Ba quan chức này là Lý Hiển Cương, nguyên Đảng ủy viên (ĐUV), Phó Chủ nhiệm Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Hắc Long Giang; Lưu Duyệt Tiến, Ủy viên Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính Hiệp toàn quốc khóa 13 và Lý Dũng, nguyên Phó Bí thư, Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí ngoài khơi (CNOOC).
Ba quan chức cấp thứ trưởng này lần lượt bị cách chức từ ngày 15 đến ngày 18/3 sau khi kết thúc hai kỳ họp quốc gia (Quốc hội và Chính Hiệp) năm nay. Sau gần nửa năm, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã công bố kết quả xử lý kỷ luật đảng đối với họ.
Lý Hiển Cương: Dò hỏi thông tin thanh tra và đổi tiền bạc lấy sắc dục
Lý Hiển Cương, ĐUV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội ĐBND tỉnh Hắc Long Giang, bị điều tra ngày 17/3 khi đang tại chức.
Thông báo kỷ luật ngày 11/9 trên trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia nêu rõ: “Lý Hiển Cương đã đánh mất lý tưởng và niềm tin, từ bỏ ý sứ mệnh ban đầu, đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về các chính sách lớn của Trung ương Đảng, chống lại việc xem xét của tổ chức; vi phạm tinh thần 8 điều quy định của trung ương, nhận dự tiệc chiêu đãi có thể ảnh hưởng thực hiện công bằng công vụ, ra vào câu lạc bộ tư nhân trái quy định; vi phạm nguyên tắc tổ chức, không giải thích trung thực vấn đề khi tổ chức yêu cầu; lợi dụng chức quyền, vi phạm quy định để giúp thăng tiến, điều chỉnh công việc cho người khác; đánh mất liêm chính, nhận tiền quà trái quy định, đổi tiền bạc lấy sắc dục; vi phạm quy định, dò hỏi thông tin thanh tra trái pháp luật; giữ tài liệu mật; tha hóa về đạo đức; tham lam hủ bại, lợi dụng quyền lực công làm công cụ mưu tư lợi, lợi dụng chức vụ để làm lợi cho người khác trong hoạt động kinh doanh, xử lý vụ việc...và biển thủ số tài sản công rất lớn”.
Thường trực Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã họp xem xét và báo cáo Trung ương ĐCSTQ phê chuẩn, quyết định khai trừ Lý Hiển Cương khỏi đảng; tịch thu số tiền thu lợi bất hợp pháp, chuyển vấn đề bị nghi ngờ cho viện kiểm sát xem xét, truy tố theo quy định của pháp luật.
Theo hồ sơ lý lịch, Lý Hiển Cương sinh năm 1963 tại Hồ Bắc, có bằng tiến sĩ về quản lý. Ông từng là Tổng thư ký Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Năm 2000, ông được điều động làm Tổng thư ký Văn phòng Trung ương Đảng trong 5 năm.
Năm 2005, ông ta được đưa về Hắc Long Giang giữ chức Phó Tổng thư ký tỉnh ủy. Năm 2008, được bổ nhiệm làm thị trưởng Song Áp Sơn; năm 2013, được bổ nhiệm làm ĐUV, Tổng thư ký Chính quyền tỉnh Hắc Long Giang. Tháng 1/2018, được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm thường trực Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Hắc Long Giang, giữ chức được 6 năm rồi bị điều tra.
Lưu Duyệt Tiến: Bí mật tàng trữ tài liệu mật, giao dịch đổi quyền lấy tiền
Lưu Duyệt Tiến là Ủy viên Ủy ban toàn quốc khóa 13 của Hội nghị Chính Hiệp Trung Quốc (đã nghỉ hưu), đã bị điều tra từ ngày 18/3. Ông ta thôi chức Chuyên viên chống khủng bố của Bộ Công an tháng 6/2020.
Thông báo kỷ luật nêu rõ: Được sự chấp thuận của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia đã tiến hành xem xét và điều tra vụ vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng của Lưu Duyệt Tiến (cấp thứ trưởng), Ủy viên toàn quốc khóa 13 của Hội nghị Chính Hiệp.
Ngoài các vi phạm tương tự Lý Hiển Cương, thông báo kỷ luật còn nêu Lưu Duyệt Tiến đã “lưu giữ tài liệu mật trái phép; không có ý thức kỷ luật, vi phạm pháp luật khi thi hành pháp luật, sử dụng quyền lực làm công cụ mưu tư lợi; tham gia vào các giao dịch quyền - tiền, lợi dụng chức vụ của mình để mang lại lợi ích cho người khác trong hoạt động kinh doanh, phối hợp vụ án...và nhận bất hợp pháp số lượng tài sản khổng lồ”.
Thường trực Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã họp báo cáo Trung ương phê chuẩn, quyết định khai trừ Lưu Duyệt Tiến ra khỏi đảng; tịch thu số tài sản thu lợi bất chính, những dấu hiệu phạm tội được chuyển cho viện kiểm sát để xem xét, truy tố theo quy định của pháp luật.
