Trung Quốc có đang xuất khẩu lạm phát sang phần còn lại của thế giới?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giá cả tăng ở các công xưởng Trung Quốc có thể tràn sang các nền kinh tế khác.
Trung Quốc có đang xuất khẩu lạm phát sang phần còn lại của thế giới?
Trung Quốc có đang xuất khẩu lạm phát sang phần còn lại của thế giới?

Chính quyền Bắc Kinh đang nhanh chóng hành động để bảo vệ các nhà máy và văn phòng làm việc trước tình hình giá cả tăng vọt: hạn chế các nhà sản xuất thép và than tăng giá, điều tra thổi giá và tích trữ hàng hóa, cho phép tỉ giá đồng Nhân dân tệ tăng đến mức chưa từng thấy trong nhiều năm, đồng thời tích cực nhập khẩu ngũ cốc, thịt, dầu mỏ, khoáng sản và các nhu yếu phẩm cần thiết khác từ nước ngoài.

Là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới, giá tăng ở Trung Quốc, cả thế giới đều thấm thía. Nhà chức trách Trung Quốc thông báo trong tháng Năm, giá hàng công nông nghiệp nước này tăng 9% so với cùng kỳ năm trước – mức tăng nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Cảm nhận từ Mỹ

Annabelle New York, công ty nhập khẩu và phân phối thời trang cao cấp trụ sở tại Manhattan, vốn bán giá thấp hơn cửa hàng bách hóa và các nhà bán lẻ khác, đã phải tăng giá 10% vào mùa xuân này. Tuy nhiên, ông Bennett Model, giám đốc điều hành và chủ tịch của Annabelle, cho biết chi phí hàng hóa công ty nhập từ Trung Quốc tăng 20%.

Hóa chất dùng để sản xuất vải tổng hợp làm áo măng tô ngày càng đắt hơn khi giá dầu tăng trở lại. Lông vũ, mặt hàng Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản xuất, cũng đắt đỏ hơn. Và chi phí vận chuyển mỗi chuyến hàng hóa xuyên Thái Bình Dương cũng vì các hãng tàu và hãng hàng không phải vật lộn để đáp ứng kịp nhu cầu.

Chỉ có nỗi sợ mất khách hàng mới ngăn ông Model chuyển tất cả những khoản chi phí gia tăng này khách mua hàng ở Mỹ. “Nếu tôi thực sự muốn bù đắp tất cả các khoản tăng, giá bán ra bây giờ sẽ rất cao”, ông cho biết mình đành chấp nhận biên lợi nhuận hẹp hơn.

Hành động từ chính quyền Trung Quốc

Khó nói chắc rằng đợt lạm phát toàn cầu hiện nay còn kéo dài hay không. Nhiều nhà kinh tế tin rằng tình hình tăng giá sẽ ổn định lại một khi các công ty giải quyết được tình trạng nghẽn nguồn cung do đóng cửa nhà máy và các biện pháp ngăn chặn đại dịch có hiệu quả.

Tuy nhiên, Trung Quốc có lý do rõ ràng để lo sợ lạm phát. Tăng trưởng kinh tế chóng mặt của quốc gia này trong những thập kỷ gần đây luôn đi kèm với giá cả tăng cao gây ra sự giận dữ trên khắp đất nước. Các nhà chức trách từ lâu đã sử dụng các biện pháp kiểm soát giá cả và trợ cấp không chính thức để người dân không phải cảm nhận giá tăng trên các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.

Đối với một số hàng hóa, giá cả hiện nay thực sự đang tăng. Từ tháng Ba, giá các sản phẩm như khăn ăn và giấy vệ sinh đã tăng bốn lần. Đậu nành để làm đậu phụ cũng ngày càng đắt hơn. Tuy nhiên, các nhà sản xuất mới thấm đòn nhiều hơn người tiêu dùng. Quặng sắt nhập từ Úc và bắp ngô từ Mỹ là một trong những nguyên liệu đầu vào Trung Quốc phải chịu mức giá tăng cao.

Nội các Trung Quốc đã công bố các khoản trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ để giúp họ trang trải chi phí hàng hóa ngày càng tăng. Các giao dịch hàng hóa trong tương lai bị áp đặt hạn mức để ngăn chặn tình trạng đầu cơ. Thuế xuất khẩu một số loại thép tăng cao nhằm giữ lại nhiều hơn cho thị trường nội địa.

Trong cuộc họp nội các vào ngày 19.5, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã ra lệnh cho các quan chức “kiên quyết trấn áp độc quyền và tích trữ hàng hóa theo luật và quy định, đồng thời tăng cường giám sát thị trường”.

Hiệu quả của chính sách bảo vệ người tiêu dùng nội địa

Cho đến nay, việc tăng giá dường như không ảnh hưởng đến người tiêu dùng Trung Quốc. Chỉ số giá tiêu dùng nước này trong tháng Năm chỉ cao hơn 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Một nguyên nhân là vì nền kinh tế nội địa Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch. Thu nhập giảm khiến ngày càng ít hộ gia đình chấp nhận mức tăng của các mặt hàng, và hạn chế mua sắm lại. Chẳng hạn, giá sườn heo lên cao chóng mặt vào dịp Tết âm lịch, hiện đã giảm một chút. Thậm chí, có các mặt hàng như đồ lót nam, giá cũng không thay đổi.

