Trung Quốc có thể thảm bại nếu khai chiến với Nhật Bản

VietTimes -- Trong tuyến phòng thủ "chuỗi đảo thứ nhất", Nhật Bản là lực lượng chủ lực ngăn chặn Trung Quốc, địa điểm chiến lược bùng phát xung đột trên biển Hoa Đông là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhưng trong tình huống này, Trung Quốc hoàn toàn không có lợi thế chiến trường và nguy cơ thua thảm...
Lực lượng phòng vệ Hải quân Nhật Bản
Lực lượng phòng vệ Hải quân Nhật Bản

Xem tiếp: Mỹ xây chiến tuyến chặn Trung Quốc: Hàn Quốc nắm “yết hầu” Tsusima

Lực lượng phòng vệ hải quân Nhật Bản (Maritime Self-Defense Force - IMR) có nhiệm vụ bảo vệ các tuyến giao thông đường biển, các cảng biển, các căn cứ hải quân và cơ sở quân dân sự trên bờ biển, chiến đấu chống các cụm binh lực hải quân đối phương, phong tỏa các eo biển trong vùng nước lân cận của quần đảo Nhật Bản, chống đổ bộ đường biển và thực hiện các đòn tấn công đổ bộ, tiến hành các hoạt động vận tải quân sự đường biển, hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng quân đội Mỹ.

Cơ cấu tổ chức của lực lượng phòng vệ Nhật Bản IMR là tổ chức  của lực lượng hải quân bảo vệ lợi ích quốc gia trong vùng hàng hải bao quanh vùng EEZ của Nhật Bản, có thể hoạt động trên chiều sâu chiến trường đến 1.000 dặm.

Khu trục hạm đổ bộ trực thăng DHH JS Izumo, có thể sử dụng cho máy bay tàng hình F-35 cất cánh thẳng đứng
Khu trục hạm tên lửa Aegis JDS Kongō (DDG-173)

Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản có trong biên chế: Tàu sân bay đổ bộ trực thăng (DDH): 4 (Một chiếc nữa dự kiến sẽ hạ thủy vào năm 2016); Tàu đổ bộ (LST): 3 chiếc; Khu trục hạm tên lửa điều khiển trang bị hệ thông Aegis (DDG): 12 chiếc; Khu trục hạm (DD): 25 chiếc; Hộ tống hạm (DE): 6 chiếc; Tàu quét mìn (MS): 27, Khinh hạm tên lửa (PB): 6; tàu ngầm tấn công diesel – điện (SSK): 17 chiếc (có kế hoạch đóng thêm 15 chiếc); 8 tàu huấn luyện và một hạm đội tàu phụ trợ khác.

Lực lượng máy bay chống ngầm P-3C Nhật Bản

Không quân Hải quân Nhật Bản tập trung sức mạnh chủ yếu ở lực lượng chống ngầm và cảnh báo sớm: Trong lực lượng phòng vệ hàng hải có 86 chiếc P-3 orion, trong đó có 3 chiếc huấn luyện. 5 chiếc Kawasaki P-1, dự kiến sẽ hoàn toàn thay thế P-3 Orion của Mỹ. 114 chiếc trực thăng Mitsubishi SH-60 làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, chống ngầm, 13 chiếc trực thăng CH-53E Super Stallion và AgustaWestland AW101 làm nhiệm vụ quét mìn.

Lực lượng phòng vệ Không quân Nhật Bản tổng số lượng gồm 299 máy bay tiêm kích đa nhiệm, trong đó có 145 chiếc máy bay tiêm kích F-2 (phiên bản F-16) F-4 Phantom, lực lượng chủ công là 154 chiếc F-15J Eagle chiếm ưu thế trên không. Đặc biệt Nhật Bản có tới 17 máy bay AWACS (trinh sát và cảnh báo sớm) và 8 máy bay tác chiến điện tử. Đây là một ưu thế đặc biệt của không quân Nhật Bản trước lực lượng không quân hải quân Trung Quốc.

