|
Ảnh minh họa |
Kết quả cho thấy, nếu trong thập kỷ 1990, kiểu gì Mỹ cũng chắc chắn giành thắng lợi thì hiện nay, về nhiều tham số, kết cục sẽ không rõ ràng như thế, còn trong 10-15 năm tới, cán cân sức mạnh có thể còn thay đổi hơn nữa.
Các nhà phân tích của hãng phân tích chiến lược Mỹ RAND đã soạn thảo báo cáo về sự thay đổi của quân đội Trung Quốc kể từ đầu thập kỷ 1990. Họ so sánh quân đội Mỹ và Trung Quốc trên 10 thông số vào các năm 1996, 2003, 2010 và 2017 và dự báo kết quả cuộc xung đột quân sự tiềm tàng giữa hai bên. Họ xem xét 2 kịch bản xung đột: tại khu vực gần Trung Quốc, nghĩa là xung đột về Đài Loan, và ở khu vực xa hơn vì quần đảo Trường Sa.
Báo cáo cho rằng, trong 20 năm qua, quân đội Trung Quốc đã có bước chuyển hóa, từ một quân đội đông người, nhưng lạc hậu thành một quân đội hiện đại, có sức chiến đấu. 10 thông số dùng để so sánh sức mạnh quân sự Mỹ, Trung như sau.
1. Khả năng của Trung Quốc tấn công các căn cứ không quân Mỹ
Các nhà phân tích Mỹ cho rằng, Trung Quốc có khả năng tiêu diệt các căn cứ không quân Mỹ gần nhất bằng các tên lửa đường đạn tầm ngắn mà Trung Quốc hiện có tới gần 1.400 quả. Ngay cả một phần nhỏ kho tên lửa này cũng đủ để loại khỏi vòng chiến các căn cứ này trong vài tuần, vì thế máy bay Mỹ sẽ phải bay qua khoảng cách xa hơn từ các căn cứ ở Alaska, quần đảo Hawaii và đảo Guam.
Về thông số này, các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc có ưu thế nhỏ khi xảy ra xung đột ở khu vực gần và hai bên có sự cân bằng nếu xung đột diễn ở ở khu vực xa.
2. Ưu thế trên không
Hiện nay, một nửa không quân tiêm kích của Trung Quốc được trang bị các máy bay thế hệ 4. Bản thân điều đó đã làm giảm khoảng cách về năng lực giữa hai nước. Tuy nhiên, nếu như đến năm 2010, ưu thế của Mỹ là áp đảo thì nay đang có sự cân bằng ở khu vực gần và ưu thế nhỏ của Mỹ ở khu vực xa.
3. Khả năng xâm nhập không phận Trung Quốc
Sự phát triển của hệ thống phòng không Trung Quốc đã dẫn tới việc Mỹ gặp khó khăn hơn nhiều để hoạt động trong không phận Trung Quốc hay ở dọc biên giới Trung Quốc. Vào năm 1996, các tên lửa đất đối không Trung Quốc chủ yếu là các vũ khí sao chép các hệ thống cũ của Liên Xô. Đến năm 2010, Trung Quốc đưa vào trang bị gần 200 bệ phóng với hệ thống sục sạo mục tiêu tinh vi hơn, với tầm hoạt động đến 200 km.
Khả năng của Không quân Mỹ được trang bị công nghệ tàng hình vẫn cho phép họ xâm nhập vào không phận Trung Quốc. Nhưng nếu như trong những năm 1990, có thể nói về ưu thế của Mỹ thì này đang có sự cân bằng ở khu vực gần và ưu thế nhỏ của Mỹ ở khu vực xa.
4. Khả năng của Mỹ tấn công các căn cứ không quân Trung Quốc
Sự phát triển của vũ khí chính xác cao đã mang lại cho Mỹ hàng loại ưu thế và khả năng có thể sử dụng trong một cuộc xung đột có thể xảy ra vì đảo Đài Loan. Nhờ đó, về thông số này, Mỹ có ưu thế ở khu vực gần và ưu thế đáng kể ở khu vực xa.
5. Khả năng của Trung Quốc chống tàu mặt nước của Mỹ
Khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc đã đạt đến trình độ có thể đe dọa các tàu sân bay Mỹ bằng các tên lửa đường đạn chống hạm. Mặc dù các tên lửa này vẫn dễ tổn thương trước các hệ thống phòng thủ tên lửa, các vị tướng Mỹ giờ phải tính toán đến việc Trung Quốc có khả năng tấn công các tàu sân bay Mỹ và khả năng này chỉ có tăng.
Ngoài ra, Trung Quốc sẽ cải thiện được năng lực trinh sát, trong đó có trinh sát vệ tinh. Ngoài các tên lửa đường đạn chống hạm, bộ chỉ huy Mỹ cũng phải tính đến việc hoàn thiện các tàu ngầm Trung Quốc với tên lửa hành trình và ngư lôi. Do đó, ở đây, Trung Quốc có ưu thế nhỏ ở khu vực cần và có sự cân bằng ở khu vực xa.
6. Khả năng của Mỹ tấn công tàu chiến Trung Quốc
Quân đội Mỹ đang có nhiều nỗ lực để ngăn chặn Trung Quốc tổ chức đổ bộ lên Đài Loan. Các tàu ngầm, máy bay và lực lượng mặt đất của Mỹ sẽ tiêu diệt đến 40% các tàu đổ bộ Trung Quốc, sau những tổn thất như thế, lực lượng đổ bộ sẽ không còn khả năng duy trì tính toàn vẹn và sự chỉ huy thống nhất.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang hoàn thiện các trực thăng chống ngầm và hạm tàu và tiếp tục tăng cường đội tàu đổ bộ. Khả năng đổ bộ của Trung Quốc từ năm 1996 đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên, một khi nổ ra xung đột vì Đài Loan ưu thế ở đây sẽ thuộc về Mỹ, còn ở khu vực xa, ưu thế của Mỹ còn lớn hơn nữa.
