Trung Quốc có thể can thiệp vào Trung Đông

Tình hình bất ổn kéo dài tại Trung Đông đang đe dọa lợi ích và an ninh của Trung Quốc, điều đó có thể khiến nước này sớm can thiệp vào khu vực.
Công nhân Trung Quốc đi qua cửa kiểm tra an ninh trước khi lên tàu hải quân của nước này ở vịnh Aden. Ảnh: Reuters

Kể từ cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad nổ ra vào năm 2011, các cuộc đụng độ đã biến thành bạo lực và hủy diệt chưa từng có. Nó khiến các quốc gia trong khu vực Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Iran vướng vào cuộc đối đầu cùng với 2 cường quốc mạnh nhất thế giới là Nga và Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc, quyền lực lớn thứ 3 thế giới, vẫn tỏ ra thận trọng và lánh xa cuộc xung đột. Bắc Kinh tập trung vào các tuyên bố mang tính biểu tượng gắn liền với nguyên tắc “không can thiệp” và thực hiện những nỗ lực để đi đến một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.

Sau Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc tập trung vào các lợi ích cốt lõi trong khu vực Trung Đông, tiếp cận đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thị trường nước ngoài thông qua các dự án đầu tư theo nguyên tắc “không xúc phạm ai, không đứng về bên nào”.

3 lý do để can thiệp vào Trung Đông

Theo National Interest, từ đầu năm 2015, Bắc Kinh đã có những dấu hiệu về sự thay đổi trong chính sách đối ngoại, trái ngược với xu hướng tránh đứng về phía khu vực này một cách thường xuyên Mỹ theo đuổi. Michael Clarke, phó giáo sư tại Đại học An ninh Quốc gia Australia, nhận định áp lực từ 3 hướng có thể sớm đẩy Bắc Kinh đến việc can thiệp vào khu vực.

Đầu tiên, sự bất ổn khắp Trung Đông sau “Mùa xuân Arab” đã tạo nên mối đe dọa không chỉ đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu gần một nửa lượng dầu từ khu vực này, mà còn là mối nguy đối với các khoản đầu tư và công dân Trung Quốc ở Trung Đông.

Ông Clarke nhận định, điều này có tác động rất lớn đối với Trung Quốc trong việc tìm cách tác động đến Trung Đông. Việc di tản 12.000 công dân Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Libya năm 2011 là hành động mang tính quân sự đầu tiên của Bắc Kinh ở Địa Trung Hải. Lúc đó, tàu hộ vệ tên lửa Từ Châu đã phối hợp sơ tán khoảng 1.700 công dân bằng đường biển.

“Điều này thể hiện sự phô diễn năng lực ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong khi tiến hành các hoạt động ở bên ngoài lãnh thổ và họ có khả năng đó, điều mà chỉ một thập kỷ trước đây họ chưa thể làm”, ông Clarke nói.

Tuy vậy, sự sẵn sàng của Trung Quốc vẫn còn hạn chế, thể hiện qua sự bất lực của Bắc Kinh khi tìm cách ngăn IS hành quyết con tin Fan Jinghui vào ngày 18/11 tại tỉnh Anbar, Iraq.

Công dân Trung Quốc xếp hàng tại cảng Benghazi, Libya để chờ tàu của chính phủ đưa họ về nhà. Ảnh:AP

Vấn đề thứ hai là sự can thiệp của Mỹ cùng đồng minh ở Libya và sau đó là Syria đã tạo ra những thách thức ngoại giao toàn cầu cho Bắc Kinh. Việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng trong Nghị quyết số 1973 của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc đã mở đường cho sự can thiệp quân sự của NATO vào Libya. Điều đó làm gia tăng mối nghi ngờ về nguyên tắc “không can thiệp” vốn giúp Bắc Kinh xây dựng thành công chiến lược ngoại giao hậu Chiến tranh Lạnh.

Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách này ở Syria như một phần trong kết quả trực tiếp từ những đánh giá về sự cân bằng địa chính trị ở Trung Đông sau biến cố ở Libya. Quan trọng nhất, Trung Quốc đã đạt đến sự hiểu biết chiến lược với Nga để ràng buộc và hạn chế Mỹ trong các giải pháp mang tính áp đặt về vấn đề Trung Đông.

Bắc Kinh và Moscow đã sử dụng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi tháng 10/2011 và tháng 2/2012 trong dự thảo nghị quyết có nội dung lên án chế độ Assad. Bắc Kinh cũng phản đối kế hoạch không kích do Mỹ dẫn đầu chống lại Damascus sau khi quân đội Syria bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trong tháng 8/2013.

Bắc Kinh im lặng trước hoạt động can thiệp quân sự của Nga vào Syria nhằm hỗ trợ cho Damascus. Nhưng ông Clarke cho rằng, nguyên tắc “không can thiệp” của Trung Quốc đang trở nên không còn phù hợp.

Khi quân đội Nga bắt đầu không kích Syria, China Daily đăng bài xã luận cho rằng, sự can thiệp của Moscow là một “hành động chiến lược hợp lý” có thể “tăng cường hình ảnh của Nga như là một bên liên quan có trách nhiệm trong việc chống lại tổ chức khủng bố IS”. Moscow tiến hành các đợt không kích phối hợp với quân đội chính phủ Syria sẽ làm cho những nỗ lực của Nga trở nên hiệu quả và chính xác hơn so với các cuộc tấn công của liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Một người được cho là công dân Trung Quốc trong nhóm Hồi giáo Turkestan có liên hệ với IS. Ảnh:Longwarjourney

Cuối cùng, sự bành trướng của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên toàn thế giới đặt ra những thách thức cho Trung Quốc trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Trong năm 2013, ông Wu Sike, đặc phái viên của Trung Quốc về Trung Đông từng cảnh báo, hàng trăm người Duy Ngô Nhĩ đã du lịch đến Syria thông qua Thổ Nhĩ Kỳ để chiến đấu trong nhiều nhóm chống đối Assad.

