ông Đặng Chí Bình, sinh 1964, quê Giang Tây, đại biểu Quốc hội khóa 14 do Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc bầu chọn, nguyên Phó Tư lệnh Lục quân, bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng. Lục quân đã tổ chức Đại hội quân đại biểu quân nhân ra quyết định loại bỏ Đặng Chí Bình khỏi tư cách đại diện của Lục quân tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) khóa 14.
Đặng Chí Bình "mất tích"
Thông tin công khai cho thấy, Đặng Chí Bình, 60 tuổi, là Trung tướng từng tham gia các hoạt động quân sự ở biên giới Việt-Trung những năm 1980 và sau đó được lần lượt giao giữ các chức vụ: Trưởng phòng Quân lực của Bộ Tư lệnh Quân khu Thành Đô; Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 14 (9/2012); Phó Tư lệnh Tập đoàn quân 14 (9/2014).
Tháng 1/2016, ông được thăng chức Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Chiến trường miền Tây; từ tháng 3/2021 là Phó Tư lệnh Lục quân Trung Quốc. Đặng Chí Bình được phong hàm Thiếu tướng tháng 7/2013 và thăng hàm Trung tướng tháng 3/2021.
Đặng Chí Bình đã bị bãi miễn tư cách đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 14 tại Đại hội đại biểu quân nhân Lục quân ngày 6/6/2024. Do đó giới quan sát cho rằng, theo quy trình về công tác kiểm tra kỷ luật, Đặng Chí Bình đã bị bắt trước ngày 6/6 “vì nghi ngờ vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng”. Tuy nhiên, tin này chưa được chính thức xác nhận cho đến khi công bố nên Đặng Chí Bình khi đó bị coi là “mất tích”.
Hệ lụy của “Đại án tên lửa”
Theo thống kê của trang tin Caixin được coi là gần gũi với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - Ủy ban Giám sát Quốc gia, tính đến ngày 13/9, số lượng đại biểu quân sự (gồm Quân đội giải phóng nhân dân – PLA và Lực lượng Cảnh sát Vũ trang) trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) khóa 14 của Trung Quốc đã giảm từ 281 xuống còn 269 người. Trong số 12 tướng lĩnh bị cách chức đại biểu Quốc hội có 4 Thượng tướng, 6 Trung tướng và 2 Thiếu tướng.
Trong số 12 người, có 4 người mang quân hàm Thượng tướng là các ông Chu Á Ninh, Lý Ngọc Siêu (là hai cựu Tư lệnh quân chủng Tên lửa chiến lược kế nhiệm nhau), Ngụy Phượng Hòa, Lý Thượng Phúc (hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng kế nhiệm nhau).
Giới quan sát cho rằng phần lớn những người này bị mất chức, bắt giam là do dính líu “Vụ án đội quân tên lửa” dẫn đến cuộc thanh trừng lớn. Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc và cả ba đời Tư lệnh Lực lượng Tên lửa là Lý Ngọc Siêu, Chu Á Ninh, Ngụy Phượng Hòa đều bị cách chức.
Ngoài danh sách công khai các quan chức bị cách chức, còn có tin một số lượng khá lớn quan chức cấp cao trong hệ thống công nghiệp quốc phòng đang "mất tích". Tuy nhiên, các cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa công bố nguyên nhân điều tra cho đến khi họ bị tuyên bố bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội hoặc thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.
Ông Vương Hữu Quần (Wang Youqun), cựu quan chức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, mới đây đã đăng một bài viết thống kê nêu tên một số quan chức cấp cao trong ngành quân sự đã “mất tích”.
Theo đó, ngày 27/12/2023, các ông Ngô Yên Sinh (Wu Yansheng), Chủ tịch kiêm Bí thư đảng ủy Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc; Lưu Thạch Tuyền (Liu Shiquan), Chủ tịch kiêm Bí thư đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Binh khí Trung Quốc; Vương Trường Thanh (Wang Changqing), Phó tổng giám đốc, Đảng ủy viên Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc đã bị bãi chức Ủy viên Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc khóa 14.
Những người này mới chỉ đảm nhiệm chức vụ được hơn 9 tháng. Các cơ quan truyền thông chính thức khi đưa tin đã không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào.
Ngoài ra, vào ngày 12/4 năm nay, ông Trần Tích Minh (Chen Ximing) được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Bí thư đảng ủy Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc. Điều này có nghĩa là ông Viên Khiết (Yuan Jie) không còn giữ chức Chủ tịch kiêm Bí thư đảng ủy Tập đoàn này nữa, nhưng các cơ quan truyền thông của Trung Quốc không đưa tin về việc Viên Khiết bị bãi chức.
Cũng vào ngày 12/4, ông Trương Ngọc Kim (Zhang Yujin) được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc và Phó bí thư Đảng ủy Tập đoàn Thiết bị Binh khí Trung Quốc. Điều này cũng có nghĩa là Trần Quốc Anh (Chen Guoying) không còn giữ chức vụ này nữa, nhưng các cơ quan truyền thông của Trung Quốc cũng không đưa tin về việc ông này bị mất chức.
Lần xuất hiện trước công chúng gần đây nhất của Trần Quốc Anh là vào ngày 25/7/2023 và ông đã "mất tích" hơn một năm.
Trung Quốc: Một ngày công bố khai trừ đảng ba “Hổ” cấp bộ
BeiDou, đối thủ của GPS: Thế giới có chào đón một sự thay thế đến từ Trung Quốc?
Hai "ông lớn" rút lui, dòng vốn tiếp tục tháo chạy khỏi Trung Quốc
Theo Guancha, Singtao