|
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chọn ông Peter J. Navarro (giữa) làm Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc gia Mỹ. Ảnh: Cankao. |
Tờ Nhật báo phố Wall Mỹ ngày 23/12 cho biết Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã bổ nhiệm một người phụ trách chính sách thương mại Mỹ có thái độ hoài nghi về thương mại với Trung Quốc. Ngày 22/12, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra phản ứng có tính kiềm chế trước khả năng ông Donald Trump gây ra đối đầu thương mại với Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/12 cho biết giống như các nước khác, Trung Quốc theo dõi chặt chẽ đội ngũ chuyển tiếp của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và phương hướng chính sách của họ.
Trung Quốc và Mỹ là hai nước lớn, có lợi ích chung rộng rãi, hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất của hai bên.
Ông Peter Navarro, người sắp lên làm Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc gia Nhà Trắng, từng thúc giục Mỹ và đồng minh cắt giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc để làm suy yếu tài chính của Trung Quốc và ngăn chặn Trung Quốc phát triển quân sự.
Trong một cuốn sách mới nhất, ông Peter Navarro nói: "Nếu không như vậy, khi những hòn đạn và tên lửa của Trung Quốc bắt đầu gào thét, thì Mỹ và đồng minh chỉ có thể tự trách mình".
Việc ông Peter Navarro được bổ nhiệm cùng với việc đội ngũ ông Donald Trump đe dọa xác định Trung Quốc là nước thao túng tỷ giá hối đoái, đánh thuế cao (45%) đối với hàng hóa Trung Quốc cũng đã gây ra bất mãn cho dư luận Trung Quốc.
Giáo sư kinh tế Trình Đại Vi từ Đại học Nhân dân Trung Quốc, người từng làm cố vấn thương mại cho Chính phủ Trung Quốc cho rằng phát ngôn của đội ngũ ông Donald Trump đều dựa trên những quan niệm sai lầm, nhưng bà cho rằng Trung Quốc sẽ không "đánh đòn phủ đầu" đối với Mỹ.
Bà cho hay, Trung Quốc đang tận dụng thời gian trước khi Mỹ có Chính phủ mới để thu thập chứng cứ, sẵn sàng cho các hành động “báo thù” về thương mại đối với Mỹ.
Theo bà Trình Đại Vi, Trung Quốc đang chuẩn bị "đạn dược" và cho biết Bộ Thương mại Trung Quốc hiện đang rất "bận rộn".
Nhà phân tích kinh tế này cho rằng nếu Mỹ áp dụng các biện pháp cứng rắn với Trung Quốc thì sẽ có khả năng dẫn tới Trung Quốc áp dụng các hành động “báo thù” có mục đích rõ ràng.
Gary Hufbauer, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Petersen cho rằng mục tiêu của Trung Quốc là áp dụng các biện pháp báo thù nhằm vào các lĩnh vực yếu ớt của Mỹ, qua đó đối phó với các hành động của ông Donald Trump.
Chuyên gia thương mại cho rằng, mục tiêu của hành động “báo thù” của Trung Quốc có thể bao gồm máy bay của hãng Boeing và xuất khẩu nông sản của các bang miền trung, miền tây nước Mỹ.
Nhà nghiên cứu Derek Scissor của tổ chức China Beige Book International cho rằng hủy bỏ đơn đặt hàng của hãng Boeing sẽ gây thiệt hại cho các cổ đông của Mỹ, lợi ích của công đoàn và mở rộng nhập siêu thương mại của Mỹ, làm gia tăng sức ép cho Tân Chính phủ Mỹ. Đến tháng trước, đơn hàng máy Boeing chờ bàn giao của Trung Quốc là 292 chiếc.
Theo nhà nghiên cứu Derek Scissor, cản trở xuất khẩu đậu tương và các thực phẩm khác của Mỹ sẽ thúc đẩy các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa áp dụng hành động. Trong các cử tri do những thượng nghị sĩ này đại diện, cử tri làm việc trong ngành chế tạo không nhiều. Vào mùa vụ năm 2016 - 2017, Trung Quốc dự tính sẽ nhập khẩu 86 triệu tấn đậu tương, trong đó 30 triệu tấn sẽ đến từ Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc cũng có khả năng tìm cách gây sức ép với các công ty xuyên quốc gia của Mỹ như General Motors. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất của General Motors.
Nhà nghiên cứu Trình Đại Vi cho rằng Trung Quốc có thể tìm cách tranh thủ một số công ty đầu tư tại Trung Quốc để thuyết phục ông Donald Trump.