|
Máy bay chiến đấu J-11 Trung Quốc từng đánh chặn máy bay tuần tra săn ngầm P-8 Mỹ ở Biển Đông. |
Theo hãng tin BBC Anh, ngày 18/5, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, 2 máy bay chiến đấu Trung Quốc đã đánh chặn một máy bay trinh sát Mỹ đang bay ở vùng trời quốc tế trên Biển Đông theo cách thức “không an toàn”.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, thiếu tá Jeff Davis cho biết: “Bộ Quốc phòng đang tiến hành kiểm tra đối với sự việc hai máy bay chiến đấu nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đánh chặn một máy bay trinh sát tuần tra biển của Mỹ vào ngày 17/5”. “Báo cáo gần đây mô tả sự việc này không an toàn”.
Jeff Davis còn cho biết, Mỹ đang thông qua các kênh ngoại giao và quân sự thích hợp để xử lý sự việc này.
Trước đó, vào hôm thứ Ba vừa qua (ngày 17/5), máy bay trinh sát EP-3 Mỹ bị các máy bay chiến đấu Trung Quốc đánh chặn ở Biển Đông, khoảng cách gần nhất 15 m. Tờ Navytimes Mỹ cho hay, Quân đội Mỹ hiện có 15 máy bay trinh sát EP-3, toàn bộ thuộc phi đội VQ-1 Global Watches, triển khai ở căn cứ Kadena, Okinawa.
Được biết, mỗi tuần hai lần, máy bay EP-3 cất cánh từ Okinawa bay trên không phận gần đến quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam), tiến hành trinh sát thường lệ đối với bờ biển Trung Quốc và quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung Quốc chiếm đóng trái phép, dọc đường bị Không quân Trung Quốc tiến hành theo dõi thường xuyên.
Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết, trong cuộc “đụng độ” ở phía đông đảo Hải Nam, 2 máy bay chiến đấu J-11 Trung Quốc cố tình tiếp cận khoảng cách chưa đến 15 m so với máy bay EP-3 Mỹ.
Trung Quốc nhiều lần chỉ trích Mỹ điều tàu chiến và máy bay áp sát vùng biển do họ “quản lý” để tiến hành do thám, cho rằng, cách làm này của Mỹ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc, rất dễ gây ra các sự cố bất ngờ trên biển, trên không.
Trước đó, ngày 19/8/2014, Trung Quốc cũng điều một chiếc máy bay chiến đấu J-11 đánh chặn một chiếc máy bay săn ngầm P-3 và một chiếc máy bay tuần tra P-8 Hải quân Mỹ trên bầu trời cách đảo Hải Nam 220 km về phía đông. Sau đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông qua kênh ngoại giao để phản đối.
BBC ngày 20/5 cho rằng, sau khi hai máy bay chiến đấu phản lực Trung Quốc đánh chặn máy bay trinh sát Quân đội Mỹ, Bắc Kinh còn yêu cầu Mỹ chấm dứt tiến hành hoạt động trinh sát ở khu vực lân cận Trung Quốc.
Trước vụ đánh chặn lần này, khi tàu chiến Hải quân Mỹ tuần tra ở vùng biển Trung Quốc nhảy vào tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc cũng đã khẩn cấp điều động máy bay chiến đấu.
Năm 2015, Mỹ và Trung Quốc tuyên bố đã đạt được thỏa thuận về đường dây nóng và quy tắc ứng xử khi gặp nhau bất ngờ trên biển, trên không (CUES).
CUES đã bị phá vỡ
Người phụ trách Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, Greg Poling cho rằng, vụ đụng độ trên không lần này là trường hợp mà thỏa thuận CUES tìm cách ngăn chặn.
Greg Poling cho rằng, một trường hợp là Không quân Trung Quốc không nhận được các thông tin có liên quan, một trường hợp khác là qua đó họ phát đi tín hiệu, cho thấy họ bất mãn với các hành động tự do đi lại gần đây của Mỹ.