Khu vực có nguy cơ xảy ra xung đột trên biển Hoa Đông, bắt đầu từ quần đảo tranh chấp Senkaku, phát triển dọc theo chuỗi đảo Ryukyu

Nhật Bản và Trung Quốc chia sẻ các vùng nước của biển Hoa Đông, trong đó Trung Quốc chỉ có thể triển khai một phần lực lượng hải quân lớn của mình cho vùng biển này trong trường hợp xảy ra xung đột, do phải ngăn chặn các nguy cơ có thể xuất phát từ hướng Biển Đông. Chính vì vậy có thể cho rằng trên vùng nước biển Hoa Đông, số lượng chiến hạm hai bên tương đương nhau, bao gồm cả lực lượng tàu ngầm.

Sự so sánh số lượng các chiến hạm nổi mặt nước giữa Trung Quốc và Nhật Bản cho thấy có sự cân bằng lực lượng, có khả năng tiến hành các cuộc chiến tương xứng, nhưng nếu so sánh theo lớp tàu, lợi thế nghiêng về phía Nhật Bản, đồng thời năng lực phòng không trên biển của Nhật Bản cũng vượt trội hơn so với các chiến hạm Trung Quốc.

Đối với lực lượng tàu ngầm, mặc dù có số lượng vượt trội. hải quân Trung Quốc chỉ có thể đưa vào chiến đấu được từ 16 – 20 chiếc, một phần do các nguyên nhân quân sự - chính trị, nhưng chủ yếu là do chất lượng khiến các tàu ngầm do Trung Quốc chế tạo có độ ồn cao, cần có thời gian dài hơn để có thể bí mật hải hành đến khu vực triển khai sẵn sàng chiến đấu.

Ưu thế chiến trường dưới mặt nước của Nhật Bản là hệ thống chống ngầm SOSUS của Liên minh quân sự Mỹ - Nhật, một số lượng lớn các các máy bay chống ngầm và các căn cứ hải quân tiền tiêu trên đảo Okinawa (khoảng 300 dặm về phía tây nam của thủ phủ tỉnh) và Iwo Jima (khoảng 500 dặm về phía đông nam).

Trên hướng Nhật Bản, nếu xảy ra xung đột, không quân Trung Quốc có thể tiến hành cuộc tiến công đường không thấp nhất khoảng 64 máy bay chiến đấu, mang theo đến 238 tên lửa chống tàu, có thể tấn công cùng một lúc.

Trên căn cứ quân sự Naha thuộc đảo Okinawa có sự hiện diện của các máy bay tiêm kích có tầm hoạt động từ 300 – 500 dặm, phối kết hợp với lực lượng phòng không chiến hạm Aegis và các máy bay cảnh báo sớm sẽ hình thành thế trận phòng không chặt chẽ, đủ sức bẻ gãy bất cứ một cuộc tấn công đường không quy mô lớn nào.

Hơn thế nữa trong lực lượng không quân Trung Quốc, số lượng và chất lượng máy bay AWACS và chỉ huy trên không là một vấn đề gây tranh cãi, điều nay khiến lực lượng không quân Trung Quốc khó có khả năng tấn công có chiều sâu và hiệu quả vào tuyến phòng thủ đường không của Nhật Ban.  

Từ góc độ so sánh lực lượng Nhật – Trung có thể nhận thấy, trong tình huống xung đột Trung - Nhật, Trận chiến lực lượng không hải của Trung Quốc với Nhật Bản chỉ có thể là cuộc chiến tranh dồn nén thời gian, một cuộc xung đột “không định trước”, khái niệm tác chiến hoàn toàn mang tính “xuất kích – tấn công – rút lui” do nhiều lý do địa chính trị, nhưng điểm đặc trưng then chốt là giữa Mỹ và Nhật Bản có Hiệp ước An ninh chung và trên lãnh thổ Nhật Bản có tới 7 căn cứ quân sự của Mỹ, trong đó có căn cứ quân sự quan trọng tại đảo Okinawa.

Các căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản
Các căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Okinawa

Do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Senkaku, nên đây sẽ hướng tấn công chủ yếu của hải quân Trung Quốc. Khoảng cách từ quần đảo Senkaky đến bờ biển Trung Quốc khoảng gần nhất là 315 km, đến căn cứ Naha thuộc quần đảo Okinawa khoảng 413 km, cách các đảo Yonaguni, Taketomi, Ishigaki, Tarama, Miyako-jima  thuộc quần đảo Sakishima  khoảng trên 170 km và cách Nhật Bản khoảng gần 900 km.  Đây có thể trở thành tuyến chiến đấu thê đội II và cũng là hậu phương chiến trường trên mặt trận Senkaku.