7. Khả năng của Mỹ đối phó với các hệ thống vũ trụ của Trung Quốc
Trong khi Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào các vệ tinh, nhưng cũng có tin về việc Trung Quốc phát triển các loại vũ khí có khả năng tiêu diệt các khí cụ vũ trụ thì từ năm 2002, Mỹ đã bắt đầu tài trợ cho việc phát triển vũ khí chống vệ tinh. Ngoài ra, Mỹ cũng đang phát triển các hệ thống laser năng lượng cao để loại khỏi vòng chiến các hệ thống cảm biến quang học của các vệ tinh Trung Quốc và các tên lửa đường đạn để bắn hạ các vệ tinh đó.
8. Khả năng của Trung Quốc đối phó với các hệ thống vũ trụ của Mỹ
Trung Quốc đã tiến hành một số thử nghiệm tên lửa động năng chống vệ tinh. Họ cũng đang phát triển các hệ thống laser có khả năng gây tổn hại các thiết bị của vệ tinh. Mối đe dọa đối với các vệ tinh được đánh giá là khá lớn. Xét về cả hai thông số cuối, sức mạnh của hai bên là gần ngang nhau.
9. Chiến tranh mạng
Mặc dù các cơ quan nhà nước của Mỹ nhiều lần bị tin tặc do Trung Quốc yểm trợ tấn công, nhưng sẽ không có vấn đề đặc biệt với các mạng máy tính Mỹ một khi nổ ra xung đột. Mà Trung Quốc cũng chẳng phải quá lo mặc dù Mỹ có ưu thế nhất định trong lĩnh vực này.
10. Khả năng sống còn của lực lượng hạt nhân
Thông số này liên quan đến trạng thái của lực lượng hạt nhân quốc gia một khi bị tấn công hạt nhân nên cũng liên quan đến khả năng giáng trả hạt nhân. Trung Quốc liên tục phát triển lực lượng hạt nhân của mình và đưa vào trang bị các tên lửa đường đạn xuyên lục địa mới như DF-31/31A và tên lửa cải tiến DF-5.
Hải quân Trung Quốc đã nhận được tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm JL-2. Mặc dù vậy, số lượng đầu đạn hạt nhân của Mỹ so với Trung Quốc là 13/1 vì thế Trung Quốc không có cơ hội nào thực hiện đòn giáng trả hạt nhân.
Báo cáo cũng viết rằng, với xu hướng diễn biến như hiện nay, sau 5-15 năm nữa, ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á sẽ suy giảm. Đồng thời, ban lãnh đạo Trung Quốc có thể đi đến kết luận rằng, Mỹ sẽ không can thiệp vào cuộc xung đột giữa Trung Quốc với một trong các nước láng giềng của họ.
Đánh giá của chuyên gia quân sự Nga
Liên quan đến báo cáo của RAND, biên tập viên tạp chí Moscow Defense Brief, ông Vasily Kashin cho rằng: Mỹ có liên minh chính thức với Nhật Bản và Philippines. Mỹ cũng có đạo luật quan hệ với Đài Loan, theo đó Mỹ có thể can thiệp một khi Trung Quốc mưu toan dùng vũ lực sáp nhập Đài Loan. Nhưng luật này không quyết định rõ các phương án hành động mà người Mỹ sẽ tự quyết định có can thiệp hay không. Do đó, ở đây có sự bất định chiến lược.
Đối với các nước khác, Mỹ không có cam kết rõ ràng. Không nên nghi ngờ chuyện Mỹ sẽ giúp Nhật vì đây là đồng minh chủ chốt, bỏ mặc đồng minh cho số phận nghĩa là từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu và mọi tham vọng đối với vai trò đó. Đối với Philippines, mọi thứ không đơn giản thế, ở đây nói đến những cấp độ quy mô khác. Nhưng rõ ràng là hiện nay Đông Á là khu vực ưu tiên đối với Mỹ. Không nên xem nhẹ quyết tâm của Mỹ và Trung Quốc cũng hiểu rõ điều đó.
Việc Trung Quốc tiến hành các chiến dịch cục bộ chớp nhoáng mà Mỹ đơn giản là không kịp phản ứng là rủi ro lớn. Nhưng chỉ có thể nói đến khả năng xảy ra loại hành động như vậy đâu đó vào thập kỷ tới, khi mà quan hệ xấu đi và cán cân sức mạnh thay đổi.
Đồng thời, ông Kashin cũng nhất trí với các tác giả báo cáo ở chỗ, khả năng quân sự của Trung Quốc đã lớn mạnh đến mức, ở đâu đó, có sự vượt trội so với Mỹ.
“Ngay cả ở khu vực quần đảo Trường Sa, Trung Quốc hiện đã có ưu thế liên quan đến việc họ thường xuyên hiện diện trong khu vực, còn người Mỹ phải điều lực lượng từ khắp thế giới đến đó. Ngoài ra, Trung Quốc còn có các khả năng phi đối xứng liên quan đến lực lượng tên lửa hiện đại và chính xác đông đảo triển khai trên mặt đất.
Ở khu vực này, Trung Quốc thực sự là địch thủ cực kỳ nguy hiểm đối với Mỹ. Xung đột Mỹ-Trung sẽ có những kết quả khó lường. Ở khoảng cách xa, người Mỹ sẽ có ưu thế ở tầm mức toàn cầu. Nhưng ở gần biên giới của mình, Trung Quốc có thể thách thức ai cũng được”, ông Kashin kết luận”.
Theo VND