Nếu thuộc trường hợp thứ hai, Trung Quốc đã dùng cách hy sinh thỏa thuận để tiến hành trò chơi chính trị, đây là điều đáng thất vọng.
Giáo sư Trương Bạc Hối, Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông cho rằng, vụ “đụng độ” trên không lần này đã cho thấy tính hạn chế của thỏa thuận trên. Trong trường hợp cần thiết, phi công Trung Quốc vẫn có thể bay gần máy bay trinh sát Mỹ.
Theo chuyên gia này, vụ “đụng độ” này hoàn toàn không có gì kỳ lạ, bởi vì, Trung Quốc luôn coi an ninh quốc gia quan trọng hơn các điều khoản của thỏa thuận quy tắc ứng xử Trung-Mỹ, đặc biệt Trung Quốc sẽ càng như vậy khi họ cho rằng lợi ích của mình bị đe dọa trực tiếp.
Mặc dù vị trí chính xác của vụ đánh chặn trên không còn chưa rõ, nhưng, các chuyên gia và tùy viên quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, bờ biển miền nam Trung Quốc đang trở thành khu quân sự ngày càng nhạy cảm.
Hải Nam là căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc, hạm đội tàu ngầm có năng lực tấn công hạt nhân ở đó đang được mở rộng, vì vậy trở thành mục tiêu hoạt động trinh sát của phương Tây.
Duyên hải tỉnh Quảng Đông cũng được cho là đã triển khai căn cứ tên lửa tiên tiến nhất của Trung Quốc, bao gồm tên lửa chống hạm Đông Phong-21D.
Tháng trước, sau khi Trung Quốc dùng máy bay quân sự vận chuyển công nhân bị bệnh từ đá Chữ Thập (Khánh Hòa, Việt Nam) một cách phi pháp, Lầu Năm Góc kêu gọi Trung Quốc xác nhận kế hoạch chưa triển khai máy bay quân sự ở quần đảo Trường Sa.
Hoàng Đông, Hội trưởng Hội nghiên cứu quân sự Ma Cao cho rằng, so với sự kiện va chạm máy bay ở Biển Đông vào năm 2001, lần này, khoảng cách đánh chặn là 15 m, thực ra là đã rút ra bài học trước đây.
Nhưng, theo Hoàng Đông, kích cỡ máy bay trinh sát Mỹ tương đối lớn, luồng khí máy bay rất dễ làm cho máy bay chiến đấu có kích cỡ nhỏ hơn của Trung Quốc bị mất kiểm soát, vì vậy, đánh chặn ở khoảng cách 15 m vẫn có rủi ro rất cao. Phi công Mỹ mới buộc phải hạ thấp xuống vài chục m, tránh tình huống nguy hiểm.
Quân đội Mỹ hiện tạm thời chưa công bố Trung Quốc đã tiến hành đánh chặn như thế nào. Hoàng Đông cho rằng, khả năng áp sát từ phía sau và mặt bên của máy bay J-11 là tương đối cao, tốc độ của máy bay quân sự khá cao, đánh chặn ở phía trước sẽ có rủi ro quá lớn.
Đáng chú ý, vụ đánh chặn lần này xảy ra trước thời gian Tổng thống Mỹ Barack Obama tiến hành thăm một số nước châu Á chỉ vài ngày (từ ngày 21 – 28/5/2016). Ông Obama sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7, đồng thời lần đầu tiên đến thăm Việt Nam.
Đối với sự kiện đánh chặn lần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, "máy bay quân sự Mỹ thường xuyên tiến hành hoạt động trinh sát ở duyên hải Trung Quốc, đe dọa nghiêm trọng an ninh biển của Trung Quốc".
Trung Quốc lớn tiếng yêu cầu Mỹ lập tức chấm dứt các hoạt động trinh sát cự ly gần để tránh sự việc tương tự xảy ra.
Hồng Lỗi nói rằng, tuyên bố của Lầu Năm Góc không đúng sự thật. Máy bay Trung Quốc tiến hành theo dõi hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn an toàn và chuyên nghiệp, không hề có bất cứ hành động nguy hiểm nào.