Theo hồ sơ lý lịch, Lưu Duyệt Tiến sinh năm 1959 tại Hồ Nam. Ông ta học chuyên ngành điều tra tội phạm tại Đại học Khoa học Chính trị và Pháp luật Tây Nam, có bằng cử nhân luật.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Lưu Duyệt Tiến về Cục Công an Thiên Tân làm điều tra viên cấp cơ sở và lần lượt giữ chức vụ Trưởng phòng Điều tra Hình sự của Cục Công an Thiên Tân, Phó Giám đốc Công an Thiên Tân. Sau đó, ông ta được điều về Bộ Công an và lần lượt giữ các chức vụ Chánh Văn phòng Bộ, Phó Hiệu trưởng Học viện Cảnh sát vũ trang, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy Bộ Công an.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã chủ trì nhiều vụ án chống ma túy lớn, trong đó có "Vụ án sông Mê Kông 10·5" nổi tiếng. Từ tháng 10/2014, Lưu Duyệt Tiến là Đảng ủy viên Bộ Công an, được bổ nhiệm làm Trợ lý Bộ trưởng. Từ tháng 1/2015, giữ chức Phó Giám đốc điều hành Văn phòng chống ma túy Quốc gia, Đảng ủy viên…Tháng 12/2015, Lưu Duyệt Tiến trở thành Chuyên viên chống khủng bố đầu tiên (cấp Thứ trưởng) của Bộ Công an cho đến khi rời chức vào tháng 6/2020.
Bị điều tra sau gần 4 năm rời nhiệm sở, Lưu Duyệt Tiến trở thành quan chức cấp thứ trưởng Bộ Công an duy nhất bị ngã ngựa sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 ĐCSTQ.
Lý Dũng: Làm việc trong nước nhận tiền ở nước ngoài
Lý Dũng, nguyên Phó bí thư đảng ủy kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), bị điều tra hôm 15/3, chỉ hơn 80 ngày sau khi ông về hưu.
Thông báo kỷ luật trên trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia nêu rõ: “Lý Dũng đã đánh mất lý tưởng và niềm tin, đi chệch khỏi mục đích và sứ mệnh ban đầu, chống lại sự xem xét của tổ chức; phớt lờ tinh thần của 8 điều quy định của trung ương, nhiều lần dự các bữa tiệc và chơi golf vi phạm nguyên tắc tổ chức; không trung thực trong các cuộc làm việc với tổ chức; đề bạt, điều chỉnh cán bộ vi phạm quy định; nhận quà trái quy định, chấp nhận sắp xếp đi du lịch có thể ảnh hưởng đến việc thực thi công vụ một cách công bằng, tham gia vào các giao dịch đổi quyền lấy tiền bạc và tình dục; không có ranh giới về kỷ luật, pháp luật, vô lương tâm “dựa vào dầu ăn dầu”, cộng tác với giới kinh doanh vô đạo đức, tham gia vào các giao dịch quyền lực, thực hiện làm việc trong nước, nhận tiền ở nước ngoài, lợi dụng chức vụ để trục lợi cho người khác về đại lý kinh doanh, bán sản phẩm, thăng tiến trong công việc... và nhận số tài sản khổng lồ trái pháp luật”.
Thường trực Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã họp, báo cáo Trung ương phê chuẩn, quyết định khai trừ Lý Dũng ra khỏi đảng; bãi bỏ mọi chính sách chế độ đang được hưởng theo quy định; tịch thu số tài sản thu lợi bất chính, chuyển những dấu hiệu phạm tội cho Viện kiểm sát để xem xét, truy tố theo quy định của pháp luật.
Lý Dũng sinh tháng 8/1963, là kỹ sư cao cấp và có bằng thạc sĩ. Ông ta đã làm việc lâu năm trong ngành hóa dầu. Ông gia nhập CNOOC sau khi tốt nghiệp đại học và giữ chức Phó chủ tịch điều hành, Chủ tịch, Giám đốc điều hành và Bí thư đảng ủy của China Oilfield Services Co., Ltd. Tháng 6/2016, là Trợ lý Tổng giám đốc CNOOC, Phó chủ tịch điều hành của CNOOC, Giám đốc và bí thư Đảng ủy Cục Quản lý Dầu khí Bột Hải, Tổng giám đốc Chi nhánh CNOOC Thiên Tân. Tháng 3/2017, ông được điều động giữ chức Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sinopec và tháng 4/2019. Tháng 9/2020, Lý Dũng trở lại CNOOC với chức vụ Phó bí thư, Phó chủ tịch, Tổng giám đốc. Ngày 18/12/2023, CNOOC thông báo Lý Dũng từ chức Giám đốc không điều hành và Phó chủ tịch của công ty để nghỉ hưu.
Đáng chú ý là từ ngày 7/4 đến ngày 21/6 năm ngoái, Đoàn thanh tra thứ 10 của Trung ương ĐCSTQ đã tiến hành kiểm tra định kỳ Đảng ủy CNOOC. Sau đó hàng loạt quan chức các cấp trong ban lãnh đạo và các Công ty thuộc CNOOC bị ngã ngựa và Lý Dũng cũng bị điều tra.
Theo Chinanews, Finance.Sina