Lợi thế của Nhật Bản: Trong khu vực chiến trường này, lợi thế đầu tiên của Nhật Bản là hệ thống phòng thủ chống ngầm SOSUS và các máy bay chống ngầm  Р-3С Orion với số lượng lớn. Lợi thế này giúp cho các vùng nước trong khu vực quần đảo Ryukyu trở lên trong suốt và Trung Quốc không thể sử dụng lực lượng tàu ngầm đông đảo của mình.  

Môt lợi thế thứ 2 rất quan trọng đối với Nhật Bản là khả năng kiểm soát không phận chiến trường rất cao. Nhật Bản sở hữu lực lượng máy bay trinh sát cảnh báo sớm AWACS với tầm hoạt động lên đến 1.000 hải lý liên tục trong thời gian 9,25 giờ đối với E-767  và 1.700 dặm, thời gian bay liên tục 6 giờ. Ngoài ra, Nhật Bản còn được sự hỗ trợ của lực lượng tình báo, trinh sát của Mỹ hỗ trợ. Do đó sự xuất hiện của lực lượng không quân Trung Quốc không phải là điều bất ngờ với Nhật Bản.

Mặc dù số lượng máy bay có thể có ưu thế về phía PLA, nhưng khả năng kiểm soát bầu trời của Nhật Bản hiệu quả hơn, với số lượng nhiều chiến hạm phòng không hiện đại Aegis và lực lượng không quân tiêm kích mạnh, hoạt động trên bán kính khoảng 700 dặm. Khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không để tấn công các hạm tàu của Nhật Bản hoặc căn cứ sân bay trên đảo Okinawa là điều thực sự khó khăn.

Lực lượng không quân Trung Quốc cũng có các máy bay chỉ huy trên không, cảnh báo sớm AWACS, bao gồm 8 chiếc KJ-2000 có tầm kiểm soát không phận đến 470 km và 2 chiếc AEW&C  KJ-200/Y-8W.  Không có thông tin nhiều thông tin về KJ-200, nhưng các chuyên gia phương Tây dự kiến có tầm kiểm soát đến 300 km (cũng có thể lớn hơn), như vậy trên không phận biển Hoa Đông có thể hoạt động từ 3 đến 4 chiếc KJ – 2000 và 1 chiếc  AEW&C  KJ-200. Từ đó có thể thấy được khả năng kiểm soát không phận sẽ thấp hơn so với Nhật Bản, có thể đưa phần lớn các máy bay trinh sát, cảnh báo sớm và chỉ huy trên không vào chiến trường.

 Khu trục hạm JS Atago (DDG-177) trang bị tên lửa chống tàu SSM-1B Type -90

Không có ưu thế trên không và dưới mặt nước, Trung Quốc sẽ phải dựa chủ yếu vào lực lượng chiến hạm nổi trên biển và tên lửa đạn đạo. Nhật Bản sở hữu các loại tên lửa chống tàu như Type 80, Type 91, Type 93, XASM-3 không đối hải có tầm bắn từ 50 km đến 180 km. Type 88 xe cơ động đất đối hải có tầm tấn công đến 180 km, tên lửa Type 90 (phiên bản RGM-84 Harpoon Nhật Bản). Với kho tên lửa chống hạm này, dưới sự yểm trợ của lực lượng không quân, khu vực quần đảo Senkaku sẽ được bảo vệ vững chắc từ hướng quần đảo Ryukyu.

Trung Quốc có thể sẽ dựa vào ưu thế sức mạnh của lực lượng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm gần có số lượng lớn tấn công các chiến hạm nổi của Nhật Bản tạo ưu thế hỏa lực. Nhưng hiệu quả có thể thấp do các chiến hạm Nhật Bản được trang bị hệ thống Aegis và các tên lửa đánh chặn SM-2 hoặc SM-3.

Hệ thống ống phóng tên lửa thẳng đứng MK - 41 sử dụng tên lửa đánh chặn  SM2-MR hoặc SM-3 ABM

Các khu trục hạm lớp Atago trang bị 96 ống phóng  MK-41 VLS (64 ống ở phía trước, 32 phía sau) sử dụng tên lửa đánh chặn  SM2-MR hoặc SM-3 ABM và RUM-139 ASROC  (tên lửa chống ngầm).