Mối liên hệ giữa người Duy Ngô Nhĩ cực đoan và sự hỗn loạn tại Syria lại nổi lên trong vụ đánh bom ở Erawan Shrine, Bangkok ngày 18/8, một số nghi can bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ có hộ chiếu du lịch vào Trung Quốc từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Gần đây nhất, nhóm Hồi giáo Turkestan (chi nhánh của al-Nusra) bao gồm một nhóm người Trung Quốc bị cáo buộc liên quan đến vụ tấn công ở Tân Cương đã xuất hiện ở chiến trường Syria.

Các tay súng trở về từ Syria có thể thực hiện các vụ khủng bố ở Trung Quốc gây mất ổn định tình hình an ninh. Nhà phân tích James Leibold nhận định, Trung Quốc có thể sử dụng công cụ chống khủng bố để theo đuổi các chính sách bên ngoài tương tự như điều mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đang thực hiện ở Syria.

Do đó, chính phủ Trung Quốc nên hành động nhiều hơn để góp phần vào nỗ lực quốc tế chống chủ nghĩa khủng bố. Dựa trên lợi ích và hành động gần đây ở Trung Đông cho thấy rằng, phương pháp tiếp cận “không xúc phạm ai, không đứng về bên nào” của Trung Quốc sẽ sớm trở nên lỗi thời.

Trung Quốc là giải pháp cho vấn đề Trung Đông?

Trong hội nghị G7 hồi giữa năm ở Đức, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng chính quyền của ông không có “chiến lược toàn diện” để đối phó với các phần cử Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông. Tuyên bố ngắn gọn của ông chủ Nhà Trắng cho thấy Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với “bệnh dịch” của thế giới. Mọi hành động của Mỹ chỉ như việc băng bó một vết thương hở thay vì giải quyết triệt để nguyên nhân gây bệnh.

Diplomat cho rằng, khi Mỹ gặp bế tắc, Trung Quốc nên trở thành phần quan trọng trong chiến lược chống IS. Khi vai trò và vị thế của Bắc Kinh đang ngày càng lớn mạnh trên vũ đài chính trị thế giới, Trung Quốc cũng mong muốn đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế nói chung và Trung Đông nói riêng. Quan hệ kinh tế ngày càng mạnh giữa Trung Quốc với cả Israel và cả các nước Arab nhưng không gây bất đồng về mặt tôn giáo giúp Bắc Kinh có thể phá vỡ các rào cản ở Trung Đông và bắt đầu quá trình đổi mới mang tính xây dựng.

Mỹ là đồng minh của nhiều quốc gia Arab nhưng nhiều cộng đồng Hồi giáo lại coi Washington là kẻ thù. Trên thực tế, không có thuốc chữa đặc trị cho những cuộc xung đột kéo dài nhiều thế kỷ ở Trung Đông, dù nhiều trong số đó bắt nguồn từ các mối quan hệ tiền bạc. Tuy nhiên, cải thiện kinh tế có thể làm giảm cường độ xung đột.

Việc tìm kiếm ảnh hưởng ở Trung Đông chắc chắn sẽ là tham vọng của Trung Quốc trong tương lai. Nó dường như quan trọng hơn tất cả những gì mà Bắc Kinh đã làm trong quá khứ. Thông qua chính sách khuyến khích đầu tư trong khu vực, Trung Quốc xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với Israel, các nước láng giềng Arab và Hồi giáo. Những mối quan hệ này trở thành đòn bẩy cần thiết cho mối quan hệ hòa bình hơn trong khu vực.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Israel trong khi Tel Aviv là nhà cung cấp các mặt hàng công nghệ quân sự lớn thứ 2 cho Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, xuất khẩu vũ khí và khai thác tài nguyên ở các nước Arab. Tại Trung Đông, Trung Quốc đặt nhiều tham vọng vào dầu mỏ và tài nguyên. Khi Mỹ đang để tâm tới các nguồn dầu mỏ khác ngoài Trung Đông, Trung Quốc sẽ trở thành khách hàng khổng lồ của các nước Arab.

Ngoài dầu, Trung Quốc cũng duy trì mối quan hệ thương mại chặt chẽ với các nước Trung Đông. Trong quá khứ, con đường tơ lụa huyền thoại của Trung Quốc đi qua khu vực này để tới châu Âu. Ngày nay, giá trị của nó vẫn tiếp tục lớn mạnh. Trung Quốc đã tuyên bố chi gần 50 tỷ USD để xây dựng đường sắt, đường bộ và đường ống dẫn dầu và cơ sở hạ tầng khác trong khu vực.

Đại sứ Gong Xiaosheng, đặc phái viên của Trung Quốc tại Trung Đông, tin rằng, sáng kiến con đường tơ lụa là câu trả lời chính cho vấn đề hòa bình trong khu vực. Trong chuyến công du tới Palestine hồi tháng 4, ông Gong mong muốn con đường tơ lụa sẽ trở thành chất xúc tác để thúc đẩy phát triển kinh tế và nuôi dưỡng hòa bình, hướng tới giải quyết cội nguồn bất ổn.

Theo Zing