Những người bán hàng ở Thượng Hải cho biết, họ cũng không thấy giá cả tăng mấy. Giá trứng và thịt bò, cũng ít thay đổi.

“Chi phí sinh hoạt không thay đổi nhiều, giá rau xanh luôn ở mức đấy”, Yang Yuxia, người bán trứng gà, chim bồ câu và thịt các loài chim khác tại một quầy hàng ở khu chợ Thượng Hải từ năm 1998 cho biết. Chỉ có người bán thực phẩm không chủ lực mới lo lắng. “Nếu giá tăng, tôi sẽ có ít khách hàng hơn”, Gao Hong, một người bán tôm và lươn nước ngọt đối diện ông Yang cho biết.

Mặt khác, người tiêu dùng Trung Quốc cũng được bảo vệ nhờ nước này có dư các nhà máy sản xuất các mặt hàng thiết yếu như quần áo và đồ dùng gia đình. Thị trường có nhiều đối thủ cạnh tranh khiến người mua có nhiều lựa chọn, từ đó khiến các nhà sản xuất khó có thể chuyển giá tăng cho người mua.

Xuất khẩu lạm phát?

“Dọc theo chuỗi cung ứng, ai có ít quyền đàm phán hơn sẽ chịu nhiều chi phí hơn”, Wang Dan, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng Trung Quốc cho biết. Ở Trung Quốc, các công ty sản xuất ở giai đoạn đầu của chuỗi cung ứng có ít khả năng thương lượng hơn các nhà bán lẻ và người tiêu dùng.

Các biện pháp của chính phủ có thể làm chậm lại nhưng không ngăn được việc tăng giá bán buôn. Các công ty vướng mắc với vấn đề chi phí nguyên vật liệu tăng cao cuối cùng phải tìm cách tăng giá, nếu không sẽ buộc tạm ngừng sản xuất. Các nhà sản xuất giấy, bị kẹt giữa chi phí bột giấy thô tăng cao và áp lực không được tăng giá bán ra, đã đóng cửa một số nhà máy với lý do bảo trì.

Tuy nhiên, tình hình tăng giá của Trung Quốc có thể lan ra nước ngoài. Các nhà lãnh đạo của đất nước này đang cố gắng giải quyết mối đe dọa lạm phát, một phần là bằng cách để đồng tiền tăng giá.

Tỉ giá Đồng Nhân dân tệ đang ở mức cao nhất nhất so với đô la Mỹ kể từ giữa năm 2018. Một đồng Đô la hiện chỉ mua được khoảng 6,4 đồng nhân dân tệ, so với mức 7,1 đồng khoảng một năm trước.

Kể từ đầu năm nay, mức tăng này không đáng kể. Tuy nhiên, năm ngoái Trung Quốc đã chi một khoản tiền lớn để nhập khẩu hàng hóa, chẳng hạn 176,2 tỉ USD cho dầu thô và 50,8 tỉ USD để cho ngũ cốc. Mức tăng nhỏ trở thành con số khổng lồ.

Chính sách tiền tệ của Trung Quốc từ lâu đã trở thành một vấn đề chính trị nổi bật. Các nhà lập pháp và quan chức Mỹ trong nhiều năm đã cáo buộc Bắc Kinh không công bằng khi giữ đồng tiền yếu để tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu của nước này trên thị trường nước ngoài.

Nhưng trong trường hợp này, các quan chức Trung Quốc chỉ đơn giản là ngồi yên và để bối cảnh toàn cầu làm cho đồng tiền mạnh hơn. Trong những tháng gần đây, Mỹ đã vay và chi tiêu mạnh tay để chống lại những tác động kinh tế của đại dịch, nên đồng Đô la đã bắt đầu trượt giá so với nhiều loại tiền tệ, bao gồm cả đồng Nhân dân tệ và đồng Euro.

Tuy nhiên, một đồng tiền mạnh hơn cũng có những mặt trái, tỉ giá cao khiến hàng hóa Trung Quốc kém hấp dẫn hơn ở các thị trường khác, và các quan chức Trung Quốc không đợi mà liền can thiệp để ngăn chặn đà tăng. Hiện tại, thế giới dường như vẫn vui vẻ tiếp tục mua hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, nhưng ngày 27.5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cảnh báo các nhà giao dịch tiền tệ.

Trong khi đó ở Mỹ, đồng Nhân dân tệ mạnh hơn có thể đẩy giá hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, gây thêm áp lực về giá. Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết, giá trung bình hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm khoảng 2% từ mùa hè năm 2018 cho đến khi đầu năm 2020 và sau đó chững lại. Nhưng giờ đây, mức giá đó đã tăng 2% kể từ tháng 11.2020.

"Có phải Trung Quốc đang xuất khẩu lạm phát?" Louis Kuijs, một chuyên gia về Trung Quốc tại Oxford Economics đặt nghi vấn. Theo ông, tính bằng đồng Nhân dân tệ, điều đó không rõ ràng. Nhưng nếu tính bằng đồng Đô la Mỹ, các con số bắt đầu lớn dần.

-------

Nguồn:

https://www.nytimes.com/2021/06/08/business/economy/china-inflation.html