Khu trục hạm lớp Kongo trang bị 90 ống phóng thẳng đứng MK-41 VLS lắp tên lửa đánh chặn SM2-MR hoặc SM-3 ABM và RUM-139 ASROC.

Các khu trục hạm lớp Akizuki được trang bị đến 32 ống phóng MK-41 VLS mang theo tên lửa phòng không RIMM-162 ESSM (SAM) có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình chống tàu, RUM-139 ASROC hoặc Type 07 ASROC (tên lửa chống ngầm).

Tên lửa SM-3 ABM trong đợt thử nghiệm của Hải quân Nhật Bản đã bắn hạ thành công tên lửa đạn đạo vào tháng 12. 2007, tên lửa  SM-3 block IA được phóng tử khu trục hạm  JDS Kongō.

Từ những thông tin dữ liệu đã nêu, có thể thấy, mặc dù ưu thế số lượng nghiêng về lực lượng không quân – hải quân Trung Quốc, nhưng nếu xét theo kế hoạch tác chiến và phương thức sử dụng chiến thuật mà Trung Quốc đã diễn tập vào năm 2013, một phần trong cuộc diễn tập đó là hoạt động tấn công đánh chiếm quần đảo Senkaku và tấn công dọc theo quần đảo Ryukyu cho thấy, lực lượng không – hải của Trung Quốc khó có thể chiếm ưu thế trong một chiến dịch tấn công chớp nhoáng tương tự.

Với số lượng đông, khả năng tấn công nhanh chóng và quyết liệt, hỏa lực đa tầm quy mô lớn, lực lượng không quân – hải quân và tên lửa đạn đạo PLA có thể gây những tổn thất nhất định cho lực lượng Hải quân Nhật Bản, nhưng không thể đạt được mục đích đặt ra – chiếm quần đảo Senkaku. Để tấn công được dọc theo quần đảo Ryukyu, PLA phải đánh chiếm được Senkaku và từ đó phát triển tấn công. Nhưng trong vùng nước hẹp quanh quần đảo này, Không quân Hải quân Nhật Bản có thể tổ chức phản kích từ hai hướng, hướng đảo Okinawa và hướng quần đảo Sakishima. Do có ưu thế về hạm đội tàu ngầm, không quân hải quân, lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản sẽ gây tổn thất rất lớn cho hạm đội chiến hạm nổi Trung Quốc.

Ngay cả khi lực lượng lính thủy đánh bộ Trung Quốc có thể đổ bộ được lên quần đảo Senkaku, hiệu quả tác chiến cũng không lớn do các tàu đổ bộ trực thăng lớp Hyuga và Izumo cùng 3 tàu đổ bộ khác có thể nhanh chóng giải quyết chiến trường trong điều kiện không quân Nhật Bản chiếm ưu thế trên không.

Trong tình huống bùng phát xung đột vũ trang, có thể lực lượng Không quân – Hải quân Mỹ không tham gia trực tiếp vào chiến trường, nhưng có thể thực hiện các hoạt động hỗ trợ tình báo, trinh sát và cảnh báo sớm, hậu cần kỹ thuật, chỉ thị mục tiêu và cung cấp các dự liệu chiến thuật cho các chiến hạm Nhật Bản. Hơn thế nữa, các lực lượng Hải quân Mỹ như Hạm đội 7, hạm đội 6 và 5 sẽ ngăn chặn và phong tỏa các tuyến đường vận tải hảng hải của Trung Quốc, đe dọa gây sụp đổ nền kinh tế Trung Quốc và bất ổn chính trị.

Nhưng khu vực mà hải quân Mỹ có thể phong tỏa trong tình huống xung đột biển Hoa Đông

Sức mạnh của lực lượng Hải quân Nhật Bản, yếu tố địa hình và yếu tố Mỹ là điều kiện cần và đủ để lực lượng hải quân Trung Quốc không thể giành thắng lợi, dù là “dạy cho đối phương một bài học” và chiếm quần đào Senkaku như mục đích đặt ra, thậm chí đứng trước nguy cơ thua thảm.

Như vậy, mặc dù có số lượng rất lớn, vượt trội hơn hẳn so với lực lượng Hải quân Nhật Bản, nhưng trong tình huống xung đột trên biển Hoa Đông, PLA không chiếm ưu thế chiến trường và cũng không thể ngăn chặn được nguy cơ phong tỏa đường biển của liên minh quân sự Mỹ-Nhật.

TTB